Thứ Ba, 09/05/2023, 09:54 (GMT+7)
.

Tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam tới đây thực hiện thế nào?

Tới đây, chúng ta sẽ không tổ chức tiêm vaccine COVID-19 theo chiến dịch, mà sẽ đưa vào tiêm chủng thường xuyên, cùng các vaccine khác. Dự kiến mỗi tháng, các trạm y tế có 2-4 buổi tiêm chủng thường xuyên tuỳ theo các trạm ở các địa phương khác nhau.

Thông tin trên được PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết chiều ngày 8-5.

Trước đó như thông tin Sức khoẻ & Đời sống đã đưa, chiều 8/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, WHO phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cung cấp thông tin với báo chí liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 sau tuyên bố của WHO về việc COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu cũng như các khuyến cáo cần thiết cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch thời gian tới.

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW Ảnh: Tuấn Dũng
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW Ảnh: Tuấn Dũng

Trả lời quan tâm của báo chí về việc tiêm COVID-19 sẽ triển khai như thế nào trong thời gian tới ở Việt Nam? PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, từ năm 2021 đến nay, để nhanh chóng phòng chống dịch COVID-19, chúng ta đã tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hình thức chiến dịch qui mô lớn cho các nhóm đối tượng bao gồm: người lớn từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12 - 17 tuổi và trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi.

Đến nay tổng số số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 266 triệu mũi, trong đó tỉ lệ tiêm vaccine ở nhóm nguy cơ cao và người có bệnh nền đã đạt tỉ lệ bao phủ trên 80%.

"Nỗ lực triển khai tiêm vaccine phòng COVID 19 đã đóng góp quan trọng vào thành công chống đại dịch COVID 19 ở Việt Nam"- PGS.TS Dương Thị Hồng khẳng định.

PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, theo khuyến cáo cập nhật của WHO: Các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 gồm: người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại.

US CDC cũng khuyến cáo tiêm nhắc cho các đối tượng từ 6 tuổi trở lên, những đối tượng nguy cơ cao thì tiêm nhắc 2 lần.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng "vaccine COVID-19 cũng như các vaccine khác qua thời gian miễn dịch đều giảm dần. Đối với những người mắc COVID-19 theo thời gian miễn dịch cũng suy giảm. Do đó chúng tôi khuyến cáo những người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch cần chủ động đăng ký tiêm các mũi vaccine tăng cường để phòng bệnh. Thậm chí, người đã mắc bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục có mũi tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của WHO".

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW thông tin hiện tại các cơ sở tiêm chủng còn vaccine COVID-19 AstraZeneca. Theo khuyến cáo của Tổ chúc Y tế thế giới, hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc.

Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch trong đó có việc tiêm vaccine phòng COVID-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.  Đây là những nhóm cần phải tiêm đầy đủ mũi 3 và mũi 4.

PGS.TS Dương Thị Hồng nêu rõ: Thời gian tới không tổ chức tiêm vaccine COVID-19 liên tục thường xuyên như trước đây mà lồng ghép vào công tác tiêm chủng mở rộng, mỗi trạm y tế xã, phường sẽ có 3-4 buổi tiêm một tháng, tuỳ theo trạm đó ở vùng thuận lợi hay vùng đi lại khó khăn có thể tổ chức 2 buổi/ tháng.

"Chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực để duy trì chuỗi cung ứng vaccine COVID-19. Các cơ sở tiêm chủng đều thuần thục về thực hành tiêm vaccine phòng COVID-19, phương thức bảo quản. Việc cung cấp vaccine COVID-19 các tuyến trung ương, tuyến khu vực, tuyến tỉnh, tuyến huyện và đều thuận lợi và thành thạo. Chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào tiêm chủng mở rộng"- PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay.


(Theo suckhoedoisong.vn)


 

.
.
.