.

Lấp khoảng trống điều trị rối loạn tâm thần

Cập nhật: 20:51, 08/07/2023 (GMT+7)

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (khoảng gần 15 triệu người). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% được tiếp cận điều trị một cách chính thức.

Người dân chờ thăm khám tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM.
Người dân chờ thăm khám tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM.

Gia tăng bệnh nhân

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, năm 2022 có 216.942 lượt người đến khám tại 3 cơ sở y tế thuộc bệnh viện, trung bình khoảng 800-900 lượt khám/ngày. Trong đó, bệnh nhân khám vì các rối loạn lo âu và rối loạn khí sắc chiếm tỷ lệ cao nhất, tương đương gần 36% và 25%. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, lượt khám và điều trị các bệnh liên quan tâm thần gia tăng.

Thạc sĩ Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM, cho biết, mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần ở cộng đồng của TPHCM đang quản lý khoảng 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 7.000 bệnh nhân động kinh. Hiện TPHCM đã triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, thử nghiệm loại hình dịch vụ “cấp cứu trầm cảm”… Tuy nhiên, cả thành phố chỉ có khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh tâm thần.

TS-BS Lại Đức Trường, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết, việc chỉ 10% người mắc rối loạn tâm thần được tiếp cận điều trị chính thức đã tạo ra khoảng trống điều trị lên đến 90%. Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là quan niệm bệnh tâm thần đồng nghĩa với bệnh tâm thần phân liệt (điên loạn), nhưng thực tế trầm cảm, lo âu cũng là rối loạn tâm thần. Tỷ lệ tâm thần phân liệt ở Việt Nam chỉ khoảng 0,3%-0,5%, nhưng trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần do rượu chiếm đến 10%. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nước ta còn nhiều hạn chế khi chưa lồng ghép vào hệ thống khám chữa bệnh chung. Hiện chỉ có bác sĩ chuyên khoa tâm thần mới được chẩn đoán xác định bệnh, và tuyến y tế quận, huyện hầu như không có dịch vụ cung cấp sức khỏe tâm thần.

Cơ sở thiếu, nhân lực yếu

Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản trình UBND TPHCM phê duyệt “Chiến lược y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Chiến lược do các chuyên gia đầu ngành về tâm thần, tâm lý lâm sàng, thần kinh học soạn thảo và được các sở, ngành liên quan góp ý, thống nhất.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhân lực ngành tâm thần chưa đáp ứng so yới nhu cầu thực tế. Đội ngũ bác sĩ tâm thần, chuyên viên trị liệu tâm lý (học đường, lâm sàng, nghề nghiệp) còn ở mức thấp cả về số lượng và chất lượng so với thế giới. Cơ sở hạ tầng của Bệnh viện Tâm thần TPHCM đã xuống cấp, không thể đáp ứng được số lượng bệnh nhân ngày càng cao. Các bệnh viện đa khoa và trường học chưa có phòng khám tâm thần, tham vấn tâm lý để sàng lọc sớm, điều trị kịp thời các vấn đề tâm thần.

“Việc định hướng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố về lâu dài sẽ tập trung vào dự phòng tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng, điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần, nghiên cứu khoa học hợp tác quốc tế vấn đề sức khỏe tâm thần”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Đồng quan điểm, TS-BS Lại Đức Trường cho biết, cả nước hiện chỉ có 0,99 bác sĩ tâm thần/100.000 dân; 2,89 điều dưỡng tâm thần/100.000 dân; 0,11 tư vấn tâm lý/100.000 dân. Trong khi, các con số tương ứng trung bình của thế giới là 1,7 - 3,8 - 1,4/100.000 dân. Chuyên ngành tâm thần tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ bác sĩ... Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa tâm thần chủ yếu tập trung ở các thành phố, dẫn đến khoảng trống điều trị quá lớn tại các tỉnh, nhất là vùng sâu vùng xa.

“Ngành y tế TPHCM nói riêng cũng như y tế cả nước nói chung cần đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện, lồng ghép vào chăm sóc sức khỏe chung, tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời tăng cường dự phòng và nghiên cứu sức khỏe tâm thần. Việc cấp thiết hiện nay là dành sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần, đặt sức khỏe tâm thần ngang hàng với sức khỏe thể chất”, TS-BS Lại Đức Trường khuyến nghị.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), rối loạn tâm thần cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn nhiều hạn chế, chủ yếu điều trị tâm thần phân liệt và động kinh. Thuốc điều trị cũng còn hạn hẹp, nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc gián đoạn… Do đó, cần xây dựng các hướng dẫn chuyên môn chẩn đoán, điều trị, quy trình kỹ thuật về tâm thần để tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng.


 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.