.

Tiền Giang: Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tay chân miệng

Cập nhật: 19:37, 12/07/2023 (GMT+7)

(ABO) Thời gian gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) đang gia tăng ở khu vực miền Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang. Ngành Y tế Tiền Giang đã triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch TCM nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, trong đó có tổ chức đoàn đến kiểm tra, củng cố các hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ngày 11-7, Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra, củng cố các hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM tại huyện Cái Bè và Cai Lậy.

Bác sĩ thăm khám trẻ mắc bệnh TCM  đang điều trị tại TTYT huyện Cái Bè.
Bác sĩ thăm khám trẻ mắc bệnh TCM đang điều trị tại Trung tâ Y tế huyện Cái Bè.

Tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cái Bè, Đoàn đã kiểm tra thực tế việc thực hiện thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh TCM; công tác chuẩn bị trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở; việc hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến; công tác lập kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát, xử lý ổ dịch, nhập liệu trên Hệ thống Quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm.

Tại Trạm Y tế xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè), Trạm Y tế xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), Đoàn kiểm tra các văn bản có liên quan đến công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giám sát, theo dõi quản lý ca bệnh TCM.

Qua kiểm tra, ghi nhận tình hình thực tế tại huyện Cái Bè và Cai Lậy, Đoàn đánh giá cao công tác phòng bệnh, điều trị bệnh TCM, giúp giảm biến chứng, tử vong ở trẻ nhỏ của các đơn vị.

Đoàn đến ghi nhận tình hình phòng, chống bệnh TCM tại Trường Mầm non Ngũ Hiệp.
Đoàn đến ghi nhận tình hình phòng, chống bệnh TCM tại Trường Mầm non Ngũ Hiệp.

Với tình hình dịch bệnh TCM hiện đang diễn biến phức tạp, BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp yêu cầu các địa phương chủ động và phối hợp với UBND các cấp, đơn vị liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đề nghị các địa phương phải đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Đặc biệt, yêu cầu các TTYT thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bệnh TCM đến cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; thường xuyên cung cấp các thông điệp, khuyến cáo về phòng, chống bệnh TCM đến hệ thống truyền thanh cấp xã để phát thanh đến các khu dân cư; triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý nhanh, triệt để và các biện pháp đáp ứng theo quy định với tình hình dịch bệnh TCM tại mỗi địa phương.

Theo kế hoạch, từ ngày 7 đến 20-7, Đoàn của Sở Y tế tổ chức kiểm tra, củng cố hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM tại các huyện có số ca mắc cao như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, TP. Mỹ Tho và công tác thu dung, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy.

Theo ghi nhận qua phần mềm Thông tư 54, từ đầu năm đến ngày 9-7, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận trên 500 ca mắc TCM, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 25,8%, không có ca tử vong, phát hiện 5 ổ dịch và đã xử lý xong.

THANH HOÀNG


 

 

.
.
.