Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong sốt xuất huyết ở trẻ
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 47.000 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng Hà Nội ghi nhận 2.750 ca, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Độ tuổi các ca mắc rất đa dạng, trong đó có nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết 2 lần.
Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại BV Nhi Trung ương - Ảnh: VGP/Trần Việt |
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, sốt xuất huyết ghi nhận trên cả nước là hơn 47.000 ca mắc, 11 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 59,9%, tử vong giảm 58 ca.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đã ghi nhận 2.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 408/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 70,5%). Riêng 4 tuần gần đây, số ca mắc tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: Thạch Thất, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hà Đông, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Thường Tín...
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay cũng đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Trong đó, có hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo.
Một trong những bệnh nhân nặng nhất tính đến thời điểm hiện tại, điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, là bệnh nhi 8 tuổi, ở Hà Nội. Trẻ có tiền sử đã bị sốt xuất huyết lần một cách đây 4 năm. Ngày 16/7/2023, trẻ xuất hiện tình trạng sốt cao 39-40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt, đau mỏi người, nôn nhiều, đau bụng, đau đầu, ăn uống kém, gia đình đưa trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Thời điểm nhập viện, trẻ sốt cao liên tục, có chấm sốt xuất huyết vùng mặt, sau đó xuất hiện mạch nhanh, khó bắt, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng… Các bác sĩ đã điều trị cho trẻ theo phác đồ của Bộ Y tế về sốt xuất huyết Dengue nặng. Sau khi điều trị, toàn trạng trẻ ổn định, tỉnh táo, trẻ được ra viện sau 10 ngày điều trị.
Một bệnh nhi khác, 11 tuổi, ở Hà Nội, cũng nhập viện vì sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo. Trước đó, trẻ cũng đã từng bị sốt xuất huyết. Trẻ nhập viện ngày thứ 5 của bệnh với các biểu hiện: Đau bụng, sốt từng cơn, kèm nôn nhiều lần, ăn uống kém, đã điều trị tại bệnh viện gần nhà nhưng không đỡ.
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau.
Phun thuốc diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: VGP/HM |
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Bệnh sốt xuất huyết khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn sốt: Trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (những chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Giai đoạn nguy hiểm: Sau giai đoạn sốt, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3-7 sau khi mắc bệnh. Trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.
Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…
Giai đoạn phục hồi: Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48-72 giờ, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn.
Chăm sóc và theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà
Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh.
Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10-15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4-6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
Cho trẻ uống nhiều nước, ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép.
Những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết: Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu; tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt, vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không hiệu quả, thậm chí có thể làm nặng thêm tình trạng gan, thận.
Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết: Tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, bọ gậy…
(Theo baochinhphu.vn)