.
Điều chỉnh giá dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện công

Siết quản lý, bảo đảm quyền lợi người bệnh

Cập nhật: 11:20, 26/08/2023 (GMT+7)

Nhiều bệnh viện tuyến trung ương vừa công bố giá khám, chữa bệnh mới theo Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập, có hiệu lực từ ngày 15/8. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là tiền đề cho việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá khám, chữa bệnh.

Nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức giảm giá mạnh sau khi Thông tư 13 có hiệu lực. Ảnh: BVV.Đ
Nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức giảm giá mạnh sau khi Thông tư 13 có hiệu lực. Ảnh: BVV.Đ

Cân nhắc điều chỉnh giá phù hợp

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội), giá dịch vụ theo yêu cầu mới đã được công khai trên trang web chính thức của bệnh viện. Theo đó, khung giá tối đa cho một lần khám theo yêu cầu đã giảm xuống 500.000 đồng. Ngoài ra, gần 1.500 dịch vụ kỹ thuật khác cũng được điều chỉnh giảm giá, trung bình từ 10-20%, một số dịch vụ giảm hơn 30% với mức giảm đến 20 triệu đồng/ca mổ.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cho biết, tại thời điểm này, bệnh viện chỉ điều chỉnh giảm giá, không điều chỉnh tăng giá bất cứ dịch vụ theo yêu cầu nào so trước đây. Tiến sĩ Hùng khẳng định, chất lượng dịch vụ sẽ không thay đổi, dù một số dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh giảm giá mạnh.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, từ ngày 15/8, khi người bệnh đăng ký giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp khám bệnh, mức chi trả là 400.000 đồng/lần; mức 350.000 đồng/lần nếu đăng ký người khám là tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2; và mức 300.000 đồng nếu người khám bệnh là thạc sĩ, bác sĩ. Trước thời điểm này, tại Bệnh viện Bạch Mai trong ba năm qua, hầu hết giá khám và giá nhiều dịch vụ khác áp theo khung giá do bảo hiểm y tế chi trả, không phải là giá tính đúng, tính đủ các chi phí.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Thông tư 13 là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá khám, chữa bệnh. "Chúng tôi đang rà soát rất kỹ về điều kiện, tiêu chuẩn phòng, giường theo yêu cầu, định mức ở từng khoa phòng, sẽ không vượt quá 20% cơ sở vật chất cũng như bác sĩ cho khám theo yêu cầu. Về cơ bản, Bệnh viện Bạch Mai vẫn phục vụ bệnh nhân có bảo hiểm y tế", ông Cơ nói.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, quy định dải giá rộng như lần này tạo điều kiện cho các bệnh viện lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường, giúp cơ sở y tế nâng cao chất lượng; từ đó, cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi. Hiện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có số lượt khám theo yêu cầu chiếm khoảng 35% (nhiều hơn quy định của Bộ Y tế). Bệnh viện đang cân nhắc điều chỉnh giá phù hợp, yêu cầu chuyên gia hạn chế số khám dịch vụ trong một ngày để nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng.

Ở phía nam, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các mức giá khám, chữa bệnh tại đơn vị đều không vượt quá khung giá của Thông tư 13/2023 nên bệnh viện vẫn đang rà soát để điều chỉnh khung giá mới, trình Sở Y tế quyết định.

Lý giải việc giá nhiều dịch vụ theo yêu cầu tại một số cơ sở y tế giảm mạnh, hoặc thấp hơn giá trần của Thông tư 13, một số chuyên gia cho rằng, khi xây dựng bảng giá, bệnh viện đã tính đủ các yếu tố cấu thành khi thực hiện dịch vụ và sử dụng những vật tư tốt nhất. Ngoài ra, do nhu cầu của người bệnh muốn lựa chọn chuyên gia thực hiện dịch vụ cho mình, nhất là tại các bệnh viện tuyến cuối, nên mỗi bệnh viện có một khung giá riêng dành cho dịch vụ này.

Không để ảnh hưởng người khám bảo hiểm y tế

Theo Bộ Y tế, Thông tư 13/2023 được ban hành nhằm thống nhất nguyên tắc tính giá dịch vụ theo yêu cầu trong bệnh viện công với nguyên tắc chung là các dịch vụ theo yêu cầu được tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và có tích lũy để tái đầu tư và phát triển, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng và khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ. Trên cơ sở khung giá ban hành tại thông tư, các bệnh viện sẽ xây dựng khung giá riêng của đơn vị, sau đó trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng chính thức.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trước khi ban hành thông tư quy định khung giá, Bộ đã khảo sát gần 100 cơ sở y tế từ tuyến huyện đến trung ương. Việc xây dựng khung giá lần này phản ánh đúng thực tiễn của hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay. Nhiều năm qua, các bệnh viện trong cả nước đã thực hiện khám, chữa bệnh theo yêu cầu, song mỗi cơ sở thực hiện khác nhau, không thống nhất, chưa theo hướng dẫn cụ thể. Khung giá mới nhằm siết chặt lại chứ không cho phép thực hiện ồ ạt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, Bộ Y tế nêu rõ, các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ được dành không quá 20% số giường bệnh trên tổng số giường của bệnh viện để triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Ông Khuê nhấn mạnh, tại thông tư này, Bộ trưởng Y tế đã giao cho các đơn vị chức năng của Bộ Y tế giám sát việc thực hiện thông tư theo đúng quy định, tránh việc lạm dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, kể cả người có hoặc chưa có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.