Kết thúc Dự án Thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại Tiền Giang
(ABO) Ngày 10-8, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Wolbachia khu vực phía Nam tại Tiền Giang từ nguồn tài trợ của Chương trình Muỗi thế giới (WMP) và Tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trong vòng 30 tuần, từ tháng 3-2022 đến tháng 10-2022, Dự án Thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia ở 2 khu vực có nguy cơ cao về sốt xuất huyết (SXH) Dengue. Theo đó, dự án đã thả muỗi trên tổng diện tích 36 km2 với số dân 261.000 người ở 13 phường trung tâm của 2 thành phố, gồm: 5 phường ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và 8 phường ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Quần thể muỗi mang Wolbachia đang phát triển để thiết lập ổn định. Các hoạt động theo dõi kết quả dự án sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024 và 2025 để khẳng định việc thiết lập quần thể muỗi mang Wolbachia và các tác động về y tế cộng đồng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, vi khuẩn Wolbachia trong muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) sẽ làm giảm khả năng lan truyền các vi rút gây bệnh sang người, làm giảm nguy cơ xảy ra dịch SXH Dengue, Zika, Chikungunya và sốt vàng. Khi muỗi mang Wolbachia được thả ra môi trường, chúng sẽ giao phối với muỗi trong tự nhiên. Theo thời gian, ở khu vực thả muỗi, tỷ lệ muỗi mang Wolbachia tăng dần và đạt tỷ lệ cao mà không cần phải thả thêm.
Tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của WMP, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang tiến hành thí điểm phương pháp Wolbachia. Đến nay, quần thể muỗi mang Wolbachia đang phát triển để thiết lập ổn định. Lượng muỗi vằn mang Wolbachia sẽ tăng dần trong quần thể, sau đó duy trì ổn định mà không cần thả thêm.
Báo cáo tại hội nghị, qua khảo sát của Dự án Thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia ghi nhận số ca mắc SXH 7 tháng đầu năm 2023 ở TP. Mỹ Tho có xu hướng giảm dần so với các huyện, thị khác trong tỉnh Tiền Giang so với cùng kỳ năm 2022. 16/17 phường, xã của TP. Mỹ Tho có số ca mắc SXH giảm, kể cả trong và ngoài dự án. Kết quả này được tiếp tục theo dõi để đánh giá hiệu quả của dự án.
Quang cảnh hội nghị. |
Theo đại diện WMP, phương pháp Wolbachia của WMP sử dụng một loại vi khuẩn có sẵn trong tự nhiên tên là Wolbachia để giảm khả năng lây truyền các vi rút gây bệnh từ muỗi sang người như vi rút Dengue, Zika, Chikungunya và sốt vàng. Phương pháp Wolbachia của WMP có thể bảo vệ các cộng đồng khỏi các bệnh do muỗi truyền mà không gây bất kỳ rủi ro nào cho hệ sinh thái tự nhiên và sức khỏe con người.
Các bằng chứng khoa học nhất quán từ thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên theo cụm tại Indonesia và triển khai thả muỗi không ngẫu nhiên tại Australia, châu Á, và châu Mỹ cho thấy phương pháp Wolbachia giúp giảm tỷ lệ mới mắc SXH Dengue đáng kể và bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, với kết quả của nhóm nghiên cứu và các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị, ngành Y tế Tiền Giang tiếp tục phối hợp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh duy trì các hoạt động, nghiên cứu mở rộng địa bàn thả muỗi nhằm mục tiêu kiểm soát bệnh SXH bằng phương pháp thiết lập quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia khi được Bộ Y tế khuyến cáo, bổ sung vào các phương pháp phòng, chống SXH hiện nay.
Việc tham gia và triển khai Dự án Thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại TP. Mỹ Tho có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát sự lây truyền của muỗi vằn để phòng bệnh SXH, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân Tiền Giang.
Chính quyền TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và người dân rất kỳ vọng kết quả của Dự án Thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia trên địa bàn 8 phường ở TP. Mỹ Tho sẽ kiểm soát hiệu quả bệnh SXH; đồng thời, sẽ được nhân rộng tại các phường, xã của TP. Mỹ Tho cũng như trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới.
Theo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, kết thúc Dự án Wolbachia khu vực phía Nam tại Tiền Giang, các hoạt động theo dõi kết quả dự án sẽ tiếp tục triển khai trong các năm tiếp theo để khẳng định việc thiết lập quần thể muỗi mang Wolbachia và các tác động về y tế cộng đồng.
THANH HOÀNG