Thứ Ba, 29/08/2023, 09:38 (GMT+7)
.

Mưa nắng thất thường, trẻ dễ mắc bệnh chốc lở

(ABO) Bé trai 5 tuổi, nhà ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, mấy ngày nay bị nổi những mụn nước trên da, bé quấy khóc khó chịu, nên mẹ dẫn bé đi khám bác sĩ. Mẹ của bé kể, mới đầu thấy da của bé bị xuất hiện các mục đỏ li ti, sau đó da bé bị phồng nước, rồi bể ra, nên đưa đi khám bệnh. Bác sĩ xem vết thương trên da và nói là bé bị bệnh chốc lở, rồi hướng dẫn cách chăm sóc và cho toa mua thuốc.

Về chuyên môn, thời gian gần đây tại các tỉnh Nam bộ đang bước vào đợt nắng nóng kéo dài từ sáng đến chiều, xen kẽ là những đợt mưa rào rồi dứt. Thời tiết này dễ gây bệnh chốc lở ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Chốc lở là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn tụ cầu hoặc liên cầu gây ra. Nguyên nhân khi trời nắng nóng, trẻ thường đổ mồ hôi nhiều hơn. Mồ hôi có thể gây kích ứng da nếu lỗ chân lông bị bít tắc, kết hợp với da bị trầy xước rất nông, rồi có sự ma sát giữa da và quần áo khi bé hoạt động nhiều, là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào.

Nắng nóng còn làm cho bé bị mất nước do không uống đủ nước. Da mất nước dễ bị khô, dễ bị tróc gây viêm da. Rồi bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài mà không có biện pháp chống nắng đầy đủ có thể dẫn đến cháy nắng, làm tổn thương hàng rào bảo vệ da và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da.

Khi bé bị chốc lở, các bà mẹ cần làm vệ sinh vết tổn thương một cách nhẹ nhàng bằng xà phòng nhẹ và nước; sau đó làm khô da bằng khăn sạch. Không chà hoặc cạy vết loét, vì điều này có thể làm nhiễm trùng nặng hơn. Có thể băng vết chốc lở bằng băng hoặc gạt vô trùng để ngăn vi khuẩn lây lan. Giảm thiểu tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng. Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, quần áo. Người chăm sóc thường xuyên cắt móng tay ngắn để giảm nguy cơ làm trầy xước da của bé; thường xuyên giặt khăn trải giường, khăn tắm và quần áo bằng nước nóng và chất tẩy rửa cho sạch sẽ.

Đề phòng bệnh chốc lở trẻ em, các bà mẹ cố gắng giữ làn da bé luôn khỏe mạnh bằng cách dưỡng ẩm thường xuyên và tránh da khô. Để dưỡng ẩm cho da trẻ em, các bà mẹ hãy sử dụng loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không mùi, được pha chế dành riêng cho em bé. Thoa một lượng nhỏ sau khi tắm, khi da vẫn còn hơi ẩm. Nhẹ nhàng xoa bóp nó bằng cách sử dụng các chuyển động tròn, mềm mại. Đảm bảo chọn những sản phẩm không gây dị ứng và không chứa hóa chất mạnh. Luôn kiểm tra trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm mới nào trên da của trẻ.

BS  NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.