.

TP. Hồ Chí Minh hơn 71.000 ca khám bệnh vì đau mắt đỏ, bác sĩ chỉ cách phòng tránh thiết thực

Cập nhật: 14:52, 07/09/2023 (GMT+7)

Sau khi bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) bùng phát và lây lan ở Hà Nội, những ngày gần đây, tại TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cũng bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp mắc căn bệnh này.

Từ người lớn đến trẻ em 'kéo' đến viện vì đau mắt đỏ

Ngày 6/9, chị Nguyễn Thị Nga (41 tuổi, ngụ phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương) đến Bệnh viện Mắt TPHCM khám trong tình trạng đôi mắt sưng, đỏ và liên tục đổ ghèn. Chị Nga cho biết, trước đó mắt chị bình thường, chỉ một đêm sau ngủ dậy là thấy xuất hiện các triệu chứng của đau mắt đỏ.

"Hôm qua mình thấy bình thường, sáng mai ngủ dậy là thấy một bên mắt bị đỏ, đến chiều thì thấy lây và đỏ cả hai mắt. Mình là giáo viên, do đau mắt nên nghỉ dạy nhưng thấy nhà trường thông báo học sinh bị đau mắt đỏ nhiều. Do hôm qua là ngày khai giảng nên khi các bé tới trường, phát hiện đau mắt đỏ nên giáo viên cho các bé về", chị Nga chia sẻ.

Cũng theo chị Nga, dù chị thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý nhưng tình trạng không thuyên giảm, có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định chị bị viêm kết mạc và cho thuốc về nhà điều trị.

Chị Nga (áo trắng) và bà Thúy (áo xanh tím than) cùng xếp hàng đi khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt TPHCM sáng 6/9/2023. Ảnh: Kim Vân
Chị Nga (áo trắng) và bà Thúy (áo xanh tím than) cùng xếp hàng đi khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt TPHCM sáng 6/9/2023. Ảnh: Kim Vân

Tương tự chị Nga, bà Trương Cẩm Thúy, ngụ Quận 7 cũng đi khám ở Bệnh viện Mắt TPHCM sáng 6/9. Bà Thúy cho biết, trước đó, chồng bà bị đau mắt đỏ nhưng do không biết nên đã lây sang vợ.

"Ngày hôm kia ông xã mình bị đau mắt đỏ, đi khám rồi nhỏ thuốc bác sĩ kê đơn, bây giờ đã đỡ rồi. Giờ thì lại tới lượt mình bị. Bác sĩ dặn dò rằng bệnh này là dễ lây, nên phải hạn chế tiếp xúc với người nhà. Mình cũng sợ lây cho gia đình nên là mình phải cách ly", bà Thúy nói.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều ca đau mắt đỏ thăm khám trên địa bàn TPHCM. Theo BS.CK 2 Nguyễn Thị Diệu Thơ - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Mắt TPHCM, trung bình 1 ngày Bệnh viện Mắt TPHCM tiếp nhận 60-70 đến khám vì đau mắt đỏ.

Thực tế cho thấy, những ngày qua tại các bệnh viện tuyến cuối có chuyên khoa mắt ở TPHCM liên tục tiếp nhận bệnh nhân đến khám vì bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp).

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, theo thống kê, trong tuần cuối tháng 8 vừa qua, bệnh viện đã khám 188 trẻ đau mắt đỏ (chiếm phần lớn trẻ đến khám các bệnh lý liên quan đến mắt). Còn tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ giữa tháng 8 đến nay, tỉ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đã tăng lên 35 - 40%/ngày, thậm chí có ngày lên đến 50%.

Theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, số lượt khám vì viêm kết mạc từ đầu năm đến nay là 71.740 lượt. Đáng lưu ý là số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong số mắc, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn.

Báo cáo của Bệnh viện Mắt TPHCM cho thấy, đáng lo ngại là số trường hợp viêm kết - giác mạc (một dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ) đã được phát hiện trong thời gian gần đây, tuy chưa phổ biến.

Đông đảo người dân đến thăm khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM. Ảnh: Kim Vân
Đông đảo người dân đến thăm khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM. Ảnh: Kim Vân

Chưa có thuốc đặc trị bệnh đau mắt đỏ

Sở Y tế TPHCM cho biết, năm 2013 là năm mà số trường hợp đau mắt đỏ được ghi nhận cao nhất trong vòng 10 năm qua. Từ đó đến nay, số trường hợp đau mắt đỏ vẫn được ghi nhận hàng năm nhưng chỉ là những ca lẻ tẻ.

Các bác sĩ cho biết, đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng lo ngại nhất là nguyên nhân do virus vì có thể lây lan trong cộng đồng. Triệu chứng của bệnh sẽ có các dấu hiệu như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,…

Nếu xuất hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,… thì nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc do virus Adenovirus, dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp.

BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, hằng năm, từ tháng 8-11 là bắt đầu có nhiều ca bệnh đau mắt đỏ. Nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc do virus Adenovirus, dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp. Ví dụ trẻ em hay chơi ngoài đường, tay chân dơ bẩn rồi dụi lên mắt có thể bội nhiễm các vi khuẩn lên mắt...

BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ thăm khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Kim Vân
BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ thăm khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Kim Vân

Cũng theo bác sĩ Diệu Thơ, hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để điều trị cho bệnh đau mắt đỏ, cho nên điều trị phần lớn các trường hợp vẫn là theo dõi và sử dụng kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn. Thường bệnh đau mắt đỏ sẽ thuyên giảm từ 7-10 ngày.

Bác sĩ Thơ khuyến cáo, các bệnh nhân có dấu hiệu đau mắt đỏ nên đến bệnh viện thăm khám để chẩn đoán phân biệt, đau mắt đỏ đó là do viêm kết mạc cấp hay là do những nguyên nhân khác, ví dụ như: tăng nhãn áp hay viêm màng bồ đào cũng gây đỏ mắt, nhức mắt. Đồng thời qua thăm khám cũng xem có lan sang giác mạc chưa, nếu viêm giác mạc thì có thể là viêm dai dẳng và cần phải điều trị kéo dài.

BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ cho hay, dấu hiệu dễ phân biệt nhất của bệnh đau mắt đỏ với các bệnh khác là mắt ra nhiều ghèn, ngủ dậy khó mở mắt ra được. Trong khi các trường hợp khác thường là đỏ mắt và nhức mắt.

Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

Các chuyên gia khuyến cáo, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

Bên cạnh đó, người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Theo BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ, khác với Covid-19, bệnh đau mắt đỏ không cần phải cách ly người thân mỗi người mỗi phòng mà chỉ cần lưu ý không dùng chung khăn mặt, mền gối. Người thân nên nằm giường riêng và sau khi chăm sóc xong thì rửa tay bằng cồn hoặc xà bông là có thể hạn chế khả năng lây lan.

Trước thực tế, nhiều người khi bị đau mắt đỏ thường tự ra hiệu thuốc mua thuốc về nhỏ mắt trị bệnh, bác sĩ Thơ cho hay, người bệnh không nên tự ý mua thuốc, đặc biệt là những thuốc có chứa chất Dexamethason nhỏ vào mắt. Bởi lẽ, nhiều trường hợp dùng thuốc ảnh hưởng đến giác mạc mà không phát hiện được, sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây viêm loét giác mạc và ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. "Tốt nhất mọi người nên đến bệnh viện hay trung tâm y tế có bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám để kê đơn thuốc cho phù hợp", bác sĩ Diệu Thơ khuyến cáo.

Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: HCDC
Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: HCDC

(Theo suckhoedoisong.vn)

 

.
.
.