.

Cần chủ động phòng bệnh tay chân miệng trong học đường

Cập nhật: 09:58, 18/10/2023 (GMT+7)

Bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến hết sức phức tạp ở các tỉnh khu vực phía Nam và có sự gia tăng tỷ lệ nhiễm Enterovirus 71 (EV71) - tác nhân gây bệnh cảnh nặng và tử vong.

Bệnh TCM xảy ra quanh năm, tuy nhiên hằng năm bệnh có xu hướng tăng cao khoảng vào đầu mùa mưa (từ tháng 3 đến tháng 5) và đầu mùa khô (từ tháng 9 đến tháng 12). Do đó, việc tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh TCM để kiểm soát bệnh, không để lây lan trên diện rộng, đặc biệt trong học đường là rất quan trọng hiện nay.

CA MẮC TCM TĂNG HƠN 160%

Các trường học thực hiện tốt công tác vệ sinh nhằm loại trừ mầm bệnh TCM lây truyền.
Các trường học thực hiện tốt công tác vệ sinh nhằm loại trừ mầm bệnh TCM lây truyền.

Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây ra, hay gặp nhất là Coxsackievirus A16, A6, A10 và EV71. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, môi trường có vi rút gây bệnh.

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Hầu hết các ca bệnh (từ 99,5% - 99,7%) đều diễn biến nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp (từ 0,3% - 0,5%) bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong do vi rút EV71.

Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận 4.035 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng trên 160% so với so cùng thời điểm này của năm 2022. Đứng đầu về số ca mắc TCM là TP. Mỹ Tho 863 ca, kế đến là huyện Châu Thành 691 ca, huyện Cái Bè 622 ca.

Theo bác sĩ Lê Tấn Giàu, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, TCM là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan qua đường tiêu hóa và có nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu không chẩn đoán, điều trị đúng và ngăn ngừa lây lan. Hiện Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đang điều trị cho gần 30 trẻ mắc TCM, đa số bệnh ở độ 2a và 2b.

Biểu hiện của bệnh TCM là nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ở mông, quanh miệng, môi, nền họng, niêm mạc miệng, lưỡi, nướu,... khi vỡ thành loét; có thể có sốt hoặc không sốt. Có những trường hợp người nhà thấy trẻ ăn uống kém hơn, chảy nước dãi cũng có thể là biểu hiện của loét miệng nên cần tới bác sĩ thăm khám. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu như trẻ sốt cao liên tục không hạ; co giật, rùng mình; tay chân yếu, đi lại loạng choạng; bứt rứt, hoảng hốt; thở nhanh, thở gắng sức, mệt nhọc hoặc môi tím tái… thì phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Bệnh TCM có nhiều mức độ, nếu nhẹ thì trẻ tự hồi phục và khỏi hoàn toàn sau 7 ngày. Tuy nhiên cũng có những trường hợp biến chứng nặng. Biến chứng nặng thường xảy ra ở trẻ bị nhiễm chủng vi rút EV71. Các biến chứng này bao gồm biến chứng não như viêm não, viêm thân não, viêm não tủy với biểu hiện như giật mình, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, run giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê… Đặc biệt, bệnh TCM gây biến chứng tim mạch, hô hấp như viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch… có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.

Với sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh trong giai đoạn hiện nay đặc biệt là xuất hiện của EV71, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống cũng như trong công tác điều trị bệnh TCM.

PHÒNG BỆNH TRONG TRƯỜNG HỌC

Bệnh TCM có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh rất dễ lây nhiễm ở trẻ độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo là rất quan trọng.

TP. Mỹ Tho là đô thị trung tâm của tỉnh Tiền Giang với mật độ dân cư cao và có rất nhiều cơ sở giáo dục bậc mầm non và tiểu học trên địa bàn. Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố luôn chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm trong học đường, trong đó có bệnh TCM.

Thực hiện chỉ đạo của ngành Giáo dục, ngay từ đầu năm học các trường đã chủ động áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa mầm bệnh lây lan. Việc áp dụng các biện pháp an toàn phòng, chống dịch không chỉ thực hiện tốt tại các trường nằm ở trung tâm thành phố mà ở các xã ven, công tác này cũng đảm bảo nghiêm túc.

Các trường thực hiện vệ sinh bề mặt tiếp xúc hằng ngày, vệ sinh đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn; bố trí đủ nước sạch và xà phòng cho trẻ rửa tay và dạy trẻ rửa tay đúng cách; theo dõi sức khỏe của trẻ khi đến lớp để sớm phát hiện trường hợp trẻ nhiễm bệnh và thực hiện cách ly phòng mầm bệnh TCM lây nhiễm trong lớp học; thống nhất với phụ huynh không đưa trẻ đến lớp khi mắc bệnh…

Số ca mắc TCM tăng như hiện nay là điều đáng lo ngại, nhưng đáng lo ngại hơn chính là kết quả xét nghiệm các trường hợp mắc TCM trong tỉnh cho thấy có tác nhân EV71 gây bệnh nặng trong số mẫu bệnh phẩm.

CDC Tiền Giang, dự báo tình hình bệnh TCM sẽ diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch, gia tăng số mắc kéo dài trong cả năm, sẽ có nhiều trường hợp diễn tiến nặng có thể tử vong. Do đó cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh TCM.

Đặc biệt việc tuân thủ nguyên tắc vệ sinh phòng dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo, cơ sở giữ trẻ… là rất cần thiết hiện nay. CDC Tiền Giang khuyến cáo người dân cần phối hợp trong phòng ngừa để hạn chế số ca mắc TCM mới trong thời gian tới.

THỦY HÀ

.
.
.