.

Không chủ quan với bệnh dại

Cập nhật: 11:46, 03/10/2023 (GMT+7)

Các chuyên gia lưu ý, người dân không chủ quan với bệnh dại, có thể chủ động tiêm vaccine dự phòng trước và tiêm ngay sau khi bị vật nuôi cắn để kịp thời bảo vệ sức khỏe, tính mạng.

Người dân đi tiêm ngừa vaccine phòng dại tại một điểm tiêm chủng ở TPHCM
Người dân đi tiêm ngừa vaccine phòng dại tại một điểm tiêm chủng ở TPHCM

Thời gian gần đây, bệnh dại có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có nhiều ca tử vong. Riêng 9 tháng năm 2023, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại. Các chuyên gia lưu ý, người dân không chủ quan với bệnh dại, có thể chủ động tiêm vaccine dự phòng trước và tiêm ngay sau khi bị vật nuôi cắn để kịp thời bảo vệ sức khỏe, tính mạng.

Nguy cơ tử vong cao

Bác sĩ CKII Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhiễm và Covid-19 (Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM), cho biết, khoa vừa tiếp nhận, điều trị cho 2 bệnh nhi mắc bệnh dại trong tình trạng nguy kịch được chuyển từ Gia Lai và Đắk Nông xuống, một bé 8 tuổi và một bé 13 tuổi. Các bệnh nhi nhập viện vào giai đoạn viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch. Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó các bé không kể cho gia đình biết là bị chó cắn.

Sau khi gia đình thấy các bé có biểu hiện sốt, nhức đầu, có vết thương và phát hiện trong khu vực gần nhà có chó chết bất thường nên nghi ngờ các bé bị chó cắn mắc bệnh dại, đưa các bé đi điều trị. Hiện 2 bé đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định. “Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus Rhabdovirus lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Nguồn lây bệnh dại là động vật hoang dã và cả vật nuôi (chó, mèo). Thời gian ủ bệnh từ 2-8 tuần, tùy lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương”, bác sĩ CKII Đỗ Châu Việt cảnh báo.

Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng khởi đầu của bệnh dại gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi… Bước vào giai đoạn viêm não, người bệnh thường có dấu hiệu mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió. Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động. Phương pháp để xác định bệnh dại là xét nghiệm sinh học phân tử virus dại trong nước bọt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Chủ động phòng ngừa

Bác sĩ CKII Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, cho rằng, thời gian qua, một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam là do nhận thức của người dân về căn bệnh này còn hạn chế. Thậm chí, nhiều người sau khi bị chó, mèo, thú cưng cào xước, cắn đã tự bôi thuốc, đắp lá xem như phòng và chữa bệnh dại. Những phương pháp này không hiệu quả nhưng nhiều người thường chủ quan áp dụng. Bên cạnh đó, có các nguyên nhân khác như: việc quản lý vật nuôi (nhất là chó, mèo) còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vaccine dại trên chó thấp.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trung bình toàn thế giới có khoảng 60.000 người tử vong do bệnh dại, trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại. Ở Việt Nam, mỗi năm có gần 100 người tử vong do bệnh dại, hơn 400.000 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng. 9 tháng năm 2023, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại (tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2022) ở 26 tỉnh, thành phố; trong đó khu vực miền Bắc 25 ca, miền Nam 15 ca, miền Trung 9 ca, Tây Nguyên 15 ca. Gia Lai là địa phương có số ca tử vong do bệnh dại nhiều nhất cả nước, khi đã có 11 trường hợp tử vong do bị mèo, chó cắn nhưng không tiêm vaccine phòng dại.

“Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại, tuyệt đối không tự lấy nọc; đắp lá, ớt bột, nhựa cây… Trường hợp bắt buộc phải khâu vết thương thì nên trì hoãn, hoặc chỉ nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi. Chỉ khâu vết thương khi đã tiêm phòng bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương”, bác sĩ CKII Trương Hữu Khanh chia sẻ .

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TPHCM, chó, mèo, vật nuôi đã được tiêm ngừa vẫn không chắc chắn phòng bệnh dại 100%, vì vậy người dân khi bị chó, mèo, vật nuôi cắn vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại. Khi bị chó, mèo hoặc súc vật cắn, cần rửa ngay vết thương với nước xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, sau đó đưa người bị cắn đến cơ sở y tế gần nhất điều trị.

Về dự phòng chích ngừa, hiện có 2 loại vaccine phòng bệnh dại: Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), đều được sản xuất theo công nghệ mới, không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người được tiêm phòng, không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu bị chó, mèo cắn, phác đồ của người chưa tiêm vaccine bao gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Trường hợp phơi nhiễm độ II cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Trường hợp tiêm trước phơi nhiễm, chỉ cần tiêm 3 mũi vaccine là đã có miễn dịch với bệnh dại. Nếu bị chó, mèo cắn sau tiêm, dù vết thương nặng, người bị cắn chỉ cần chích ngừa thêm 2 mũi, không cần dùng huyết thanh kháng dại.

(Theo www.sggp.org.vn)

 

 

 

.
.
.