.

Gia tăng tình trạng kháng kháng sinh

Cập nhật: 17:03, 06/11/2023 (GMT+7)

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, tình trạng sử dụng quá liều và việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã khiến nhiều loại vi khuẩn kháng lại nhiều biện pháp điều trị, trong khi các phương pháp điều trị thay thế hiện đang được phát triển lại không nhiều.

GS, TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhận định, Việt Nam là một trong các quốc gia những năm gần đây gia tăng kháng kháng sinh. Nguyên nhân do sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe như kê đơn không hợp lý, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa tốt, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng...

Đặc biệt, việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, tự ý tăng, giảm hoặc bỏ liều cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Trong đại dịch Covid-19, nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, lao không được chẩn đoán và điều trị do các phòng khám ngoại trú đóng cửa. “Người dân lo sợ, hạn chế đi khám, do đó, có thể mầm bệnh không được ngăn chặn triệt để, nguy cơ lây lan và kháng thuốc”, GS, TS Ngô Quý Châu cho biết.

Bác sĩ hô hấp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám cho bệnh nhân. (ẢNH: PHONG LAN)
Bác sĩ hô hấp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám cho bệnh nhân. (ẢNH: PHONG LAN)

Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, thực trạng hiện nay xuất hiện nhiều bệnh lý phức tạp. Ngoài các bệnh kinh điển còn xuất hiện những bệnh mới nổi chưa từng có, gây khó khăn cho chẩn đoán, điều trị và theo dõi người bệnh. Diễn biến phức tạp, khó lường của các bệnh hô hấp nhiễm trùng, tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn cũng làm cho công tác chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, thực tế cho thấy, tình trạng sử dụng quá liều và việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã khiến nhiều loại vi khuẩn kháng lại nhiều biện pháp điều trị, trong khi các phương pháp điều trị thay thế hiện đang được phát triển lại không nhiều. Tại hội nghị khoa học mới đây do Hội Hô hấp Việt Nam-Hội Phổi Pháp-Việt phối hợp tổ chức, GS, TS Hans Liu (Bệnh viện Bryn Mawr, Hoa Kỳ) cho biết, hiện nay, thế giới đang thiếu các phát minh về nhóm kháng sinh mới. Hơn 10 năm trở lại đây không có phát minh về kháng sinh mới, trong khi số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng mạnh, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Kháng kháng sinh đang là thách thức y tế nghiêm trọng khiến những bệnh nhiễm trùng thông thường trở nên khó điều trị hoặc không thể điều trị và làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, chi phí điều trị cũng như tỷ lệ tử vong. Trong khi đó, các chuyên gia dịch tễ phát hiện ra nhiều loại vi khuẩn có khả năng kháng thuốc nhanh hơn so với tốc độ phát triển các loại thuốc kháng sinh mới. PGS, TS Chu Thị Hạnh, Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, những kháng sinh đầu tay được ưu tiên lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng có 3 loại chính là nhóm penicillin, nhóm cephalosporin và nhóm macrolid. “Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhiều công trình đã công bố tại Việt Nam và thế giới cho thấy, hiện nay, độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh này có xu hướng giảm dần, thậm chí mức độ đề kháng đang ở mức cao đáng báo động”, PGS, TS Chu Thị Hạnh thông tin.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.