Thứ Tư, 22/11/2023, 09:56 (GMT+7)
.

Nguy cơ đột quỵ rất cao ở người cao tuổi

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, có gần ¾ người từ 70 tuổi trở lên bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng có thể để lại những hậu quả xấu cho người bệnh. Trong đó, đột quỵ là biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi (NCT).

BSCKII Nguyễn Văn Thành thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại  Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
BSCKII Nguyễn Văn Thành thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu não, nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao (gặp trong những cơn cao huyết áp ác tính) có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não.

Nếu bị những tổn thương nhỏ, hệ thống tiểu cầu cùng các sợi fibrin sẽ đến để vá lại vết thương và hình thành các cục máu đông, cộng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol thường gặp ở những người cao huyết áp làm cho thành mạch bị dày lên, lâu dần dẫn đến bít tắt các mạch máu.

Tình trạng vỡ hay bít tắc các mạch máu não đều làm ngừng trệ việc cung cấp máu, gây ra thiếu máu cục bộ tại não và xuất hiện những triệu chứng lâm sàng mà người ta gọi là đột quỵ.

Thông thường, bệnh mạch máu não hình thành và phát triển một thời gian trước khi gây đột quỵ não. Bệnh có thể có triệu chứng báo trước, nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì cho đến khi đột quỵ xảy ra.

Nếu được phát hiện bệnh trước khi đột quỵ, bệnh nhân có thể sẽ được tư vấn điều trị để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ, như thế sẽ tránh được tổn thương cho các tế bào não. Để phát hiện bệnh mạch máu não trước khi đột quỵ xảy ra, người bệnh cần khám bác sĩ chuyên khoa mạch máu não nếu có hoặc nghi ngờ có triệu chứng về thần kinh; chẩn đoán hình ảnh não và mạch máu não là bắt buộc vì sự chần chừ có thể phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân.

Ngày nay, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ tư trên thế giới và cũng là nguyên nhân chính gây tàn tật nghiêm trọng, lâu dài. Những người trên 55 tuổi có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn và càng lớn tuổi thì nguy cơ bị đột quỵ càng cao. Nam giới, những người bị tiểu đường hay bệnh tim là những người có nguy cơ bị đột quỵ nhiều nhất.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCKII) Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, kết quả nghiên cứu gần đây của các chuyên gia y khoa hàng đầu Việt Nam cho thấy, gần 60% nguyên nhân gây đột quỵ là do tăng huyết áp.

Đột quỵ có 2 dạng cơ bản là nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%), với các mức độ rất khác nhau, từ  rất nhẹ có thể tự hồi phục mà không để lại di chứng đến rất nặng làm đe dọa tính mạng hoặc tử vong ngay.

Tuy xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong do xuất huyết não cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót thì bị di chứng sa sút trí tuệ, liệt nửa người rất nặng nề. Vì thế, bắt buộc phải điều trị bệnh nhân tại bệnh viện có chuyên khoa bệnh mạch máu não.

Người bị đột quỵ có thể có một số hay tất cả các dấu hiệu như bất ngờ có cảm giác tê liệt hoặc yếu ớt ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên của cơ thể; đột ngột bị lẫn lộn, gặp vấn đề trong việc nói và hiểu; hay đột ngột có vấn đề về thị lực ở 1 hoặc cả 2 mắt; đột ngột có vấn đề trong việc đi lại, bị hoa mắt, mất thăng bằng hay mất khả năng kiểm soát sự di chuyển của cơ thể; đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân.

 

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào đã nêu, hãy gọi cấp cứu y tế gần nhất ngay lập tức. Điều quan trọng là phải đến bệnh viện ngay, đừng để quá muộn sẽ để lại di chứng rất nặng nề, khó phục hồi, thậm chí tử vong. Đặc biệt bệnh nhân nên đến bệnh viện trước 3 giờ sau khi phát bệnh thì khả năng điều trị phục hồi rất cao.

BSCKII Nguyễn Văn Thành cho biết, trung bình mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang tiếp nhận điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân đột quỵ. Trong đó trên 20% trường hợp bệnh nhân tử vong, trên 50% bệnh nhân còn lại mắc các di chứng nặng nề như liệt nửa người, sống đời sống thực vật…

Đối với bệnh nhân đột quỵ, các phương pháp can thiệp mạch máu não bằng ống thông hoặc phẫu thuật sọ não có thể phải được thực hiện khẩn cấp song song với hồi sức tích cực đột quỵ não. Sau đột quỵ, bệnh nhân cần được tích cực phục hồi chức năng và dùng thuốc dự phòng đột quỵ tái phát theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Để phòng ngừa đột quỵ phải quản lý và điều trị tốt bệnh tăng huyết áp. Nếu quản lý và điều trị dự phòng tăng huyết áp tốt thì đột quỵ sẽ giảm.

THỦY HÀ

.
.
.