(ABO) Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) hiện nay đang là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng; là một trở ngại đối với công tác dân số và phát triển của địa phương. Chính vì vậy, thời gian qua, Tiền Giang luôn đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân về xóa bỏ những định kiến giới, không lựa chọn giới tính khi sinh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số và hạnh phúc của mỗi gia đình.
|
Đẩy mạnh tuyên truyền MCBGTKS. |
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGD), Việt Nam hiện đã đạt mức sinh thay thế, tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền, các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, tình trạng MCBGTKS vẫn còn tăng cao trong những năm gần đây. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này vẫn do nhận thức không đúng về bình đẳng giới, dẫn đến lựa chọn giới tính khi nhi. Tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn khá nặng nề, tâm lý muốn có con trai để có người “nối dõi tông đường” và suy nghĩ về nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già sau này “chủ yếu sống dựa vào con trai” đã ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân, kể cả trong đội ngũ cán bộ, trí thức, người có địa vị trong xã hội. Mặt khác, nhiều người lạm dụng sự phát triển của y học hiện đại để lựa chọn giới tính thai nhi.
Bác sĩ Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tiền Giang cho biết: Bình thường tỷ số giới tính khi sinh khoảng 105 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh cả nước 119 bé trai/100 bé gái. Riêng tại Tiền Giang là 108 bé trai/100 bé gái. Nếu MCBGTKS ở nước ta không được khống chế, vào năm 2050 sẽ “dư thừa” khoảng từ 2,3 đến 4,3 triệu nam thanh niên so với nữ thanh niên.
|
Đẩy mạnh tuyên truyền về DS-KHHGĐ cho công nhân tại khu công nghiệp. |
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Tiền Giang đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường sự tham gia của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc triển khai nội dung về kiểm soát MCBGTKS. Lồng ghép, tích hợp nội dung về MCBGTKS vào các hoạt động hằng năm của các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin kịp thời nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa và giải quyết tình trạng MCBGTKS.
Cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em được hưởng lợi, nhất là phụ nữ, trẻ em khó khăn, yếu thế… Việc đẩy mạnh các hoạt động về DS-KHHGĐ, ngành Dân số từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai các mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số, như: Đề án Chăm sóc người cao tuổi; kiểm soát MCBGTKS; tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Rõ nét qua công tác truyền thông, nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn, số lượng người tham gia. Hình thức truyền thông cũng được đổi mới, nhất là cán bộ dân số, các công tác viên dân số thường xuyên đi đến tận nhà tìm hiểu, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình, theo dõi sức khỏe người cao tuổi, quan trọng là theo dõi sức khỏe thai kỳ cho bà mẹ đang thai, cung cấp dinh dưỡng cho trẻ nhỏ… Từ những quan tâm, hướng dẫn tận tình của cán bộ dân số mà người dân đã nâng cao ý thức rõ rệt.
|
Đẩy mạnh tuyên truyền về DS-KHHGĐ cho công nhân tại khu công nghiệp. |
Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tiền Giang còn phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản; tình trạng MCBGTKS, phổ biến các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các nhóm đối tượng tại cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến nhóm nam, nữ, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Từ đó, người lao động có những kiến thức, để tự bảo vệ mình, phòng tránh những bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe sinh sản và năng suất hiệu quả lao động.
Anh Nguyễn Trọng Phước, công nhân Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh nhà máy Tiền Giang chia sẻ: "Thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã nỗ lực phối hợp cùng chủ doanh nghiệp quan tâm thực hiện việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho công nhân, lao động. Được tham gia các buổi truyền thông, tư vấn về sức khỏe sinh sản, MCBGTKS, tôi thấy thật sự có ích cho công nhân, lao động…".
Để xóa bỏ định kiến giới - giảm thiểu MCBGTKS đạt kết quả cao, thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi về bình đẳng giới, nhằm giải quyết một cách bền vững tình trạng MCBGTKS. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi...
H.TUYẾN - P. MAI