.

Chú trọng các giải pháp "giữ chân" nhân viên ngành Y tế

Cập nhật: 10:17, 12/01/2024 (GMT+7)

Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang luôn được chú trọng. Hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư, củng cố, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

BÁC SĨ, NHÂN VIÊN NGHỈ VIỆC NHIỀU

Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, đa dạng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, áp lực công việc rất lớn, hầu như bác sĩ, nhân viên y tế làm việc vất vả, không được hưởng chế độ nghỉ bù đầy đủ, thu nhập cá nhân thấp, nguy cơ lây bệnh cho bản thân và gia đình cao…

Công đoàn ngành Y tế trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh  khó khăn, bệnh hiểm nghèo nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024 tại CĐCS Trung tâm  Y tế huyện Chợ Gạo.
Công đoàn ngành Y tế tỉnh Tiền Giang trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024 tại CĐCS Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo.

Tất cả những điều này dẫn đến việc công chức, viên chức và nhân viên ngành Y tế nghỉ việc nhiều, công tác tuyển dụng nhân viên lại khó khăn (từ năm 2020 đến giữa năm 2023, số người nghỉ việc là 256 người; trong đó có 55 bác sĩ, 33 dược sĩ, 83 y sĩ, điều dưỡng và 85 nhân viên khác).

Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Tiền Giang Nguyễn Trung Tần cho biết: Từ năm 2020 đến năm 2023, do tác động tiêu cực của đại dịch và hậu đại dịch Covid-19; đồng thời, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát, khó khăn về điều kiện làm việc, thuốc, trang thiết bị y tế làm ảnh hưởng lớn đến tinh thần và thu nhập của toàn thể công chức, viên chức ngành Y tế.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến một tỷ lệ viên chức y tế có trình độ chuyên môn cao bỏ việc từ khu vực công sang khu vực tư nhân, ảnh hưởng đến tâm lý viên chức y tế nói chung. Thậm chí có những thời điểm, viên chức y tế rơi vào tình trạng căng thẳng tại nơi làm việc, khiến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách khuyến khích viên chức, nhân viên ngành Y tế như: Nghị quyết 251 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ cho bác sĩ công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và nhân viên y tế khu phố; Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ, thu hút bác sĩ về cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực về công tác tại tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh quy định về bổ sung điều 3 Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực về công tác tại tỉnh Tiền Giang.

Việc xây dựng “Chính sách hỗ trợ công chức, viên chức ngành Y tế giai đoạn 2024 - 2026” là rất cần thiết và cấp bách đối với ngành Y tế của tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Hạn chế tình trạng nghỉ việc, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, duy trì được đội ngũ cán bộ làm công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đúng với quan điểm của Đảng: Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển.

Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN NGÀNH Y TẾ TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN TRUNG TẦN

Các chính sách của Trung ương thực hiện tại tỉnh bao gồm: Quyết định 75 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản; Nghị định 56 của Chính phủ Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ và y tế công lập; Nghị định 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56 của Chính phủ.

Kết quả thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương từ 2017 đến năm 2022: Toàn ngành Y tế có 89 bác sĩ hưởng chính sách thu hút của Nghị quyết 23, Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh với tổng số tiền là 17,99 tỷ đồng; từ năm 2016 đến năm 2022, đã có 989 người được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 251 của HĐND tỉnh và Quyết định 75 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản với tổng số tiền là 14,356 tỷ đồng.

Kết quả hỗ trợ theo Nghị định 05 của Chính phủ có hiệu lực trong 2 năm từ năm 2022 đến hết năm 2023. Cụ thể, năm 2022: Tổng số có 2.737 viên chức được hỗ trợ với tổng số tiền là 79,93 tỷ đồng. Năm 2023: Tổng số có 2.517 viên chức được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 89 tỷ đồng. Các chính sách trên đã có tác động rất tích cực góp phần cải thiện đời sống cho viên chức và nhân viên ngành Y tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân (từ 5,6 bác sĩ/vạn dân vào năm 2016 lên 7,4 bác sĩ/vạn dân vào năm 2022).

THU NHẬP VẪN CÒN Ở MỨC THẤP

Qua thực hiện các chính sách trên, ngành Y tế vẫn còn một số khó khăn như: Mức thu hút, hỗ trợ theo Nghị quyết 02, Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh hiện tại chưa thu hút đủ số lượng bác sĩ cần thiết về làm việc tại tỉnh, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở (200.000.000 đồng - 280.000.000 đồng/8 năm làm việc, bình quân chỉ 2.000.000 đồng - 2.900.000 đồng/tháng).

Nghị quyết 251 của HĐND tỉnh chỉ hỗ trợ cho bác sĩ công tác tại tuyến xã và nhân viên y tế khu phố, chưa có chính sách hỗ trợ hằng tháng cho bác sĩ công tác tại tuyến huyện, tỉnh. Trong khi thu nhập ở các tuyến này cũng rất thấp, lại thường xuyên được điều động hỗ trợ công tác tại các trạm y tế xã.

Tại các cơ quan hành chính về y tế như: Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cũng rất cần có bác sĩ để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế, nhưng thời gian qua rất khó tuyển dụng vì lương thấp so với bác sĩ công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh vì chỉ được hưởng phụ cấp công vụ 25%, trong khi tại các đơn vị sự nghiệp y tế được hưởng phụ cấp từ 30-70%, nhưng công việc phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giám sát, chỉ đạo tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tại cộng đồng nơi có dịch bệnh xảy ra.

Mặc dù có những chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, nhưng thực tế thu nhập bình quân của công chức, viên chức y tế vẫn ở mức thấp, đặc biệt so với y tế tư nhân trong tỉnh, chưa tương xứng với đặc thù công việc chuyên môn ngành Y.

Cụ thể, số liệu thu nhập bình quân của nhân viên ngành Y tế công tác 10 năm: Đối tượng có chuyên môn y tế tại các đơn vị sự nghiệp: 6,8 triệu đồng/tháng; đối tượng không có chuyên môn y tế tại các đơn vị sự nghiệp: 5,7 triệu đồng/tháng.

Với mục đích củng cố và phát triển ngành Y tế trong tình hình mới, phần đấu đạt những mục tiêu cụ thể như: 8 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025, 9 bác sĩ/vạn dân vào năm 2030 và tỷ lệ 100% trạm y tế xã có bác sĩ cơ hữu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên toàn ngành trong những năm tới. Phát triển, triển khai các kỹ thuật chuyên môn cao; đảm bảo cơ cấu chuyên môn bác sĩ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên... cần thiết phải có những đổi mới về chính sách hỗ trợ, đãi ngộ cho công chức, viên chức ngành Y tế yên tâm công tác, đảm bảo được nguồn nhân lực thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Với những lý do trên, Sở Y tế tham mưu, trình UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ công chức, viên chức ngành Y tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2024 - 2026. Nghị quyết là giải pháp nhằm đảm bảo duy trì và phát triển chất lượng dịch vụ y tế công tại tỉnh Tiền Giang, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2026 và định hướng đến năm 2030.

THIÊN LÝ

.
.
.