Phòng chống dịch bệnh từ đầu năm
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) năm 2023, cả nước ghi nhận gần 181.000 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, trong đó có 31 trường hợp tử vong. So với năm trước đó, số ca mắc tăng gấp 2,7 lần, số ca tử vong tăng 28 trường hợp. Với bệnh sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận hơn 172.000 trường hợp mắc và 43 ca tử vong; ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022...
Bộ Y tế khuyến cáo người dân, nhất là trẻ em cần được tiêm đầy đủ. (Ảnh: THÁI HOÀNG) |
Đáng chú ý, năm 2023, cả nước ghi nhận 137 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có sáu ca tử vong. Các trường hợp mắc và tử vong đều ghi nhận tại khu vực phía nam; các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu là nam giới (98,5%), trong đó khoảng 70% là nam quan hệ tình dục đồng giới và 55% ca bệnh nhiễm HIV...
Năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 99.000 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 20 trường hợp tử vong, số ca mắc giảm 82,4 lần so với năm 2022… Ngoài ra, cả nước không ghi nhận các trường hợp mắc cúm độc lực cao ở người như cúm A (H5N1), A (H5N6), A (H7N9), A (H9N2); các bệnh truyền nhiễm khác không ghi nhận các ổ dịch lớn, tình hình ổn định và cơ bản được kiểm soát.
Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng, phụ trách quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng cho biết: Năm 2023, ngành y tế đạt được 5/7 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Theo đó, không để dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế; hạn chế tối đa các bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9) xâm nhập và lây lan trong nước (không ghi nhận các trường hợp mắc trong nước); 100% số ổ dịch các bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), đậu mùa khỉ và các bệnh mới nổi được phát hiện, xử lý kịp thời, không để bùng phát trong cộng đồng và các cơ sở y tế (không ghi nhận trường hợp mắc cúm A (H5N1), cúm A (H5N6); bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời không để bùng phát); sốt xuất huyết; bệnh dại. Có hai chỉ tiêu không đạt là: Tỷ lệ số ca mắc tay, chân, miệng và tử vong do bệnh dại cao hơn mục tiêu.
Mặc dù công tác phòng chống dịch bệnh trong năm 2023 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên thực tế cho thấy công tác này còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiếp tục xuất hiện; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi. Công tác nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh còn hạn chế, thiếu thông tin, dữ liệu hỗ trợ thực hiện phân tích, đánh giá, cảnh báo dịch. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi thấp, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, miễn dịch giảm theo thời gian. Việc mua sắm, đấu thầu còn khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu vắc-xin, sinh phẩm trong một số thời điểm cụ thể; một số quy định về tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể; đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho công tác phòng chống dịch bệnh còn hạn chế; y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và người dân.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan lưu ý, Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cho nên nguy cơ đối mặt với sự lây truyền của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất cao; từ những bệnh dịch lưu hành trong nước như: Sốt xuất huyết, tay, chân, miệng, sởi... đến các bệnh dự phòng bằng vắc-xin như bạch hầu, uốn ván... và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi luôn tiềm ẩn nguy cơ bệnh xâm nhập và lây lan trong nước.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh năm 2024 kịp thời và hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong đó, sở y tế các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội đối với công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong thời gian dịp Tết Nguyên đán 2024; chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi-rút…
Đáng chú ý, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân nhập viện trong tháng 12/2023. Số liệu giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 18/12/2023 đến hết ngày 22/1/2024, các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận 94 ca Covid-19 điều trị nội trú đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác. Trong 94 bệnh nhân, có 17 ca bệnh nặng phải thở oxy…
Tiến sĩ Hoàng Minh Đức cho biết, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới biến thể JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm, không có bằng chứng độc lực tăng lên dù số mắc có dấu hiệu tăng. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng.
(Theo nhandan.vn)