Vi khuẩn liên cầu lợn là gì, triệu chứng nhiễm và cách phòng tránh
(ABO) Gần tết có nhiều trường hợp ăn uống không an toàn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có nhiễm vi trùng liên cầu lợn. Mới đây có một bệnh nhân 50 tuổi ở tỉnh Nam Định ăn tiết canh lợn trong bữa tiệc liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau đó, bệnh nhân thấy đau mỏi người, kèm sốt cao rét run, khó chịu, chân tay tím tái, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu, nhưng đã không qua khỏi.
Chúng tôi xin được chia sẻ ba nội dung về nhiễm khuẩn liên cầu lợn: Vi khuẩn liên cầu lợn là gì? Triệu chứng khi nhiễm liên cầu lợn như thế nào? Phòng tránh ra sao?
Trước hết, vi trùng liên cầu khuẩn là gì? Liên cầu khuẩn lợn tên là Streptococcus suis. Gọi là liên cầu vi nó có hình cầu ô van hoặc hình hạt đậu, nó tự sắp xếp thành chuỗi liên tục như chuỗi ngọc trai, xếp từng đoạn ngắn hoặc dài khác nhau.
Liên cầu khuẩn lợn bình thường không có trong cơ thể người, mà chủ yếu sống trong lợn nuôi, nhưng cũng có thể tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. Lợn là ổ chứa chính của liên cầu khuẩn lợn nên người ta đặt tên là vi khuẩn liên cầu lợn.
Vi khuẩn này có thể cư trú ở mũi họng, đường ruột, trong máu và sinh dục của lợn. Lợn nái có thể mang vi khuẩn trong tử cung và âm đạo. Lợn có thể bị nhiễm vi khuẩn ở bất kỳ tuổi nào, nhưng lợn con có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn lợn trưởng thành.
Khi vi trùng liên cầu lợn phóng thích ra ngoài, nó tồn tại lâu trong phân, nước, rác, thức ăn không nấu chín. Vi khuẩn có thể sống trong phân ở nhiệt độ 0 độ C sống đến 104 ngày và ở 22 - 25 độ C sống được 8 ngày, sống trong xác lợn chết ở nhiệt độ 40 độ C trong 6 tuần, trong bụi không khí ở nhiệt độ 25 độ C sống được 24 giờ, môi trường trên 70 độ C thì vi khuẩn này bị tiêu diệt hoàn toàn. Con người mắc bệnh do tiếp xúc với vi khuẩn liên cầu lợn từ lợn mang mầm bệnh, chứ không có lây từ người bệnh sang người lành.
Nhiễm khuẩn liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng liên cầu lợn trung bình khoảng 14%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể cao hơn ở những người có nguy cơ cao.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ năm 2010 đến năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận 1.200 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 84 ca tử vong. Trẻ em và người già có nguy cơ tử vong cao hơn người trưởng thành. Những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh thận, hoặc người đang điều trị hóa trị, xạ trị, có nguy cơ tử vong cao hơn.
Bệnh có thể lây truyền sang người qua ba con đường: Tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc sản phẩm từ lợn bệnh như thịt, sữa, máu, nước tiểu, phân; tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi phân, nước tiểu, máu của lợn bệnh; tiếp xúc với vết thương hở khi giết mổ, chế biến lợn bệnh.
Triệu chứng của nhiễm liên cầu lợn như như thế nào? Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ bám vào bề mặt tế bào và bắt đầu nhân lên. Vi khuẩn có khả năng tiết ra nhiều độc tố nội bào và ngoại bào, làm cho người bệnh có triệu chứng sốt, ớn lạnh, tiêu chảy, nôn ói, đau đầu, xuất huyết hoại tử dưới da.
Xuất huyết dưới da trong nhiễm streptococcus suis thường xuất hiện dưới dạng các đốm đỏ hoặc tím, có thể có hình sao hoặc hình tròn, các đốm này thường xuất hiện ở ngực, lưng, bụng và mặt. Nguyên nhân là do người bệnh bi rối loạn đông máu và vi khuẩn trực tiếp tấn công vào mạch máu.
Mặt khác vi khuẩn sẽ tấn công vào các cơ quan nội tạng, gây biến chứng viêm phổi, viêm màng não, viêm khớp, viêm cơ, nặng nhất là nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, rất dễ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Nếu nghi ngờ bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời không được trì hoãn. Trong thời gian chuẩn bị đi bệnh viện, cần cho người bệnh uống thật nhiều nước.
Để phòng tránh nhiễm liên cầu lợn, cần: Tránh tiếp xúc với lợn bệnh hoặc ăn sản phẩm từ lợn bệnh. Không được ăn thịt lợn chưa nấu chín như thịt tái, nhất là không nên ăn tiết canh lợn. Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với lợn hoặc các sản phẩm từ lợn. Tiêm phòng đầy đủ cho lợn. Vệ sinh chuồng trại và xử lý chất thải đúng cách. Tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy định.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC