.

Kỹ thuật ghép tạng – Viết tiếp những kỳ tích - Bài 1: Nối dài sự sống cho người suy tạng

Cập nhật: 14:14, 26/02/2024 (GMT+7)

Nếu như hơn 30 năm trước, ghép tạng còn là ước mơ đối với người bệnh bị suy tạng và giới y học Việt Nam thì đến nay đã bắt kịp thế giới. Thậm chí, ngành ghép tạng ở Việt Nam còn có nhiều thành tựu, khiến thế giới ngưỡng mộ, dù bắt đầu chậm hơn gần nửa thế kỷ.

1. “Trên đường đưa anh trai trong cơn hấp hối từ BV Chợ Rẫy về quê với ước nguyện để anh gặp người thân, họ hàng lần cuối, trong thoáng chốc tôi nhận ra cả đời anh sống đều dành những gì tốt đẹp cho mọi người, trong khi gia đình không chấp nhận sự thật anh không còn, vẫn luôn tìm lý do nào đó để tự an ủi mình rằng anh vẫn ở đâu đó. Vì vậy, tôi vận động gia đình, nhất là cha mẹ, về ý định hiến mô, tạng của anh để cứu sống nhiều người khác”, chị Lê Thị Nhàn, em gái anh Lê Văn Hùng (sinh năm 1982, ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An, trường hợp chết não hiến tạng cứu được nhiều người suy tạng, mù lòa hồi đầu tháng 8-2023), tâm sự. Như sợi dây vô hình nối lại, mọi người trong gia đình chị Nhàn, nhất là cha anh Hùng, ủng hộ nghĩa cử nhân văn này. Rồi chị Nhàn đã thủ thỉ vào tai anh Hùng: “Mọi người đồng ý để anh sống trong thân thể người khác rồi anh ạ. Gia đình, bố mẹ và các em luôn tự hào về anh. Anh nghỉ ngơi nhé!”.

Sau đó, chị liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để bày tỏ nguyện vọng hiến mô, tạng của anh trai. Trong quá trình vận chuyển, vì sợ tạng không đảm bảo, xe cứu thương chở thi thể anh Hùng ghé vào BV Quy Nhơn để tiêm thêm thuốc hỗ trợ. Sau đó, gia đình đưa anh Hùng vào BV Trung ương Huế để thực hiện việc lấy tạng cứu người. Tại đây, khi tiếp nhận, các y bác sĩ cúi đầu tri ân trước khi mổ lấy tạng từ anh Hùng để cứu 5 bệnh nhân ở Huế và Hà Nội. Hiện các bệnh nhân tiếp nhận một phần cơ thể anh Hùng đều sống mạnh khỏe, hạnh phúc như ước nguyện của anh và gia đình. “Giờ gia đình tôi chỉ mong những người nhận tạng của anh luôn khỏe mạnh. Họ có khỏe thì việc làm của gia đình tôi mới có ý nghĩa và vong linh anh Hùng cũng được an ủi phần nào”, chị Lê Thị Nhàn chia sẻ.

2. Ngày 19-8-2022, BV Chợ Rẫy nhận được thông tin tình nguyện hiến tạng với trường hợp chết não. Người hiến là chị Minh Châu (25 tuổi) và đã được mẹ ruột chị đồng ý. Trong tư trang của cô gái trẻ là tấm thẻ đăng ký hiến tạng do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cấp tháng 7-2020 (số thẻ VN0002386). Nén nỗi đau mất con, mẹ chị quyết tâm giúp con hoàn thành di nguyện. Trong suốt hành trình chăm sóc con tại BV đến khi hoàn thành các thủ tục hiến tạng, mẹ chị luôn ôm chặt chiếc balo màu nâu nhạt - kỷ vật của cô con gái duy nhất.

Theo tâm nguyện, chị Châu mong muốn có thể chia sẻ được tối đa những phần cơ thể có được cho nhiều người bệnh. Tuy nhiên, trong số những người phù hợp để nhận tạng, có bệnh nhân suy phổi ở tận miền Bắc, thời gian thiếu máu của phổi không bảo đảm được khi di chuyển đoạn đường xa. Vì thế, ca ghép phổi không thể thực hiện. BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận 1 trái tim, 1 lá gan, 2 quả thận và 2 giác mạc của chị Châu để ghép cho 6 người bệnh. Trong số người được ghép thận có một thiếu niên 15 tuổi. Những ca ghép thận, giác mạc, tim đều diễn tiến rất thuận lợi sau đó. “Di nguyện của con, mẹ đã hoàn thành, con hãy thanh thản nhé”, người mẹ nhủ thầm.

Y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ghép tim cho bệnh nhân từ trái tim của anh Phúc Hậu hiến tặng
Y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ghép tim cho bệnh nhân từ trái tim của anh Phúc Hậu hiến tặng.

 

Thống kê của Bộ Y tế, trong 30 năm qua, Việt Nam đã thực hiện được hơn 8.000 ca ghép tạng, đồng nghĩa với hơn 8.000 cuộc đời đã được hồi sinh, nhiều người đã có cuộc sống khỏe mạnh. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh. Hiến tạng cứu người luôn là nghĩa cử nhân văn, cao đẹp. Những kỳ tích của ghép tạng Việt Nam chắc chắn sẽ còn được viết tiếp…

3. Tháng 10-2022, anh Phúc Hậu (38 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) bị đột quỵ và được cấp cứu tại BV Nhân dân 115. Bà Hồ Thị Ngọt (69 tuổi, mẹ anh Hậu) nhớ lại, các bác sĩ cấp cứu chẩn đoán anh Hậu bị vỡ mạch máu não rất nghiêm trọng, không còn cơ hội cứu sống. Nỗi bất hạnh đổ ập xuống gia đình nhỏ, người vợ trẻ mất chồng, bà Ngọt mất đi con trai hiếu thảo. Trong những phút giây đau đớn ấy, người mẹ nhớ có lần con trai nhắc đến việc hiến tạng cứu người. Bà tâm sự với con dâu, để rồi hai người phụ nữ nén nỗi đau, cùng đưa ra một quyết định không hề dễ dàng. Trong quá trình chờ ghép, ê kíp hồi sức phải cố gắng giữ các chỉ số trong máu, nước tiểu, thận và tim bệnh nhân ổn định nhất.

Lúc 9 giờ ngày 12-10-2022, BV Chợ Rẫy làm thủ tục tiếp nhận 1 trái tim, 2 trái thận, 2 giác mạc và da của anh Hậu. Vào 14 giờ cùng ngày, các bác sĩ kính cẩn nói lời tri ân trước khi chính thức phẫu thuật lấy mô tạng từ anh. Từng bộ phận sau khi được lấy ra khỏi cơ thể anh được chuyển nhanh sang những phòng phẫu thuật khác để 6 ca ghép mô tạng sau đó suôn sẻ. Nghĩa cử của anh Hậu và gia đình đã giúp hồi sinh được 6 cuộc đời. Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép mô tạng và các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy, đã cho bà Ngọt xem hình ảnh trái tim anh Hậu đang đập trong lồng ngực người được ghép. Bà Ngọt hôn lên trái tim của con trai qua màn hình điện thoại.

4. Mắc bệnh phổi đục lỗ nặng, cuộc đời dường như đóng sập cửa với nữ sinh viên 21 tuổi quê Bắc Kạn khi các bác sĩ tiên lượng cô có thể tử vong trong vòng vài tháng tới. Thế nhưng, như một phép màu, đêm 8-2-2024 (tức 29 tết) cô gái và gia đình nhận được thông tin hiến tạng từ một thanh niên 26 tuổi chết não do tai nạn giao thông. Khoảng 150 y bác sĩ của BV Trung ương Quân đội 108 đã lấy, ghép các mô tạng cho nhiều người bệnh gồm: tim, gan, thận, thận-tụy, 2 tay, 2 giác mạc. Sau khi hội chẩn với Trung tâm ghép phổi UCSF (là một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn nhất tại Mỹ), các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam đã quyết định ghép phổi từ nguồn tạng hiến này. Hơn 80 nhân lực của BV Phổi Trung ương cùng nhiều y bác sĩ, chuyên gia từ các đơn vị khác được điều động tham gia ca ghép phổi.

Ngày 30 tết, khi cả nước đang hân hoan trong không khí chuẩn bị chào đón năm mới cũng là lúc các bác sĩ của BV Trung ương Quân đội 108 mở ngực lấy tạng, trong khi ê kíp bác sĩ BV Phổi Trung ương cũng mở ngực để gỡ dính phổi cũ trong lồng ngực bệnh nhân. Ca phẫu thuật được tiến hành trong 12 tiếng, kéo dài đến giờ giao thừa sang năm mới Giáp Thìn. Sáng mùng 1 tết, người bệnh đã tỉnh, tự thở những hơi đầu tiên của 2 lá phổi mới. Một cuộc đời mới chính thức được hồi sinh.

* Thứ trưởng Bộ Y tế TRẦN VĂN THUẤN: Tỷ lệ ghép tạng từ người hiến chết não còn rất thấp

Qua hơn 16 năm triển khai thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; số lượng người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não đã tăng gấp nhiều lần. Tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có hơn 73.210 trường hợp đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não. Tuy nhiên, tỷ lệ ghép tạng từ người hiến chết não còn rất thấp, chiếm chưa đầy 5% tổng số ca ghép. Các ca ghép chính vẫn từ nguồn hiến sống (hơn 95%), dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe người hiến sống nói riêng và nạn mua bán nội tạng nói chung, ảnh hưởng tới công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Để tăng cường nguồn mô, tạng hiến tặng từ nguồn chết não nhằm cứu sống nhiều bệnh nhân suy mô, tạng và góp phần giải quyết nguy cơ nạn buôn bán mô, tạng, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để sớm ban hành trong thời gian tới.


(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
.