Người bị súc vật cắn cần tiêm ngừa để phòng bệnh dại
Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do bệnh dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi mắc bệnh dại cắn mà không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
BỆNH DẠI - CĂN BỆNH NGUY HIỂM
Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút Rhabdovirus lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Nguồn lây bệnh dại là động vật hoang dã và cả vật nuôi (chó, mèo). Thời gian ủ bệnh từ 2-8 tuần, tùy lượng vi rút và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm vi rút cấp tính tại hệ thần kinh trung ương.
Người dân bị chó cắn đến CDC tỉnh Tiền Giang tiêm ngừa bệnh dại. |
Triệu chứng khởi đầu của bệnh dại gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi… Bước vào giai đoạn viêm não, người bệnh dại thường có dấu hiệu mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió. Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động...
Phương pháp để xác định bệnh dại là xét nghiệm sinh học phân tử vi rút dại trong nước bọt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, chỉ trong 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 8 đến ngày 15-2, phòng tiêm ngừa của đơn vị này tiếp nhận tiêm ngừa cho hơn 1.000 mũi vắc xin các loại cho người dân, trong số này có đến khoảng 900 người đến tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH
Để phòng bệnh dại, người dân cần chủ động đưa vật nuôi, chủ yếu là chó, mèo đi tiêm ngừa bệnh dại và thực hiện tiêm nhắc hằng năm. Tuy nhiên, vật nuôi đã được tiêm ngừa vẫn không chắc chắn phòng bệnh dại 100%, vì vậy người dân khi bị chó, mèo, vật nuôi cắn vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại.
Do đó, CDC tỉnh Tiền Giang khuyến cáo, người dân khi bị chó, mèo hoặc súc vật cắn, cần rửa ngay vết thương với nước xà phòng và thực hiện rửa vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian 10 - 15 phút.
Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, sau đó đưa người bị súc vật cắn đến cơ sở y tế gần nhất điều trị.
Về dự phòng bằng tiêm ngừa, hiện có 2 loại vắc xin phòng bệnh dại: Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), đều được sản xuất theo công nghệ mới, không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người được tiêm phòng, không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú.
Nếu bị chó, mèo cắn, phác đồ của người chưa tiêm vắc xin bao gồm 5 mũi (vào các ngày 0-3-7-14-28, đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi (vào các ngày 0-3-7-28, đối với đường tiêm trong da). Trường hợp phơi nhiễm độ II cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại.
Trường hợp tiêm trước phơi nhiễm, chỉ cần tiêm 3 mũi vắc xin là đã có miễn dịch với bệnh dại. Nếu bị chó, mèo cắn sau tiêm, dù vết thương nặng, người bị cắn chỉ cần chích ngừa thêm 2 mũi, không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Ngoài ra, người dân không nên thả rong chó ra đường và không đến gần chó lạ, chó chạy rông... Cần xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình và phải đảm bảo vệ sinh môi trường; xích, rọ mõm giữ chó khi đưa chó ra ngoài nơi công cộng. Nếu trường hợp bị chó tấn công, cần đứng yên tại chỗ, 2 tay duỗi thẳng 2 bên hoặc giả vờ ngồi im, cuộn tròn người như quả bóng và che mặt lại.
THỦY HÀ