.

Vẫn loay hoay gỡ vướng về thuốc, vật tư y tế

Cập nhật: 14:44, 15/06/2024 (GMT+7)

Thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tái diễn tại nhiều bệnh viện công lập thời gian vừa qua, khiến bệnh nhân chịu thiệt thòi trong chi trả bảo hiểm y tế. Vấn đề đặt ra hiện nay là, bao giờ người bệnh khám bảo hiểm y tế không còn phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài với giá cao?

Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội cần sớm có cơ chế thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế mà người bệnh phải tự mua ngoài. Ảnh: Như Ý
Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội cần sớm có cơ chế thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế mà người bệnh phải tự mua ngoài. Ảnh: Như Ý

Các thông tư hướng dẫn còn chậm

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện đang thiếu thuốc GH phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh. Đây là thuốc nhập khẩu, có chứa hoạt chất Somatropin, được sử dụng dưới dạng tiêm, điều trị thiếu hụt hormon tăng trưởng, cho trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai, trẻ mắc hội chứng Turner, trẻ chậm tăng trưởng do suy thận mạn tính và trẻ mắc hội chứng Prada - Willi.

PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thuốc GH đang được bảo hiểm y tế chi trả và người bệnh đồng chi trả. Căn cứ vào số lượng sử dụng năm trước, năm 2023, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch mua sắm đáp ứng nhu cầu điều trị năm 2023-2024 hoạt chất Somatropin với các hàm lượng khác nhau cho bệnh nhân có nhóm tuổi và cân nặng khác nhau. Tuy nhiên, nguồn cung ứng của hoạt chất bị hạn chế, cả hai danh mục nhóm biệt dược gốc và nhóm một của hàm lượng 5 mg là loại có số lượng sử dụng nhiều nhất trong các năm trước đó đều không có nhà cung ứng.

Bên cạnh đó, theo PGS, TS Trần Minh Điển, Luật Đấu thầu mới và nghị định hướng dẫn tuy đã ban hành nhưng các thông tư hướng dẫn thi hành Luật còn chậm ban hành hoặc chưa ban hành (như thông tư hướng dẫn mua sắm thuốc theo Luật Đấu thầu mới thay thế Thông tư số 15/2019/TT-BYT) gây khó khăn cho bệnh viện trong triển khai thực hiện các quy trình mua sắm đấu thầu thuốc.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế vốn diễn ra vài năm qua nay vẫn lặp lại. Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố dù đã rất nỗ lực, nhưng do còn có một số văn bản liên quan đến dược chưa được ban hành kịp thời, dẫn đến gián đoạn trong đấu thầu, mua sắm và cung ứng thuốc. Trong khi đó, việc chậm trễ gia hạn số đăng ký thuốc của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), biến động trong chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã ảnh hưởng đến nguồn cung ứng thuốc…

Cũng theo một chuyên gia y tế: Theo Luật Bảo hiểm y tế, cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm đầy đủ thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, việc triển khai đấu thầu vật tư y tế tại một số bệnh viện phải thay đổi liên tục hoặc phải tạm ngưng triển khai do chờ thông tư, nghị định hướng dẫn nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đấu thầu.

Cần gỡ khó cho người bệnh

Trao đổi về vấn đề người bệnh phải mua thuốc bên ngoài khi bệnh viện thiếu thuốc thời gian qua, liệu có được bảo hiểm y tế thanh toán sau, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết: Về nguyên tắc, cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm sẵn có, đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Vì vậy, Bộ Y tế đang nghiên cứu dự thảo hướng dẫn việc người tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng khi cơ sở khám, chữa bệnh không bảo đảm thuốc, vật tư y tế trong một số trường hợp đặc biệt, bất khả kháng.

Và để thực hiện điều này, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền lợi của người bệnh. Thông tư quy định cụ thể về giá, về hình thức thanh toán, quy trình thủ tục... bảo đảm đúng, đủ, chặt chẽ và khả thi, đồng thời cũng phòng ngừa việc cơ sở khám, chữa bệnh lạm dụng các quy định này để không bảo đảm cung ứng thuốc cho người bệnh.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, để đáp ứng kịp thời nhu cầu thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất phân cấp thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Ủy ban được phân cấp thẩm quyền quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám, chữa bệnh đối với một số nhóm.

Cụ thể là thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc; chống thải ghép; thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; thuốc có trong hướng dẫn phòng và xử trí sốc phản vệ do Bộ Y tế ban hành hoặc phê duyệt; thuốc được sử dụng cho người bệnh cụ thể đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh để chẩn đoán, dự phòng hoặc điều trị đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh ung thư, HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét; thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo khác do Bộ trưởng Y tế quyết định. Và để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Y tế thành lập trung tâm dự trữ thuốc quốc gia và sửa đổi một số quy định mua sắm thuốc tập trung phù hợp với yêu cầu thực tế.

Nhiều ý kiến chuyên gia khuyến nghị, Bộ Y tế cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện việc lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc, ban hành mẫu hồ sơ lựa chọn nhà thầu đối với thuốc. Đối với vật tư y tế, Bộ sớm ban hành văn bản hướng dẫn phân nhóm thiết bị y tế về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, để bảo đảm chất lượng vật tư y tế sử dụng cho bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đặc biệt cần có hướng dẫn cụ thể đối với các vật tư y tế yêu cầu kỹ thuật cao. Đồng thời, Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội cần sớm có cơ chế thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế mà người bệnh phải tự mua ngoài trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có sẵn thuốc, vật tư y tế.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.