3 lý do để không quá lo lắng vì bệnh bạch hầu
(ABO) Hiện nay, có một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu và có bệnh nhân tử vong, khiến cho nhiều người lo lắng. Tuy nhiên về chuyên môn, trong thời đại ngày nay, bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể kiểm soát được nhờ 3 lý do sau đây:
Thứ nhất, bệnh bạch hầu có thuốc đặc trị hiệu quả, dễ tìm và hầu hết các cơ sở y tế đều có đầy đủ.
Thuốc điều trị bệnh bạch hầu cần được điều trị càng sớm càng tốt khi đã chẩn đoán được bệnh.
Về chuyên môn, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Các dấu hiệu và triệu chứng thường bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc và có thể từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng nhẹ xuất hiện dần dần, bắt đầu bằng đau họng và sốt.
Trong những trường hợp nặng, vi khuẩn sản xuất ra độc tố, độc tố bạch hầu tạo ra một mảng dày màu xám hoặc trắng ở phía sau cổ họng, nó làm bít đường thở khiến cho người bệnh khó thở hoặc khó nuốt và ho khan. Cổ sưng một phần do hạch bạch huyết to.
Chất độc đi vào máu gây ra các biến chứng bao gồm viêm và tổn thương cơ tim, viêm dây thần kinh, viêm thận, chảy máu do tiểu cầu trong máu thấp. Cơ tim bị tổn thương dẫn đến nhịp tim bất thường và viêm dây thần kinh có thể dẫn đến tê liệt.
Bệnh bạch hầu được điều trị bằng hai loại thuốc chính là thuốc giải độc tố bạch hầu, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp và thuốc kháng sinh dùng để tiêu diệt vi khuẩn, ngăn chặn sản xuất độc tố và để ngăn ngừa lây truyền cho người khác. Các loại thuốc này đã có đủ ở các bệnh viện trong toàn quốc.
Thứ hai, bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng ngừa rất hiệu quả. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu được điều chế từ độc tố vi khuẩn bạch hầu trong môi trường nuôi cấy và đã qua xử lý bằng formaldehyde. Vắc xin bạch hầu được phát triển vào năm 1923. Đến năm 1985, Việt Nam chính thức đưa vắc xin bạch hầu vào chương trình Tiêm chủng mở rộng cùng với 5 bệnh khác là lao, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các đợt bùng phát bệnh bạch hầu gần đây ở một số quốc gia phản ánh tình trạng tiêm chủng không đầy đủ. Những người không được tiêm chủng đều có nguy cơ mắc bệnh. Ước tính 84% trẻ em trên toàn thế giới được tiêm 3 liều vắc xin có chứa bạch hầu theo Chương trình tiêm chủng mở rộng khi còn là trẻ sơ sinh, như vậy có 16% không được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) chỉ đạt 55,7%
Để tạo miễn dịch tốt nhất, vắc xin phòng bệnh bạch hầu được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ nhỏ, nên tiêm tổng tất cả 4 mũi trước 2 tuổi: 3 mũi vào thời điểm trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 1 vào lúc 18 tháng tuổi. Trẻ em từ 4 - 6 tuổi có thể nhắc lại.
Kháng thể chống lại bệnh bạch hầu ở người đã được tiêm phòng trước đó sẽ suy giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, hiện nay các nhà chuyên môn khuyến cáo chỉ nên tiêm phòng bổ sung cho những địa phương đang có dịch bạch hầu lưu hành, do ngành Y tế cơ sở nơi đó hướng dẫn.
Thứ ba, các ngành chức năng của chúng ta đã có khả năng ngăn chặn các loại dịch bệnh nguy hiểm bằng việc phát hiện, tầm soát, khoanh vùng, cách ly người bệnh và điều trị hiệu quả, nên dịch bệnh khó lây lan. Riêng người dân cũng đã biết cách phòng ngừa dịch bệnh, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp.
Tóm lại, bệnh bạch hầu là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp như lây lan giữa người với người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua không khí thông qua các giọt hô hấp, như khi ho hoặc hắt hơi hoặc lây lan qua quần áo và đồ vật bị nhiễm bẩn.
Vì vậy, người dân cần chủ động phòng tránh bằng cách mang khẩu trang khi đến chỗ đông người, rửa tay đúng cách, vệ sinh cá nhân và môi trường tốt, tiêm ngừa đầy đủ và nếu nghi ngờ mắc bệnh phải đến cơ sở y tế khám, cách ly và điều trị sớm.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC