Hiểu đúng về kiến ba khoang để phòng ngừa hiệu quả
(ABO) Cứ đến đầu mùa mưa thì tình trạng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang lại xuất hiện, nguyên do là vì đặc điểm cơ thể của kiến ba khoang phát triển thích hợp với điều kiện không khí có độ ẩm cao, có nguồn thức ăn dồi dào, ưa thích ánh sáng, đặc biệt là vào ban đêm nên chúng thường bay vào nhà. Bài viết sẽ chia sẻ những thông tin về kiến ba khoang để mọi người hiểu đúng hơn về loài kiến này nhằm phòng ngừa hiệu quả.
Người ta gọi là kiến ba khoang vì đặc điểm ngoại hình của chúng có ba khoang màu sắc khác nhau: Khoang đầu và bụng dưới là màu đen; khoang ngực và bụng trên là màu đỏ hoặc cam; giữa hai khoang màu có một vùng hẹp màu vàng.
Mặc dù gọi tên là kiến, nhưng kiến ba khoang không phải là kiến thật sự, trong phân loại khoa học, nó thuộc bộ cánh cứng (Coleoptera), họ bọ cánh cụt (Staphylinidae), chi Paederus. Còn kiến thì thuộc bộ cánh màng (Hymenoptera), họ kiến (Formicidae). Trên lưng của kiến ba khoang có một cặp cánh cứng giống như con bọ hung dùng để bảo vệ cánh mỏng phía sau.
Kiến ba khoang không biết cắn như kiến lửa hay kiến vàng mà nó chỉ biết đốt, còn gọi là chích bằng kim ở bụng, vì kiến ba khoang không có cặp hàm như các loài kiến. Thay vào đó, kiến ba khoang có bộ phận giống như kim châm ở phần bụng. Khi cảm thấy bị đe dọa, kiến ba khoang sẽ cong người lại và dùng kim châm ở bụng đâm vào da, tiết ra chất độc pederin.
Chất độc pederin của kiến ba khoang không những từ mũi kim châm, mà còn nằm trong dịch cơ thể chúng như dịch bạch huyết, máu, tiêu hóa… Chất độc này được xuất tiết ra ngoài khi kiến ba khoang bị đập nát hoặc vô tình chà xát kiến lên da người.
Khi da người tiếp xúc với dịch độc pederin, chất này sẽ bám dính vào da và thẩm thấu qua lớp sừng, nó kích hoạt một loạt các phản ứng viêm trong da, bao gồm giải phóng các chất trung gian viêm như histamine, bradykinin, prostaglandin.
Các chất này gây ra các triệu chứng như đỏ, sưng, ngứa, rát. Sau đó, các tế bào da bị tổn thương và chết, dẫn đến hình thành mụn nước. Mụn nước thường có kích thước từ 2 đến 5 mm, chứa dịch trong hoặc hơi vàng. Nếu không được điều trị, các mụn nước có thể vỡ ra, tạo thành các vết loét. Vết loét có thể lành trong vòng vài tuần đến vài tháng, nhưng có thể để lại sẹo.
Ngoài ra, chất độc pederin có thể gây ra một số biến chứng khác như: Sốt; hạch bạch huyết sưng to; mệt mỏi; đau nhức cơ thể. Mức độ nghiêm trọng của tổn thương do kiến ba khoang đốt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng độc tố tiếp xúc càng nhiều, tổn thương càng nặng, vùng da mặt, mắt, cổ, ngực thường bị tổn thương nặng hơn do da mỏng manh hơn. Người có hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh lý nền thường dễ bị tổn thương nặng hơn.
Để phòng ngừa kiến ba khoang đốt thì nên hạn chế ra ngoài trời vào buổi sáng sớm và chiều tối khi kiến ba khoang hoạt động mạnh; mặc quần áo dài tay khi ra ngoài; cẩn thận khi quét dọn nhà cửa, thấy kiến ba khoang không dùng tay đập kiến, mà chỉ quét ra ngoài; giữ nhà cửa sạch sẽ, không để bụi bẩn bám dính nhiều; trồng cây có mùi hương đuổi kiến ba khoang như sả, chanh...
Nếu chẳng may thấy kiến ba khoang bò lên người thì đừng vội đập hay phủi mạnh tay, vì nếu bị đe dọa nó có thể chích hoặc cơ thể kiến bị dập ra sẽ phóng thích chất độc bám dính vào da gây hiện tượng viêm da tiếp xúc do côn trùng; thay vào đó hãy dùng quạt để thổi kiến bay ra khỏi da.
Nếu bị kiến ba khoang chích, hoặc tiếp xúc với xác kiến thì nhanh chóng rửa sạch da bằng nước sạch và xà phòng, không gãi, chà sát vào vùng da bị tổn thương, vì càng gãi da càng tổn thương lan rộng. Chườm mát bằng khăn lạnh hoặc đá để giảm sưng và ngứa, đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ cho thuốc phù hợp.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC