.
Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X:

Giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan đến ngành Y tế

Cập nhật: 12:13, 20/07/2024 (GMT+7)
(ABO) Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, đại biểu chất vấn về các nội dung của ngành Y tế.
 
ĐẢM BẢO VẮC XIN TIÊM PHÒNG CHO TRẺ
 
Tại Kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đặt vấn đề về “Tình trạng thiếu vắc xin thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, do đó nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; một số gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa trẻ em đến tiêm chủng ở những cơ sở dịch vụ tư nhân. Đại biểu đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp để đảm bảo vắc xin thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh được đầy đủ, nhằm đảm bảo chất lượng sức khỏe cho trẻ em - nguồn nhân lực tương lai của địa phương và đất nước”.
 
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dương giải trình nội dung cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dương giải trình nội dung cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dương cho biết, năm 2022 và năm 2023 xảy ra tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng do gián đoạn nguồn cung ứng từ Trung ương. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đa số các chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng đều đạt và vượt chỉ tiêu so với tiến độ kế hoạch 6 tháng đầu năm (bao gồm các chỉ tiêu: Trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; thai phụ được tiêm vắc xin phòng uốn ván; tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới 24 giờ được tiêm ngừa vắc xin viêm gan siêu vi B; tỷ lệ trẻ 18 tháng tuổi được tiêm nhắc vắc xin DPT; tỷ lệ trẻ 18 tháng tuổi được tiêm nhắc vắc xin sởi -Rubella). Có 2 chỉ tiêu chưa đạt là: Tỷ lệ trẻ sinh ra được phòng uốn ván (47,5% so với 48%) và tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 2, 3 (46,2% so với 48%). 
 
Tính đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang đã được cung cấp đầy đủ tất cả các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng theo tiến độ kế hoạch, kể cả vắc xin được sử dụng cho các đối tượng tiêm bù, tiêm vét, tổng số: Vắc xin viêm gan B 18.000 liều, vắc xin BCG 22.920 liều, Vắc xin DPT-VGB-Hib 22.980 liều, vắc xin OPV 53.000 liều, vắc xin IPV 22.000 liều, vắc xin viêm não Nhật Bản 17.900 liều, vắc xin sởi 26.300 liều, vắc xin sởi - rubella 26.000 liều, vắc xin DPT 24.400 liều, vắc xin uốn ván 21.800 liều. 
 
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dương cho biết, thời gian tới, ngành Y tế chủ động rà soát danh sách các đối tượng thuộc diện tiêm bù, tiêm vét; thực hiện tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng theo Thông tư 10 ngày 13-6-2024 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tổ chức tiêm chủng như nhân lực, điểm tiêm, vật tư phục vụ tiêm chủng (phiếu khám sàng lọc, gòn, cồn, bơm kim tiêm, hộp an toàn...), đảm bảo hoạt động tiêm chủng an toàn, hiệu quả và khoa học. 
 
Đồng thời, tổ chức riêng các buổi tiêm bù, tiêm vét và kết hợp lồng ghép vào các ngày tiêm chủng thường xuyên hằng tháng tại địa phương; đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ và tiêm trong thời gian sớm nhất ngay khi nhận vắc  xin được phân bổ về địa phương; thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo từ Trung ương để hướng dẫn các đơn vị tổ chức hoạt động tiêm chủng theo đúng quy định; tổ chức đánh giá tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi hằng tháng tại các địa phương trên địa bàn quản lý; theo dõi nguồn cung ứng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Trung ương để kịp thời triển khai kế hoạch phân bổ và sử dụng vắc xin.
 
SỚM CÓ THIẾT BỊ XẠ TRỊ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ
 
Theo thống kê của ngành Y tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mỗi năm có khoảng 2.900 ca ung thư mắc mới, trong đó có khoảng 2.000 ca có chỉ định xạ trị. Việc đầu tư trang bị máy xạ trị cho Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang đã được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Nghị quyết số 38 ngày 8-12-2023 về sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 27 ngày 17-9-2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm giải trình cho đại biểu HĐND tỉnh các khó khăn trong thực hiện nội dung này, nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Thời gian nào sẽ đầu tư nhằm đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân tỉnh nhà trong việc được điều trị và chăm sóc sức khỏe tại chỗ đối với các bệnh ung thư cần tiến hành xạ trị.
 
Ngoài ra, đối với công tác tầm soát ung thư, hiện nay, máy PEP CT là một giải pháp tối ưu, đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo đồng bộ với việc đầu tư máy xạ trị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
 
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dương giải trình nội dung cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dương giải trình nội dung cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dương cho biết, Dự án Hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính đã được HĐND tỉnh phê duyệt vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó thời gian thực hiện Dự án là giai đoạn năm 2024 - 2027. Công tác lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư do Sở Y tế chủ trì lập, trình thẩm định, công tác thẩm định do Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chuyên môn chủ trì thẩm định báo cáo cấp quyết định đầu tư để phê duyệt đầu tư dự án. Dự án Hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính là dự án đầu tư mua thiết bị ngành Y tế có tổng mức đầu tư lớn (120 tỷ đồng) từ nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án có yêu cầu về công nghệ cao, đặc thù và là dự án đầu tiên của ngành Y tế. 
 
Ngày 30-9-2022, Sở Y tế gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ trương đầu tư dự án. Ngày 21-10-2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp Tổ nghiệp vụ thẩm định chủ trương đầu tư lấy ý kiến góp ý của thành viên Tổ nghiệp vụ để hoàn chỉnh hơn Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
 
Trong đó, yêu cầu Sở Y tế rà soát, bổ sung làm rõ một số nội dung như sau: Nêu rõ công nghệ dự kiến đầu tư, bảng cơ cấu trong tổng mức đầu tư, cơ sở pháp lý, nêu rõ hiện trạng xây dựng phòng lắp đặt, nêu rõ công nghệ thiết bị cần đầu tư là hiện đại, không lạc hậu, đánh giá đặc điểm từng công nghệ, rà soát bổ sung hiện trạng đầu tư của các tỉnh lân cận, nhân sự đảm bảo công việc sau khi đầu tư, lựa chọn công nghệ đề xuất 2 phương án, bổ sung chi phí vận hành, khai thác, bảo hành, bảo trì, áp dụng đối tượng bảo hiểm y tế, cơ sở xác định đơn giá các thiết bị đầu tư. Tại thời điểm này, nguồn nhân lực để đảm bảo công tác vận hành hệ thống xạ trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa được đảm bảo đầy đủ, đang ở giai đoạn đưa nhân lực đi đào tạo. 
 
Nguyên nhân hồ sơ kéo dài do các yếu tố khách quan như: Đây là dự án mua sắm thiết bị lớn, công nghệ cao, đặc thù đầu tiên của tỉnh, nhân lực để đảm bảo công tác vận hành hệ thống xạ trị giai đoạn lập hồ sơ dự án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa được đảm bảo đầy đủ, Bộ Y tế chưa công bố đơn giá thiết bị trên hệ thống Cổng thông tin điện tử nên Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ các quy định, hướng dẫn, đòi hỏi yêu cầu chặt chẽ về chuyên môn; Sở Y tế đi học tập kinh nghiệm các địa phương khác để hoàn chỉnh hồ sơ.
 
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện hoàn thành hồ sơ dự án đảm bảo đúng trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định và thực hiện đầu tư mua sắm Hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính ngay khi ngành Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đảm bảo đủ nguồn lực vận hành, sử dụng Hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính. 
HÀ NAM - CAO THẮNG
 
 
.
.
.