.

Loay hoay "gỡ vướng" mua sắm thuốc, thiết bị y tế

Cập nhật: 10:19, 26/10/2024 (GMT+7)

Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn còn kéo dài và chưa được khắc phục triệt để, ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị của người bệnh.

Khó giải quyết căn cơ?

Dù chỉ là bệnh viện tuyến quận, huyện nhưng trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tiếp nhận khoảng 4.500 người bệnh ngoại trú đến thăm khám, điều trị. TS-BS Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết, vấn đề cung ứng thuốc, vật tư y tế cơ bản đảm bảo hoạt động, nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng thiếu cục bộ. Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng đứt gãy. Ngoài ra, bệnh viện có công nợ nhiều nên đối với một số thuốc độc quyền, các doanh nghiệp dược không tham gia thầu hoặc tham gia nhưng do bệnh viện thiếu nợ nên cung ứng nhỏ giọt. “Có những thời điểm bệnh viện không có thuốc gây tê tủy sống, buộc các sản phụ sinh mổ phải chuyển qua gây mê, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị. Một số vật tư đấu thầu, trúng thầu nhưng chất lượng không đáp ứng yêu cầu, như cung ứng kim, chỉ dùng cho khâu tầng sinh môn nhưng kim rất cùn, chỉ khâu chưa đủ ngày đã đứt khiến vết thương của người bệnh chưa kịp lành…”, TS-BS Vũ Trí Thanh thông tin.

Người bệnh mua thuốc tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM.
Người bệnh mua thuốc tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM.


Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc bệnh viện, cho hay, thời gian qua rất nhiều người bệnh phải chờ đợi để được thực hiện phẫu thuật, thay khớp háng, khớp gối… vì thiếu vật tư y tế.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng gặp tình trạng tương tự, khi số lượng người bệnh ngày càng tăng khiến bệnh viện gặp khó khăn trong đảm bảo cung ứng thuốc và các vật tư. Theo BSCK2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, nhưng chủ yếu nằm ở nguyên nhân khách quan, như giá thuốc quá rẻ nên không đơn vị nào tham dự thầu; thuốc hiếm thì chỉ có rất ít nhà cung cấp; hoặc có những đơn vị trúng thầu nhưng đến thời điểm giao thuốc, vật tư lại không thể nhập hàng do đứt gãy nguồn cung, kéo dài thời gian cung ứng đến 4-5 tháng. Trong những trường hợp này, nếu không có thuốc thay thế, bệnh viện rất khó cung ứng được đầy đủ, và bệnh viện không thể chấm dứt gói thầu để tiến hành đấu thầu lại.

Tại nhiều tỉnh như Cao Bằng, Hà Nam, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, tình trạng thiếu một số thuốc, hóa chất xét nghiệm thuộc danh mục bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả diễn ra thường xuyên, khiến người bệnh phải mua thuốc bên ngoài, hoặc xét nghiệm ở các bệnh viện tư nhân nhưng không được BHYT chi trả. Theo cử tri tại các tỉnh Nam Định, Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên…, từ sau đại dịch Covid-19, một số loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm bị thiếu hụt, khiến nhiều trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng phải trì hoãn tiêm hoặc chuyển sang tiêm dịch vụ (phải trả phí).

Cơ chế đã thông, nhưng cung ứng chưa “thoáng”

Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo triển khai thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, các thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế. Tại hội thảo, đại diện các sở y tế, bệnh viện khu vực phía Nam đã nêu ra nhiều nội dung còn vướng mắc, như: thủ tục thẩm định, phê duyệt tại một số địa phương còn phức tạp; có địa phương chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm; việc thu thập báo giá, thông tin để xác định giá gói thầu còn có cách hiểu chưa thống nhất; khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu...

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia vừa có thông báo hủy phát hành hồ sơ yêu cầu gói thầu “Cung cấp vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng”. Lý do là tại thời điểm đóng thầu, không có nhà thầu tham dự thầu.


Theo ông Lê Ngọc Danh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM, việc thiếu thuốc trong giai đoạn vừa qua chủ yếu vướng ở chuỗi cung ứng. TPHCM là địa bàn đặc thù, với nhiều bệnh viện thành phố làm nhiệm vụ trung ương, nên trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, ngoài dự trù cho nhu cầu người dân thành phố thì các cơ sở y tế tại đây còn phải đáp ứng nhu cầu điều trị của các địa phương lân cận nên xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang thực hiện nội soi cắt polyp cho người bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang thực hiện nội soi cắt polyp cho người bệnh.


Thừa nhận việc thiếu thuốc vẫn xảy ra cục bộ ở một số nơi và một số thời điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nhiều “điểm nghẽn” về mua sắm, đấu thầu thuốc đã được tháo gỡ. Do đó, các cơ sở y tế cần chủ động và linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh đấu thầu tập trung đảm bảo nguồn thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh, không để xảy ra tình trạng người bệnh không được mổ vì thiếu vật tư y tế, người bệnh phải chờ đợi quá lâu, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và sức khỏe. Bên cạnh đó, lưu ý năng lực của nhà thầu để tránh tình trạng trúng thầu nhưng không đáp ứng được, hoặc nhà thầu cung ứng vật tư kém chất lượng. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.

Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết
 

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, vấn đề thiếu thuốc không chỉ xảy ra tại TPHCM mà còn là hiện trạng chung của nhiều bệnh viện trên cả nước. Trách nhiệm chính thuộc về Bảo hiểm y tế và các cơ quan liên quan. Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết để giải quyết những bất cập đang tồn tại. Dù người bệnh có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải tự mua thuốc ở bên ngoài, điều này không chỉ tạo thêm gánh nặng tài chính cho người bệnh mà còn tiềm ẩn rủi ro về nguồn gốc và chất lượng thuốc.


 

TPHCM chịu áp lực lớn về cung ứng thuốc, vật tư y tế


Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, do một số tỉnh, thành phố hạn chế mua sắm nên người bệnh dồn lên TPHCM, nhất là ở các chuyên khoa tim mạch và chấn thương chỉnh hình. Điều này tạo nên áp lực về cung ứng thuốc và vật tư y tế cho các bệnh viện trên địa bàn. Hàng tuần, Tổ công tác hỗ trợ mua sắm, điều phối thuốc của Sở Y tế TPHCM sẽ tiếp nhận thông tin về cung ứng thuốc, vật tư của các cơ sở và kịp thời hỗ trợ cho các bệnh viện.


 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.