.

Bệnh lao phổi dễ tấn công người cao tuổi

Cập nhật: 10:07, 23/11/2024 (GMT+7)

Bệnh lao vẫn đã và đang là một bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong cao ở trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, hằng năm có thêm khoảng 9 triệu người mắc lao mới và 2 triệu người chết do lao.

CĂN BỆNH PHỔ BIẾN

Ở nước ta, bệnh lao còn phổ biến và ở mức độ trung bình cao, Việt Nam đứng thứ 13 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao trên toàn cầu. Trong khu vực Tây - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philipinnes về số lượng bệnh nhân lao lưu hành cũng như bệnh nhân lao mới xuất hiện hằng năm. Tại nước ta, mỗi năm có thêm khoảng 130.000 người bị lao và có 20.000 - 30.000 người chết vì lao.

Nhân viên chuyên môn thực hiện thủ thuật xét nghiệm lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc bệnh nhân lao.
Nhân viên chuyên môn thực hiện thủ thuật xét nghiệm lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc bệnh nhân lao.

Bệnh lao không từ một ai, nhưng tỷ lệ người cao tuổi (NCT) mắc lao thường cao hơn do đối tượng này có sức đề kháng kém và thường mắc kết hợp nhiều bệnh mạn tính. Lao phổi ở NCT thường đi kèm theo những bệnh khác của tuổi già làm cho việc phát hiện và điều trị sớm gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang cho biết: “NCT với sức đề kháng giảm nên các vi trùng lao bị nhiễm từ lúc trẻ sau hàng chục năm ở trạng thái ngủ, nhân một cơ hội thuận lợi hoạt động trở lại gây ra bệnh lao.

Do bị nhiều bệnh mãn tính nên NCT thường xuyên đến các bệnh viện, trung tâm y tế nên cũng thường tiếp xúc với các bệnh nhân khác, do đó cũng dễ bị lây nhiễm. Biểu hiện lao phổi ở NCT thường âm thầm, các triệu chứng thường gặp của bệnh lao như: Ho khạc đờm, sút cân, mệt mỏi, sốt về chiều, thường bị che lấp bởi các tình trạng bệnh lý khác của người già, sốt ít khi cao và người bệnh có thể không nhận ra, cũng có thể gặp tình trạng ra mồ hôi về đêm (mồ hôi trộm) và ho ra máu thì ít khi gặp.

Việc chẩn đoán cũng gặp nhiều khó khăn, Xquang phổi thường không điển hình do chồng chéo cũng như dễ nhầm với nhiều bệnh phổi mãn tính khác ở NCT như: Viêm phế quản mạn tính, xơ phổi, giãn phế quản và đặc biệt là viêm phổi ở NCT”.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc, NCT có thể kèm theo các bệnh nội khoa làm cho lao phổi nặng thêm và khó điều trị, đặc biệt là bệnh đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường gây suy giảm miễn dịch tế bào nên dễ mắc bệnh lao và để điều trị lao tốt phải giữ đường huyết ở mức ổn định thường xuyên.

Mặt khác, NCT thường hay đau xương khớp, do đó thường dùng các loại thuốc giảm đau kháng viêm. Nếu dùng lâu dài loại thuốc có chứa corticosteroid như: Prednisolon, dexamethason, hydrocortison… sẽ bị giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh lao. Vì vậy, không nên tự ý dùng các loại thuốc corticosteroid. Khi sử dụng corticoid phải thận trọng, theo dõi các phản ứng có hại và nhanh chóng báo cho thầy thuốc biết.

Trong quá trình điều trị bệnh lao phổi ở NCT cần lưu ý, bệnh lao phổi là bệnh lây theo đường hô hấp có tính lây lan cao, vi trùng trong đờm càng nhiều thì tính lây lan càng cao. Do vậy, trong vòng 2 tháng đầu điều trị, người bệnh cần chủ động phòng tránh lây lan cho người thân và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc thân mật, nhất là với trẻ em vì trẻ rất dễ bị nhiễm vi trùng lao.

Mặt khác, gia đình người thân cũng cần giải thích, động viên; đồng thời khéo léo giúp người bệnh không mặc cảm vì sinh hoạt tạm thời cách ly, tình trạng này sẽ giảm dần sau khoảng 1 tháng điều trị thuốc kháng lao. Khi vi trùng lao trong đờm không còn nữa thì bệnh nhân có thể dùng thuốc ngoại trú tại nhà, nghỉ ngơi và sinh hoạt lại bình thường với gia đình…

Hiện nay, có nhiều loại thuốc chống lao, tùy theo thể bệnh, mức độ bệnh và tình trạng bệnh kết hợp mà người bị lao sẽ được dùng phối hợp các loại thuốc này theo công thức thống nhất của Chương trình chống lao quốc gia, với nguyên tắc dùng thuốc “Đúng, đều và đủ thời gian”.

Nếu bệnh nhân dùng thuốc không đủ liều, hoặc thường xuyên quên uống thuốc, uống không đủ thời gian sẽ dẫn đến hiện tượng bị kháng thuốc và khi đó việc điều trị lao sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh lao cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước hoa quả, ăn nhiều chất đạm, hạn chế căng thẳng về tinh thần, tránh thức khuya, dậy sớm. Đặc biệt, chú ý khi điều trị lao ở NCT cần theo dõi tình trạng dị ứng thuốc, nhiễm độc gan, thận cũng như kiểm soát tốt các bệnh mạn tính kết hợp.                       

SÀNG LỌC CHỦ ĐỘNG PHÁT HIỆN BỆNH LAO

Được sự tài trợ của Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao của Tổ chức FHI 360, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang đang tổ chức khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn tại TP. Mỹ Tho. Hoạt động khám sàng lọc này được thực hiện từ ngày 11-11 đến ngày 3-12 tại tất cả các xã, phường của TP. Mỹ Tho, với khoảng 7.000 người được mời tham gia.

Đông đảo người dân tham gia tầm soát lao tại các trạm y tế.
Đông đảo người dân tham gia tầm soát lao tại các trạm y tế.

Đối tượng sàng lọc gồm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là bệnh nhân lao phổi được phát hiện trong vòng 2 năm tính đến thời điểm triển khai chiến dịch và người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao phổi. Nhóm thứ hai là người có triệu chứng nghi lao như bị ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, sốt, sụt cân, ra mồ hôi đêm.

Nhóm thứ 3 là người có nguy cơ mắc bệnh như người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người suy dinh dưỡng, người mắc các bệnh như: Bụi phổi, tim mạch, tiểu đường, HIV, suy thận mãn, điều trị thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, người sử dụng rượu bia thường xuyên và người hút thuốc lá, thuốc lào hằng ngày.

Để sàng lọc, trạm y tế lập danh sách và mời người dân thuộc 3 nhóm đối tượng trên trong địa bàn và các bác sĩ, nhân viên chuyên môn của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trực tiếp khám và thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh.

Trong đó, tất cả người dân tham gia tầm soát đều được chụp Xquang phổi. Người có kết quả Xquang phổi bất thường nghi lao và người có kết quả Xquang bình thường nhưng có ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần sẽ được chỉ định xét nghiệm Xpert để kiểm tra xác định bệnh lao; người tiếp xúc với bệnh nhân lao sẽ được xét nghiệm lao tiềm ẩn.

Nói về mục đích của việc tầm soát diện rộng đợt này, Bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc cho biết: “Tiền Giang là một trong các tỉnh trọng điểm có gánh nặng bệnh lao cao của cả nước, con số phát hiện bệnh lao đứng thứ 5 trong số 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 10 trong số 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trong đó, TP. Mỹ Tho là đơn vị có tình hình dịch tễ lao cao nhất trong tỉnh và số bệnh nhân lao thu dung điều trị liên tục tăng. Cụ thể, số bệnh nhân lao được phát hiện thu dung, điều trị năm 2022 là 277 người, tương đương 130 người trong 100.000 dân; năm 2023 tăng lên 363 người, tương đương 171 người trong 100.000 dân; trong đó số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc phát hiện thu dung cũng tăng.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang đã được Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, Tổ chức FHI 360 hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn tại TP. Mỹ Tho nhằm góp phần vào mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Chia sẻ về việc phòng bệnh lao phổi ở NCT, Bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc cho rằng, đây là vấn đề cần được quan tâm đúng mức, NCT cần chú ý giữ gìn sức khỏe, bảo vệ đường hô hấp, tránh tiếp xúc với nguồn lây trực tiếp bằng cách đeo khẩu trang; ăn uống và ngủ, nghỉ điều độ, tập thể dục thể thao ở mức độ thích hợp thường xuyên. Khi thấy các triệu chứng nghi lao phổi nên đến khám để phát hiện kịp thời bệnh và chữa trị sớm.

THỦY HÀ

.
.
.