.

Có thể cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim trong "giờ vàng"

Cập nhật: 08:47, 11/11/2024 (GMT+7)

Mỗi năm, có hơn 30 triệu ca nhồi máu cơ tim và đột quỵ trên toàn thế giới. Bệnh nhân sống sót sau nhồi máu cơ tim có nguy cơ tái phát và tỷ lệ tử vong cao gấp 6 lần so với những người khỏe mạnh cùng độ tuổi. Do đó, việc cấp cứu kịp thời và can thiệp trong “giờ vàng” sẽ giúp điều trị hiệu quả, giảm biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong.

CĂN BỆNH CHẾT NGƯỜI

Nhồi máu cơ tim là tình trạng lưu lượng máu đến một phần cơ tim bị giảm hoặc ngừng hoàn toàn bởi cục huyết khối gây tắc nghẽn động mạch vành. Nhồi máu cơ tim là một biến cố nghiêm trọng, gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu.

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hữu Thế, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang cùng ê kíp thực hiện can thiệp nong mạch vành cấp cứu thành công bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Hữu Thế, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cùng ê kíp thực hiện can thiệp nong mạch vành cấp cứu thành công bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân gây hẹp lòng mạch vành là do quá trình tiến triển của tình trạng xơ vữa động mạch vành. Thành động mạch vành bị tổn thương và thu hẹp theo thời gian do chất béo tích tụ và mảng bám phát triển. Khi mảng xơ vữa gây tắc hoàn toàn động mạch vành sẽ khiến cơ tim bị thiếu oxy, lâu dần sẽ gây chết tế bào cơ tim và hoại tử.

Hiện nay, mặc dù y học phát triển, nhiều tiến bộ trong việc tầm soát và điều trị nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh vẫn còn khá cao, phần lớn các trường hợp nhồi máu cơ tim tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện. Trong năm đầu tiên sau nhồi máu cơ tim, tỷ lệ tử vong tăng thêm từ 5 - 12%. Tiên lượng sau nhồi máu cơ tim khác nhau tùy thuộc vào mức độ, vị trí cơ tim bị ảnh hưởng, sự tiến triển bệnh và quản lý tốt các biến chứng bệnh.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, có hơn 200.000 người tử vong do bệnh tim mạch trong năm 2023, chiếm 33% tổng số ca tử vong; trong đó có tới 85% là do nhồi máu cơ tim. Theo thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, từ năm 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%, tương đương với 4 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với những người không mắc bệnh.

NHẬN BIẾT VÀ ĐIỀU TRỊ

Chuyên gia tim mạch liệt kê một số triệu chứng nhồi máu cơ tim thường gặp như: Đau nặng ngực, mỏi cứng hàm, vã mồ hôi, mệt mỏi bất thường, khó thở, hụt hơi, khó chịu ở vùng thượng vị, cảm giác buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt đột ngột, có cảm giác bồn chồn, tim đập nhanh, mất nhận thức, tụt huyết áp đột ngột, ngất xỉu. Khi bản thân hoặc người thân có một trong số những triệu chứng trên thì cần đến ngay bệnh viện gần nhất để được can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim là bệnh lý do xơ vữa động mạch, xảy ra khi các mảng xơ tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu. Những thành phần của mảng xơ vữa thường bao gồm: Cholesterol, canxi, và các mảnh vỡ tế bào. Mảng xơ vữa bám vào thành mạch gây viêm thành mạch, tổn thương lớp lót trên thành mạch và gây viêm tại vùng này.

80 người được can thiệp kịp thời sau nhồi máu cơ tim

Thông tin từ Chi cục Dân số Tiền Giang, đầu năm đến nay ghi nhận toàn tỉnh có 80 trường hợp người cao tuổi bị nhồi máu cơ tim được đưa đến trung tâm can thiệp kịp thời trong “giờ vàng” và đã được cứu sống; trong số này có 19 trường hợp được đặt stent nong mạch vành. Bên cạnh đó, có 42 trường hợp không được đưa đến cơ sở y tế kịp thời dẫn đến tử vong.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có gần 327.300 người từ 60 tuổi trở lên. Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Trong thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh, chúng tôi chú trọng truyền thông về căn bệnh này để người cao tuổi nói riêng và người dân nói chung biết và chủ động phòng ngừa, cũng như đưa bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa kịp trong khung “giờ vàng”. Từ đầu năm đến nay, thông qua đội ngũ cộng tác viên, chúng tôi đã tổ chức truyền thông cho hơn 88 ngàn lượt người dân”.

Mảng xơ vữa bong ra làm tổn thương động mạch và tạo thành cục huyết khối, chặn dòng máu nuôi tim và gây ra cơn đau tim. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, gây suy tim hoặc đột tử.

Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim như: Tuổi cao, hút thuốc lá, huyết áp cao, đái tháo đường, cholesterol cao, ít hoạt động thể chất, lạm dụng rượu hoặc sử dụng chất kích thích, tiền sử gia đình từng có người bị nhồi máu cơ tim… Trong các yếu tố nguy cơ này thì nhiều yếu tố có thể thay đổi được, đặc biệt là hút thuốc lá. Khoảng 7 - 12% trường hợp nhồi máu cơ tim có liên quan đến thói quen ít vận động thể chất và 3% là do căng thẳng quá mức.

Nhồi máu cơ tim nếu không được sơ cứu đúng cách và can thiệp điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Thiếu máu cục bộ, rối loạn nhịp tim, bao gồm rung tâm nhĩ, nhịp nhanh thất, nhịp chậm xoang, block nhĩ thất, rối loạn chức năng cơ tim, gây suy tim, sốc tim, vỡ tim, huyết khối thành thất trái, thuyên tắc ngoại biên, gây viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng tim...

Can thiệp sớm trong thời khoảng “giờ vàng” giúp bảo tồn mạng sống người bệnh. Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Hữu Thế, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang khung “giờ vàng” can thiệp nhồi máu cơ tim người bệnh cần lưu ý đó là khoảng thời gian 1 - 2 giờ đầu khi bệnh nhân mới xuất hiện cơn đau ngực.

Lúc này, cơ tim chỉ mới bị tổn thương nhẹ, do đó, việc tái tưới máu cơ tim sẽ hiệu quả nhất, giúp hạn chế được tình trạng cơ tim chết, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng cho người bệnh. Nếu bản thân hoặc người thân trong gia đình xuất hiện các triệu chứng của nhồi máu cơ tim, cần nhập viện cấp cứu ngay, để được can thiệp trong “giờ vàng”, giúp giảm nguy cơ biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong.

“Phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim chính là điều trị tái lưu thông động mạch vành bị tắc nghẽn cấp cứu. Hiện tại, đơn vị can thiệp tim mạch của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang có thể thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu để cứu chữa bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bệnh viện có thể sử dụng một số biện pháp như cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu sợi huyết; chụp mạch vành, nong đặt stent nhồi máu cơ tim; phẫu thuật bắc cầu động mạch vành” - Tiến sĩ Trần Hữu Thế cho biết thêm.

Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, người bệnh cần có sự điều chỉnh phù hợp trong lối sống, trong đó cần rèn thói quen hoạt động thể chất, nên tập thể dục đều đặn khoảng 5 buổi/tuần với mỗi buổi tập khoảng 30 phút; giữ cân nặng ở mức bình thường; ngừng uống rượu, hút thuốc lá; điều chỉnh chế độ ăn tốt cho tim mạch như: Ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá béo, trái cây, giảm lượng muối, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; hạn chế căng thẳng, áp lực; sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc, điều chỉnh liều lượng thuốc; tái khám theo định kỳ.

THỦY HÀ

.
.
.