.

"Quét" thẩm mỹ không phép

Cập nhật: 13:33, 02/11/2024 (GMT+7)

Các cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép và trái phép ngày càng tinh vi, dùng nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng. Dịp cuối năm, nhu cầu làm đẹp tăng cao, thẩm mỹ “chui” ở TPHCM càng tăng cường hoạt động.

Bệnh viện Quân y 175 cứu sống một phụ nữ bị tai biến nghiêm trọng sau khi phẫu thuật nâng ngực. Ảnh: BVCC
Bệnh viện Quân y 175 cứu sống một phụ nữ bị tai biến nghiêm trọng sau khi phẫu thuật nâng ngực. Ảnh: BVCC

Liên tục gây biến chứng

Cuối tháng 10, chị N.P. (39 tuổi, ngụ TPHCM) đến Thẩm mỹ viện Kim An (148C Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1) để hút mỡ bụng với giá 30 triệu đồng. Sau khi được xét nghiệm máu, nước tiểu, test nhanh HIV, chị P. trải qua ca phẫu thuật trong hơn 2 giờ. Tuy nhiên, chị P. đột ngột cảm thấy mệt và khó thở, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng tiếp xúc chậm, tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ khó bắt, nghi sốc phản vệ độ 3 chưa rõ tác nhân.

Cơ quan chức năng xác định, cơ sở thẩm mỹ Kim An chỉ được Sở KH-ĐT TPHCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với ngành nghề “Hoạt động của phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; cắt tóc, gội đầu, chăm sóc da”, chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động khám chữa bệnh. Bất ngờ hơn, nhân viên trực tiếp tư vấn hút mỡ bụng cho chị P. chỉ có trình độ lớp 8. người thực hiện xét nghiệm không có bằng cấp liên quan đến y tế.


Phòng khám “mập mờ”, khách hàng dễ gặp rủi ro

Theo Sở Y tế TPHCM, ít nhất 184 doanh nghiệp tư nhân đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh tại Sở KH-ĐT TPHCM có tên doanh nghiệp chứa từ “bệnh viện” nhưng không hoạt động theo mô hình bệnh viện. Một số doanh nghiệp khi đăng ký thủ tục thành lập phòng khám đã “buộc” Sở Y tế phải cấp phép với tên gọi có từ “bệnh viện” theo giấy chứng nhận kinh doanh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định rõ, điều kiện cấp phép cho bệnh viện và phòng khám khác biệt về quy mô, cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức nhân sự, nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của mỗi cơ sở y tế. Sở Y tế khẳng định, việc phòng khám sử dụng từ “bệnh viện” trong tên gọi là không đúng chức năng, nhiệm vụ và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ngày 21-10, một phụ nữ đến cơ sở MIN Beauty Academy (50C đường 385, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) để nâng mũi. Sau khi được tiêm thuốc tê và phẫu thuật, người này có biểu hiện khó thở, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Việt rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TPHCM xác định, cơ sở MIN Beauty Academy chỉ có giấy chứng nhận hộ kinh doanh với ngành nghề “Cắt tóc, làm đầu, gội đầu, dịch vụ tắm hơi và các dịch vụ tăng cường sức khỏe tương tự trừ hoạt động thể thao”. Vào thời điểm kiểm tra, cơ sở đã tháo biển hiệu, đóng cửa.

Theo BS Nguyễn Nguyệt Cầu, Trưởng Phòng Y tế quận 1, cơ sở thẩm mỹ “chui” ngày càng hoạt động tinh vi, dùng nhiều thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng. Dù chỉ được cấp phép chăm sóc da nhưng các cơ sở này cố ý đặt biển hiệu rất “kêu” như “thẩm mỹ viện quốc tế, hospital, clinic”. Nhân sự không có chuyên môn nhưng vẫn tự xưng bác sĩ, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Có cơ sở dùng chiêu trò đăng ký kinh doanh với từ “hospital” (bệnh viện) rồi hoạt động thẩm mỹ trái phép. Nếu bị phát hiện vi phạm, cơ sở gỡ biển hiệu, đổi tên, rồi tái diễn vi phạm.

Ông Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, chia sẻ, trong quý 3-2024, qua phản ánh của người dân, đơn thư, đường dây nóng, Sở Y tế đã kiểm tra 148 vụ việc liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ. Kết quả, 47% vụ việc là hành nghề không phép, chủ yếu núp bóng các tiệm spa, massage, hớt tóc, gội đầu...

Mạnh tay với thẩm mỹ “chui”

Ngày 31-10, UBND quận 1 phát động chiến dịch cao điểm kiểm tra, giám sát, xử lý cơ sở hoạt động không phép và trái phép trong lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ. địa phương sẽ tập trung phát hiện sớm, ngăn chặn sớm nguy cơ hoạt động thẩm mỹ không phép bằng việc tiếp cận, tìm hiểu ngay khi cơ sở liên quan đến lĩnh vực làm đẹp đi vào hoạt động. Giám sát chặt chẽ, thu thập chứng cứ đối với các cơ sở cố ý vi phạm nhiều lần, chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra. Quận 1 cũng đưa ra sáng kiến xây dựng mạng lưới thông tin từ người dân, khu phố, thậm chí từ nhân viên vệ sinh vì có thể phát hiện rác thải y tế từ cơ sở thẩm mỹ “chui”.

Gắn biển cảnh báo cơ sở thẩm mỹ đang bị đình chỉ hoạt động tại quận 10, TPHCM.
Gắn biển cảnh báo cơ sở thẩm mỹ đang bị đình chỉ hoạt động tại quận 10, TPHCM.

Xử nghiêm các cơ sở làm đẹp không đúng chuyên môn

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ và cơ sở làm đẹp. đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh và quảng cáo tại các cơ sở có hoạt động phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và các cơ sở làm đẹp.

Xử lý nghiêm các vi phạm đối với những cơ sở hoạt động không đúng phạm vi, vượt quá chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn và quảng cáo khi chưa được cấp phép. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ nên đến các cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động.

Trước đó, UBND quận 10 đã tổ chức thành công chiến dịch cao điểm 45 ngày kiểm tra, xử lý cơ sở hoạt động không phép trong lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ. Trong 45 ngày, UBND quận 10 đã ban hành 42 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt gần 1,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 12 cơ sở. Việc thí điểm mô hình gắn biển đỏ tại các cơ sở bị đình chỉ hoạt động nhận được sự ủng hộ của người dân, giúp khách hàng nhận diện nguy cơ, không sử dụng dịch vụ tại cơ sở vi phạm, tăng cường sự giám sát của người dân và cơ quan chức năng. Bác sĩ Lê Hồng Tây, Trưởng Phòng Y tế quận 10, kiến nghị cần có các biện pháp mạnh hơn đối với cơ sở thẩm mỹ “chui”, như xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức khám chữa bệnh không phép, những trường hợp ngang nhiên hoạt động trong thời gian bị đình chỉ khám chữa bệnh…

TPHCM hiện có khoảng 772 bệnh viện, phòng khám cung cấp dịch vụ thẩm mỹ thuộc quản lý của ngành y tế, trong khi gần 3.900 cơ sở thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da...) do địa phương hoặc Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Rõ ràng, ngành y tế không thể đơn độc giải quyết tình trạng “lấn sân” hành nghề của các spa, tiệm gội đầu, chăm sóc da, trong khi địa phương chưa thực sự sâu sát. Năm 2024 đã ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong nỗ lực “quét” thẩm mỹ hoạt động không phép, hợp lực với ngành y tế đảm bảo an toàn cho nhu cầu làm đẹp chính đáng của người dân.

(Theo www.sggp.org.vn)

 

.
.
.