Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang lần đầu tiên lấy sỏi mật không cần mổ
(ABO) Đó là kỹ thuật nội soi tụy mật ngược dòng (ERCP) vừa được Bệnh viện Trưng Vương (TP. Hồ Chí Minh) chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang vào ngày 29-10.
Có 3 bệnh nhân mắc sỏi ống dẫn mật đã được lấy sỏi thành công mà không cần phải mổ lấy sỏi như trước đây.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ tiếp nhận kỹ thuật ERCP từ Bệnh viện Trưng Vương (TP. Hồ Chí Minh). |
Việc chuyển giao kỹ thuật ERCP là một trong những nội dung nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được ký vào tháng 7-2023. Đây là kỹ thuật được áp dụng vào việc điều trị cũng như chẩn đoán các bệnh lý về túi mật, hệ thống dẫn mật, tuyến tụy và gan cho người bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương chuyển giao kỹ thuật ERCP cho bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang |
Bác sĩ Võ Ngọc Phương, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Trưng Vương là người trực tiếp thực hiện chuyển giao kỹ thuật ERCP cho bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Bác sĩ Phương cho biết, nội soi mật tụy ngược dòng là một thủ thuật chuyên biệt, thường được sử dụng để chẩn đoán và điều trị đồng thời các bệnh về hệ thống dẫn mật và ống tuyến tụy. Quy trình thực hiện ERCP, người bệnh sẽ được bác sĩ gây mê bằng cách sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc ngủ thông qua một dây dịch truyền ở cánh tay. Bác sĩ sử dụng một ống nội soi có camera nhìn phía bên, khác với ống soi dạ dày camera nhìn phía trước, gọi là ống nội soi tá tràng để thực hiện ERCP. Ống nội soi tá tràng được đưa qua miệng, thực quản, dạ dày và tá tràng đến chỗ đổ vào tá tràng của ống mật và ống tuyến tụy.
Một ống bằng nhựa nhỏ được luồng vào ống mật, hoặc ống tụy (nếu kiểm tra bệnh trong tụy), thuốc cản quang sau đó được tiêm vào đường mật và được soi chụp dưới màn hình X-quang. Nếu bệnh lý được nhìn thấy, thủ thuật điều trị sẽ được thực hiện như là lấy sỏi ống mật chủ hoặc ống gan chung, đặt stent qua chỗ hẹp, nong chỗ hẹp… Các biện pháp này thường đòi hỏi phải cắt cơ vòng chổ ống mật đổ vào thành tá tràng.
Viên sỏi gây tắc nghẽn ống mật chủ đã được phát hiện và loại khỏi ống mật của bệnh nhân. |
Sau hơn 40 phút, ca thực hiện thủ thuật ERCP đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã kết thúc thành công. |
ERCP được chỉ định trong trường hợp lấy sỏi mật trong ống mật, tìm nguyên nhân và xử lý vàng da do dòng chảy của mật bị tắc nghẽn; đặt stent để làm giảm triệu chứng vàng da hoặc cơn đau của người bệnh; điều trị nhiễm trùng đường mật do tắc nghẽn dòng chảy của mật; lấy mẫu tế bào sinh thiết để giúp phân biệt bệnh lành tính với ung thư tuyến tụy hoặc ống mật.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Giáp Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết: “ERCP là kỹ thuật tiên tiến, xâm lấn tối thiểu qua ống tiêu hóa, tránh cuộc mổ lớn, không đau hoặc ít đau sau phẫu thuật, giảm chi phí điều trị, phục hồi nhanh, bệnh nhân có thể xuất viện ngay ngày hôm sau. Hiện nay, các bệnh lý về túi mật và tuyến tụy như viêm tuỵ, ung thư tuỵ, sỏi mật rất phổ biến trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, sỏi mật chiếm 2,14% - 6,11% dân số; thống kê của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu năm 2022, ước tính có hơn 1.250 người mắc mới và 1226 ca tử vong do bệnh ung thư tụy mỗi năm… Việc thăm khám, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về đường mật, tuyến tuỵ có ý nghĩa lớn trong việc cứu sống, cũng như giảm chi phí điều trị cho người bệnh”.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Giáp Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn Thảo trước khi thực hiện kỹ thuật ERCP. |
Là 1 trong 3 bệnh nhân được thực hiện kỷ thuật ERCP để lấy sỏi ống mật chủ vào sáng 29-10, ông Nguyễn Văn Thảo, 75 tuổi, ngụ xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè chia sẻ: “Trước đây, tôi được chẩn đoán sỏi ống mật, bác sĩ chỉ định mổ nhưng tôi rất lo lắng vì phải mổ hở với vết mổ dài. Hơn 1 tuần nay sỏi làm tắc mật nên tôi bị vàng da và khi nhập viện được bác sĩ chỉ định phải được mổ gấp. Tôi rất mừng cho bản thân mình cũng như những bệnh nhân khác khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang có thể thực hiện kỹ thuật lấy sỏi mà không phải mổ”.
THỦY HÀ