.

Tầm soát bệnh lao cho toàn bộ học sinh và giáo viên Trường THPT Vĩnh Kim

Cập nhật: 16:15, 17/11/2024 (GMT+7)

(ABO) Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang tổ chức khám tầm soát chủ động bệnh lao cho toàn bộ học sinh và giáo viên Trường THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.

BSCK2 Nguyễn Tấn Lộc, BSCK2 Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang
BSCK2 Nguyễn Tấn Lộc (bìa trái) đọc kết quả Xquang phổi của người tham gia tầm soát bệnh lao.

Theo BSCK2 Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, việc tầm soát diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 23-11. Đối tượng tầm soát là toàn bộ học sinh Trường Trung học phổ thông Vĩnh Kim với khoảng 1.900 em và toàn bộ giáo viên, nhân viên của trường khoảng 100 người.

Tất cả đối tượng tầm soát đều được chụp Xquang phổi, khám sàng lọc triệu chứng, xác định yếu tố nguy cơ, tư vấn chỉ định xét nghiệm Xpert đối với người có kết quả Xquang bất thường nghi lao và người có Xquang bình thường nhưng có triệu chứng nghi lao.

Sau sàng lọc, người có kết quả xét nghiệm Xpert dương tính và chưa có tiền sử điều trị lao trong vòng 2 năm sẽ được chuyển gửi đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hoặc tổ lao huyện để được đăng ký điều trị.

Riêng người có kết quả xét nghiệm Xpert âm tính sẽ được hội chẩn quyết định điều trị nếu có triệu chứng lâm sàng hoặc hình ảnh Xquang ngực nghi lao. Toàn bộ việc sàng lọc này được thực hiện miễn phí. Hiện nay, chi phí điều trị bệnh lao được bảo hiểm y tế thanh toán.

Toàn bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trường THPT Vĩnh Kim đều được chụp XQuang phổi để tầm soát bất thường ở phổi do bệnh lao
Toàn bộ giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THPT Vĩnh Kim đều được chụp XQuang phổi để tầm soát bất thường ở phổi do bệnh lao.

 

Học sinh Trường THPT được trả kết quả khám sàng lọc bệnh lao
Học sinh Trường THPT được trả kết quả khám sàng lọc bệnh lao.

BSCK2 Nguyễn Tấn Lộc cho biết, tại nước ta, tình hình bệnh lao vẫn còn nghiêm trọng. Theo báo cáo của WHO năm 2023, Việt Nam đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới.

Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 172.000 người mắc lao mới và khoảng 13.000 người tử vong do lao, con số này cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Điều đáng ngại là bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo hằng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Điều này có nghĩa là khoảng 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị, trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm.

Trong đó, lao kháng thuốc và lao kháng đa thuốc đặc biệt nguy hiểm nên cần thiết phải sàng lọc để cách ly điều trị, tránh lây lan trong cộng đồng.

THỦY HÀ

 

.
.
.