Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 diễn ra từ ngày 10-11 đến ngày 10-12, với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Chủ đề năm nay nhằm nhấn mạnh vai trò của nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030.
DIỄN BIẾN DỊCH HIV/AIDS CÒN PHỨC TẠP
Thông tin từ PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính có hơn 267.000 người nhiễm HIV trên cả nước.
Xét nghiệm HIV tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS - CDC Tiền Giang. |
Trong 9 tháng năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Năm 2023, cả nước ghi nhận 13.445 trường hợp dương tính HIV mới, 1.623 ca tử vong.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi chiếm 40% và độ tuổi từ 30 đến 39 tuổi chiếm 27,3%. Số người nhiễm từ 15 - 29 tuổi tăng từ 32% năm 2016 lên 39,4% năm 2024. Bên cạnh đó, đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).
Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian qua. Kết quả ước tính và dự báo cũng cho thấy, nhóm đồng tính nam là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.
Tình hình HIV/AIDS tại Tiền Giang cũng phức tạp. Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 (BSCK1) Nguyễn Quốc Đạt, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước.
Tính từ ca nhiễm HIV phát hiện đầu tiên tại huyện Cái Bè vào năm 1992 đến ngày 31-10-2024, toàn tỉnh ghi nhận 7.057 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có khoảng 2.100 người tiến triển đến giai đoạn AIDS và có 1.377 người chết do AIDS. Hiện nay, 100% xã, phường toàn tỉnh đều có người nhiễm HIV.
BSCK1 Nguyễn Quốc Đạt cho biết, giống như tình hình chung của cả nước, trong các nguyên nhân lây nhiễm HIV tại Tiền Giang thì nhiễm HIV qua đường tình dục là nguyên nhân chiếm đa số các ca mắc. Trong số những ca nhiễm HIV mới phát hiện giai đoạn 5 năm trở lại đây thì lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục là cao nhất, chiếm đến 97,5%; lây truyền qua đường máu mà chủ yếu là do tiêm chích ma túy chiếm 1,81% và lây truyền từ mẹ sang con chỉ chiếm 0,09%.
Người nhiễm HIV hiện nay không chỉ dừng lại trong đối tượng người có hành vi nguy cơ cao như gái mại dâm và người tiêm chích ma túy mà rất đa dạng ngành nghề, có cả người lao động tự do, công nhân, nông dân và có xuất hiện trong đối tượng là công an, bộ đội, nhân viên hành chính, học sinh, sinh viên… Đặc biệt là HIV xuất hiện đáng báo động trong nhóm người có quan hệ tình dục đồng giới. Điều đáng ngại là khi lây truyền qua đường tình dục gia tăng sẽ làm đa dạng hơn về ngành nghề của người nhiễm, vì vậy nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng sẽ cao hơn.
Để phòng lây nhiễm HIV, BSCK1 Nguyễn Quốc Đạt khuyến cáo: “Hiện nay hình thái lây nhiễm HIV đã thay đổi, chủ yếu bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, để phòng bệnh thì người chưa bị nhiễm HIV nên có lối sống lành mạnh, khi tiếp xúc đối tượng nguy cơ thì phải dùng biện pháp phòng ngừa như thuốc dự phòng trước phơi nhiễm, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục… Đối với người đã nhiễm HIV thì điều trị sớm nhằm làm cho sức khỏe không xấu đi và có thể khỏe mạnh để làm việc bình thường, việc điều trị ARV sớm sẽ khiến nồng độ vi rút HIV trong máu nhanh chóng giảm xuống làm giảm nguy cơ lây bệnh cho người thân”. |
Về cơ sở điều trị, toàn tỉnh Tiền Giang có 3 cơ sở điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV là Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc CDC Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP thực hiện tại 5 cơ sở là CDC Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công, Trạm Y tế xã Tân Hương thuộc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành thực hiện thu dung điều trị cho khu vực các khu công nghiệp và Trung tâm Y tế huyện Cái Bè thực hiện thu dung điều trị cho đối tượng khu vực Mỹ Thuận và các tỉnh giáp ranh.
Theo BSCK1 Nguyễn Quốc Đạt, hiện tại theo kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang giao chỉ tiêu điều trị PrEP qua từng năm cho giai đoạn 2021 - 2025, trong năm đầu triển khai chỉ thực hiện 18 ca, các năm sau tăng lên, chỉ tiêu của năm 2024 là 740 ca và chỉ tiêu cho năm 2025 là 850 ca. Số người đang duy trì điều trị thời điểm hiện tại của toàn tỉnh là hơn 500 trường hợp, còn số tích lũy điều trị rất cao. Đó là những người tham gia điều trị khi có nguy cơ, sau đó ngưng điều trị vì không còn nguy cơ.
Trong điều trị PrEP có 2 loại, gồm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc uống hằng ngày và điều trị tình huống bằng cách dùng thuốc trước khi tiếp xúc với nguy cơ. Khoa Phòng, chống HIV/AIDS còn thực hiện các hoạt động phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Công tác này thực hiện rất hiệu quả, từ đầu năm đến nay, có gần 20 sản phụ nhiễm HIV sinh con và tất cả các trẻ sinh ra đều khỏe mạnh.
Về chi phí điều trị, Tiền Giang đang triển khai điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho nhóm nguy cơ bằng PrEP. Hiện tại, thuốc ARV điều trị HIV được bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng mức chi trả của thẻ bảo hiểm y tế mà người bệnh đang hưởng.
Đây là thuận lợi giúp mọi người nhiễm HIV đều có thể tiếp cận thuốc điều trị. Trong điều trị, bệnh nhân mới tham gia điều trị sẽ tái khám và nhận thuốc mỗi tuần, sau đó khoảng cách thời gian tái khám thưa dần ra, khi điều trị ổn định trên 6 tháng thì có thể nhận thuốc uống trong 3 tháng.
Đối với điều trị trước phơi nhiễm thì 3 cơ sở gồm phòng khám của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc CDC Tiền Giang, Trạm Y tế xã Tân Hương thuộc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và Trung tâm Y tế huyện Cái Bè được dự án trung ương tài trợ nên người có nguy cơ được điều trị hoàn toàn miễn phí từ khâu cấp phát thuốc đến thực hiện các xét nghiệm; tại 2 cơ sở còn lại, bệnh nhân chỉ được cấp thuốc miễn phí và phải thanh toán chi phí xét nghiệm.
HÀNH ĐỘNG ĐỂ CHẤM DỨT ĐẠI DỊCH HIV/AIDS
Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2024, tổ chức trực tuyến toàn quốc vào ngày 29-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ: “Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phòng, chống HIV/AIDS; giảm số người nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, hiện nay, cuộc chiến chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức. Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang là mối đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, tương lai giống nòi”.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu “Chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”. Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, tổ chức chính trị - xã hội cần xác định phòng, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Khoa Phòng, chống HIV/AIDS - CDC Tiền Giang phối hợp tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong học sinh |
Thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, đồng bộ; ban hành cơ chế, chính sách, môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nhất là chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Ngành Y tế cần huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung triển khai các giải pháp chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS; ưu tiên cho các cơ sở, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong việc điều trị bệnh; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Với những người đang sống chung với HIV/AIDS, Phó Thủ tướng Lê Thành Long kêu gọi cần có cái nhìn tích cực, tư duy mới về việc sống chung với HIV/AIDS; thúc đẩy quyền lợi và chăm sóc sức khỏe bản thân và những người cùng hoàn cảnh; hướng tới một xã hội không phân biệt và tương lai không còn HIV/AIDS.
THỦY HÀ