Sốt xuất huyết ngày càng nguy hiểm
Cập nhật: 10:44, 11/12/2024 (GMT+7)
Số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, nước ta có khoảng 126 nghìn ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 20 ca tử vong. Tại tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”, các chuyên gia y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết hiện không còn diễn biến theo chu kỳ và đang trở nên khó lường, nguy hiểm hơn.
Người dân đến thăm khám tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: MINH LÊ |
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam được liệt kê trong số các quốc gia có gánh nặng sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất. Việt Nam hiện đang có cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, trong đó tuýp virus lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2. Tuýp DEN-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các ca tử vong. Điều đáng nói, dịch bệnh này đang trở nên khó lường và nguy hiểm hơn vì không còn diễn biến theo chu kỳ, thậm chí đã mở rộng vùng lưu hành, phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Theo Hội Y học dự phòng Việt Nam, trước đây, chu kỳ từ 10 đến 12 năm xảy ra 1 vụ dịch lớn. Thế nhưng gần đây, từ năm 2019 đến năm 2023 đã có 2 vụ dịch lớn. Cụ thể, năm 2019 có hơn 300 nghìn ca và năm 2022 là 370 nghìn ca với 150 ca tử vong. Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu lây nhiễm ở người dưới 15 tuổi, thế nhưng hiện nay bệnh gặp ở tất cả lứa tuổi với tỷ lệ mắc, nhập viện, mức độ tăng nặng như nhau. Nguyên nhân là do hậu quả của đô thị hóa và sự nóng dần lên của toàn cầu đã tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi phát triển mạnh.
Thời gian trước dịch bệnh chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền trung nhưng hiện đã lan rộng ra các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương ở khu vực miền bắc như Hà Nội và một số tỉnh miền núi hiện cũng đã ghi nhận sốt xuất huyết lưu hành.
Các chuyên gia y tế thừa nhận để kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết không đơn giản. Cục Y tế dự phòng cho biết, trước đây chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia, chủ yếu dùng mạng lưới cộng tác viên ở xã, phường, thôn, bản để truyền thông, hướng dẫn người dân phòng, chống sốt xuất huyết, nhờ đó số ca bệnh đã giảm. Tuy nhiên, sau khi chương trình mục tiêu quốc gia kết thúc vào năm 2020 thì sốt xuất huyết quay trở lại.
Ngoài các biện pháp phòng tránh cơ bản hiện nay như chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải có nước đọng, diệt loăng quoăng, bọ gậy, muỗi truyền bệnh ở hộ gia đình, cập nhật các thông tin về dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch từ đó đưa ra biện pháp tổng hợp để dập dịch nhanh chóng và hiệu quả thì cần tập trung vào các giải pháp bền vững, trong đó vaccine là một phần không thể thiếu. Đại diện của WHO lưu ý ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector (muỗi vằn Aedes) truyền bệnh. Hiện cách làm này đang được triển khai ở nhiều nước trong khu vực như Thailand, Indonesia.
(Theo nhandan.vn)