.

Oằn gánh vì "ma men"

Cập nhật: 16:34, 12/04/2025 (GMT+7)

Tờ mờ sáng đã trong trạng thái “chân nọ đá chân kia” vì quá chén là hình ảnh mà mọi người trong xóm đã quen mắt khi gặp anh Văn Tuấn (45 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre). Đều đặn mỗi ngày 2-3 cữ rượu, không biết từ khi nào anh đã rơi vào vòng luẩn quẩn của “ma men”.

Nghiện bia rượu dễ dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nghiện bia rượu dễ dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Mượn rượu giải sầu

Ở nhiều vùng nông thôn, rượu bia không chỉ là một phần của văn hóa giao tiếp trong các đám tiệc, gặp gỡ mà còn là cách được một số người chọn để giải sầu khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hiện đại.

Đối với anh Văn Tuấn, “rượu vào” thì “lời mới ra”, dù thường ngày anh rất kiệm lời với người xung quanh. Cứ ngà ngà say, anh vừa kể vừa hờn trách rằng anh sinh ra và lớn lên trong gia đình nổi danh trong ấp vì... nghèo. Cha mẹ mất sớm, 5 anh em mò cua bắt ốc sống qua ngày. Đất đai chẳng có nổi mét nào, phải cất nhà tạm trên đất của người dì tốt bụng nhưng cũng bị cái nghèo đeo bám. Đến năm 21 tuổi lấy vợ, anh làm quần quật từ sớm tinh mơ đến tối với cái nghề “thợ đụng” (ai kêu gì làm nấy) để kiếm tiền lo cho vợ con.

“Làm suốt từ sáng đến tối để kiếm tiền lo cho vợ con, rồi một ngày vợ mình lại chê mình mà bỏ đi về nhà mẹ ruột sống”, anh Văn Tuấn tay run run vừa rót rượu vào ly vừa kể mà mắt ươn ướt. Từ ngày vợ bỏ đi, anh cũng lao đầu vào bầu bạn với rượu như một cách quên đi thực tại. Ban đầu chỉ là vài chén trong bữa cơm, nhưng rồi nó trở thành thói quen, đến mức không có rượu là anh bứt rứt không yên. Hàng xóm thương tình cho cơm, hết lòng khuyên anh bỏ rượu, tu chí làm ăn nhưng anh chẳng thể bỏ được. Thế rồi...

“Hết khuyên rồi la mắng, thậm chí bỏ mặc nó nhưng nó cũng không cai nổi rượu. Mấy hôm trước, nó mất vì say rượu, té xuống ao nhà. Cái ao nước sâu chẳng qua khỏi gối, mà nó không dậy nổi”, bà Quanh (71 tuổi, hàng xóm anh Văn Tuấn) rơm rớm kể.

Ngoài anh, xóm còn 3 “ma men” khác. Ba anh này vẫn tiếp tục đắm chìm trong men rượu dù “chiến hữu” đã ra đi.

Thực tế cho thấy, một số người ở các vùng quê nếu lạm dụng rượu bia thì sẽ dễ gây ra xung đột, xích mích, đâm chém nhau, mất tình làng nghĩa xóm, chưa kể có thể đưa nhau ra trước vành móng ngựa, thậm chí là... nghĩa trang.

Siết chặt quản lý rượu bia

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong tại Việt Nam liên quan đến rượu bia, bao gồm các bệnh lý như xơ gan, ung thư gan, đột quỵ, ngộ độc rượu và tai nạn giao thông. Đặc biệt, những người đàn ông ở nông thôn có thói quen uống rượu tự nấu có nồng độ cồn cao, giá rẻ, dễ gây nghiện và nguy cơ tổn thương gan nghiêm trọng. Điều đáng nói, ở nông thôn, việc khám chữa bệnh không thuận lợi như ở đô thị, nhiều người khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn nặng, khiến chi phí điều trị trở thành gánh nặng lớn cho gia đình.

PGS-TS Phan Quang Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Quản lý nhà nước về An ninh quốc gia, Trường Đại học An ninh nhân dân, cho biết, rượu bia còn là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình và đổ vỡ hạnh phúc. Theo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, 60% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam liên quan đến rượu bia, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Việc người chồng, người cha nghiện rượu còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ em. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha nghiện rượu thường sợ hãi, thiếu tự tin, có nguy cơ bỏ học, bỏ nhà sống lang thang cao hơn. Việc nghiện rượu còn dẫn đến tệ nạn xã hội, tình trạng tội phạm, tai nạn giao thông gia tăng, “ma men” không chỉ gây hại cho bản thân và gia đình mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Nghiện rượu khiến cơ thể dần chây ỳ hoặc mất khả năng lao động, dẫn đến đói nghèo và vòng luẩn quẩn không lối thoát của cuộc sống. Trụ cột gia đình Việt Nam chính là người đàn ông, nhưng khi nghiện rượu, sức khỏe trụ cột gia đình dần suy kiệt, tâm lý lúc nào cũng nghĩ đến rượu nên làm việc qua loa. Điều này khiến kinh tế gia đình sa sút, nhiều phụ nữ buộc phải gánh vác tất cả. Theo một khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, các hộ gia đình có người nghiện rượu có tỷ lệ nghèo đói cao hơn 30% so với các hộ gia đình bình thường.

Để giải quyết vấn nạn “ma men”, cần có sự chung tay của cả chính quyền và cộng đồng. “Nhà nước cần siết chặt quản lý rượu bia bằng cách kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và bán rượu tự nấu, cấm bán rượu cho người đã có dấu hiệu nghiện. Tuyên truyền nâng cao nhận thức rộng khắp cho người dân, tổ chức nhiều chương trình truyền thông giáo dục về tác hại của rượu bia tại các địa phương để giúp người dân hiểu rõ. Ở vùng nông thôn, chính quyền địa phương cần giới thiệu, tạo thêm việc làm cho người dân. Đối với các trường hợp đã nghiện rượu, gia đình và chính quyền địa phương cần chung tay hỗ trợ cai nghiện rượu. Ngoài ra, cần có các trung tâm cai nghiện rượu miễn phí hoặc chi phí thấp để giúp người nghiện có cơ hội làm lại cuộc đời”, PGS-TS Phan Quang Thịnh đề xuất.

Nghiện rượu bia không chỉ là vấn đề cá nhân mà đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Nếu không có những biện pháp kiểm soát hiệu quả, vấn nạn này sẽ tiếp tục kéo theo những hệ lụy đau lòng, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn khó, làm suy giảm chất lượng sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, nghiện rượu ở vùng nông thôn không chỉ xuất phát từ thói quen cá nhân mà còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa, kinh tế, xã hội và sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ.

 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.