Cần sớm có chế tài xử nghiêm việc sử dụng đô-pinh trong thể thao
VĐV Trịnh Văn Vinh từng vô địch cử tạ thế giới hạng cân 62 kg bị cấm thi đấu bốn năm do sử dụng đô-pinh. Ảnh:TIẾN TUẤN |
Cuối năm vừa qua, bên cạnh những khó khăn vì dịch Covid-19, thể thao Việt Nam còn nhận thêm một tin đáng buồn khi Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) ra thông báo, cấm thi đấu quốc tế bốn năm (từ ngày 27-1-2021) với hai vận động viên (VĐV) trẻ của Hà Nội từng vô địch cử tạ trẻ thế giới năm 2019 là Nguyễn Thị Thu Trang (17 tuổi, hạng 45 kg nữ) và Bùi Đình Sáng (18 tuổi, 61 kg nam) do sử dụng đô-pinh.
Qua tìm hiểu, được biết vụ việc này xảy ra từ đầu năm 2020, khi hai VÐV trẻ Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Ðình Sáng theo chuyên gia cử tạ người Trung Quốc (được thuê đào tạo VÐV cử tạ cho Hà Nội) sang tập huấn tại Quảng Tây (Trung Quốc). Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn gửi Tổng cục Thể dục - Thể thao xin rút hai VÐV nêu trên khỏi đội tuyển trẻ quốc gia để về tham gia chuyến tập huấn nước ngoài bằng kinh phí của thành phố. Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Ðỗ Ðình Kháng, kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam, đối với các VÐV đã giành huy chương ở các cuộc thi đấu quốc tế, Tổ chức Phòng chống đô-pinh quốc tế (WADA) sẽ đều cấp ID để theo dõi, giám sát. Từ thông tin của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cung cấp, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam thông qua một phần mềm đã khai báo địa chỉ ăn nghỉ, tập huấn tại Trung Quốc của hai VÐV cử tạ trẻ của Hà Nội cho WADA. Từ đó, họ dựa trên thông tin được cung cấp để kiểm tra, giám sát nhằm phòng, chống các VÐV sử dụng đô-pinh. Theo luật của WADA, mỗi VÐV khi bị yêu cầu kiểm tra đô-pinh sẽ được từ chối hai lần, đến lần thứ ba mà không chịu xét nghiệm thì đương nhiên bị coi là đã sử dụng chất cấm. Khi các chuyên gia của WADA tới Quảng Tây để lấy mẫu máu của hai VÐV Việt Nam để kiểm tra, các chuyên gia cử tạ Trung Quốc đã không từ chối vì có thể không hiểu luật hoặc không ngờ chuyên gia quốc tế đến tận nơi tập huấn để tiến hành xét nghiệm đô-pinh đối với hai VÐV trẻ của Việt Nam.
Ðây không phải là lần đầu cử tạ Hà Nội mắc phải đô-pinh và dường như những sai phạm này đã mang tính hệ thống. Cũng trong năm 2019, nữ lực sĩ cử tạ Nguyễn Thị Phương Thanh của Hà Nội đã bị IWF phát hiện sử dụng đô-pinh và bị cấm thi đấu bốn năm từ tháng 2-2019 đến tháng 2-2023 và phải nộp phạt 5.000 USD. Cùng thời điểm phát hiện sai phạm của Nguyễn Thị Phương Thanh, nhà vô địch cử tạ thế giới hạng 62 kg là Trịnh Văn Vinh của Công an nhân dân đã bị IWF cấm thi đấu bốn năm và phạt 5.000 USD vì sử dụng đô-pinh khi đang tập huấn hồi cuối năm 2018. Án phạt coi như chấm dứt sự nghiệp thể thao của cả hai VÐV này vì khi được quay lại thi đấu cũng đã qua thời điểm thi đấu đỉnh cao. Trong khi đó, với việc bị phát hiện chất cấm, tương lai của hai tài năng trẻ cử tạ Việt Nam là Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 2003) và Bùi Ðình Sáng (sinh năm 2002) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyễn Thị Thu Trang từng giành Huy chương bạc Ô-lim-pích trẻ năm 2018 ở hạng 44 kg nữ. Trong năm 2019, Thu Trang tiếp tục thể hiện sự vượt trội khi giành ba Huy chương vàng tại Giải vô địch trẻ thế giới ở hạng 45 kg nữ với thành tích 66 kg cử giật, 75 kg cử đẩy và 141 kg tổng cử. Bùi Ðình Sáng cũng giành HCV cử giật hạng 61 kg nam tại Giải vô địch trẻ thế giới 2019 với mức tạ 113 kg và Huy chương đồng tổng cử với thành tích 243 kg.
Việc có thêm hai VÐV của Hà Nội bị phát hiện sử dụng đô-pinh, bộ môn cử tại Việt Nam có nguy cơ bị cấm tham dự Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2021 bởi theo quy định của IWF: "Nếu một quốc gia có từ ba VÐV trở lên dính đô-pinh trong thời gian diễn ra vòng loại, quốc gia đó có thể bị cấm tham dự Ô-lim-pích". Hiện nay, hai lực sĩ cử tạ nước ta là Thạch Kim Tuấn (xếp hạng năm vòng loại Ô-lim-pích của hạng cân 61 kg nam) và Hoàng Thị Duyên (xếp hạng bảy vòng loại Ô-lim-pích hạng cân 59 kg nữ) gần như đã giành được suất tham dự Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2021. Cử tạ hạng cân nhỏ, nhất là cử tạ nam, là một trong ít môn thể thao Việt Nam có nhiều hy vọng và khả năng cao giành huy chương tại Ô-lim-pích. Sự cố đô-pinh nghiêm trọng này nhiều khả năng khiến sự đầu tư chuẩn bị suốt bốn năm qua của rất nhiều VÐV, huấn luyện viên đội tuyển cử tạ quốc gia sẽ "mất trắng".
Cho đến lúc này, mặc dù vụ việc hai VÐV cử tạ trẻ Hà Nội bị cấm thi đấu đã diễn ra hai tháng và đã bước vào năm mới 2021, thế nhưng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vẫn chưa hề có kết luận chính thức. Ông Ðỗ Ðình Kháng, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cho biết: "Hiện nay, cả Tổng cục Thể dục - Thể thao và Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam vẫn chưa có chế tài cụ thể xử lý nghiêm khắc các VÐV, huấn luyện viên hay các đơn vị chủ quản để xảy ra những sự cố đô-pinh. Trước mắt, khi IWF cấm VÐV nào, Liên đoàn cũng như Tổng cục Thể dục - Thể thao chỉ áp dụng theo chứ chưa có chế tài phạt".
Thực tế, hầu như toàn bộ các giải thể thao trong nước đều không được kiểm tra đô-pinh vì Việt Nam chưa đủ điều kiện xét nghiệm, gửi mẫu đi kiểm tra thì rất đắt đỏ cho nên việc quản lý triệt để là rất khó khăn. Từ lâu nay, khi các VÐV được tập trung tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, Tổng cục Thể dục - Thể thao luôn làm công tác tuyên truyền giáo dục, phổ cập kiến thức về phòng, chống đô-pinh cho VÐV, cập nhật thường xuyên danh mục chất cấm. Ở các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia luôn có kế hoạch chi tiết, cụ thể về phòng ngừa đô-pinh, công khai các loại thực phẩm chức năng. Các bác sĩ tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia phải lường trước cả việc VÐV sử dụng thuốc chữa bệnh để phòng tránh nguy cơ bị kiểm tra đột xuất. Riêng trong năm 2020, Trung tâm đô-pinh và Y học Thể thao thuộc Tổng cục Thể dục - Thể thao đã tiến hành lấy 70 mẫu xét nghiệm từ các VÐV trọng điểm để gửi đi nước ngoài. Ðiều đáng nói là mặc dù chưa phát hiện trường hợp nào nhưng WADA đã tìm ra đến bốn trường hợp bị phát hiện sử dụng chất kích thích khi trở về tập huấn cho địa phương. Thực tế, đã có trường hợp VÐV vô tình bị đô-pinh do vô ý, chẳng hạn như ăn phải thịt lợn có chất tạo nạc. Như trong trường hợp của hai VÐV Hà Nội mới đây thì rõ ràng là đã dùng chất kích thích để nâng cao thành tích khi tập luyện.
Về sự cố đô-pinh đã xảy ra ở bộ môn cử tạ, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Ðức Phấn khẳng định: "Quan điểm của Tổng cục Thể dục - Thể thao là không chấp nhận VÐV dùng chất kích thích để nâng cao thành tích; thi đấu thể thao thành tích cao phải chiến thắng bằng ý chí, nghị lực, tinh thần. Sắp tới, Tổng cục Thể dục - Thể thao sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra đô-pinh ở các giải đấu trong nước, trước mắt sẽ là các môn nhạy cảm như cử tạ, điền kinh, bơi lội… bằng kinh phí Nhà nước và từ nguồn xã hội hóa. Tổng cục Thể dục - Thể thao cũng đang gấp rút xây dựng Thông tư quy định về phòng, chống đô-pinh trong hoạt động thể thao và sẽ sớm tổ chức lấy ý kiến công khai để hoàn thiện và ban hành". Cũng như ngành thể thao, dư luận và người hâm mộ hy vọng trong năm 2021, Thông tư này sẽ được hoàn thiện, sớm áp dụng để có chế tài xử lý nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong hoạt động thể thao tại Việt Nam.
(Theo nhandan.com.vn)