Thứ Bảy, 03/04/2021, 16:59 (GMT+7)
.

V-League hay cái 'lò xay thầy ngoại'?

Chuỗi trận đấu thất vọng của CLB Sài Gòn đã dẫn tới quyết định chẳng đặng đừng: Sa thải HLV người Nhật Bản, ông Masahiro Shimoda. V-League vắt qua tuổi 20, chưa bao giờ là miền đất hứa với thầy ngoại, tại sao thế?

Từng người tình bỏ ta đi…

Có ít nhất 4 HLV người nước ngoài đã và đang làm việc tại V-League 2021. Đó là Kiatisuk Senamuang (HAGL), Ljupko Petrovic (Đông Á Thanh Hóa), Alexandre Polking (TP.HCM) và Masahiro Shimoda vừa mới rời ghế ở Sài Gòn FC. Về lý mà nói, sự xuất hiện của các chuyên gia ngoại quốc (cùng HLV trưởng ĐTQG là Park Hang Seo), giúp cho nền bóng đá và các giải đấu có thêm màu sắc, đồng thời cũng là một cách thu hút nguồn lực.

Chúng ta chưa thể thành hình một nền bóng đá tự cường, nên việc tận dụng chất xám ngoại lực trên cabin BHL, cũng như lực lượng cầu thủ ngoại là cần thiết. Họ thực sự đã nâng tầm cho V-League và bóng đá Việt Nam.

Hãy bắt đầu bằng bộ đôi HLV Henrique Calisto (GĐT.LA) và Arihan (HAGL) ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên V-League. Cho đến thời điểm này, đây vẫn là 2 HLV ngoại thành công hiếm hoi, với tổng cộng 4 chức vô địch V-League chia đều cho mỗi người và 2 đội bóng. Giai đoạn 2003 – 2006, người hâm mộ thực sự thích thú khi chứng kiến màn so kè của “Gạch” và “Gỗ”. Phải đến mùa giải 2007, B.Bình Dương mới trở thành thế lực thách thức.

Năm 2008, HLV Calisto lần thứ 2 dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam và đó cũng là thời điểm kết thúc chu kỳ thành công của GĐT.LA. Độ chục năm qua, đội bóng của bầu Thắng lên xuống hạng như con nước và hiện đang chơi ở giải hạng Nhất quốc gia 2021. Trong khi đó, 16 năm sau thời Arihan, “Gỗ” cũng không có thêm danh hiệu nào, và là CLB thay HLV nhiều nhất V-League.

Đã có hàng chục ông thầy ngoại, đến rồi đi. Xa có cố HLV Alfred Riedl với Khánh Hòa, Hải Phòng... Gần đây, trước Masahiro Shimoda là Chung Hang Seo của CLB TP.HCM; trước ông Chung, sân Thống Nhất cũng chia tay Toshiya Miura - cựu thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam, và Alain Fiard - người từng làm trợ lý ở CLB lừng danh nước Pháp Auxerre. Vào thời điểm thôi không hợp tác với HLV Chung Hae Seong, HAGL từng hợp tác với một người Hàn Quốc khác là Lee Tae Hoon, nhưng cuối cùng cũng đường ai nấy đi…

au HLV Masahiro Shimoda, đến lượt ông thày ngoại nào đang làm việc tại V-League 2021 sẽ mất chức?
Sau HLV Masahiro Shimoda, đến lượt ông thầy ngoại nào đang làm việc tại V-League 2021 sẽ mất chức?

V-League 2017, bất kể từng giúp Thanh Hóa lần đầu tiên trong lịch sử đoạt ngôi á quân giải đấu cao nhất xứ sở, thì ông thầy tội nghiệp Ljupko Petrovic vẫn phải khăn gói quy cố hương, và chỉ mới được mời lại ở mùa giải 2021, khi đội bóng xứ Thanh trải qua đợt binh biến, từng dọa bỏ giải. Trận thua 1-3 trước SHB Đà Nẵng mới đây, khi chứng kiến “cán bộ” Hoàng Đình Tùng – trong khoảng thời gian chờ vào sân thay người, đã phải lao ra đường piste hò hét, có thể đoán được tương lai của HLV Petrovic, liệu còn bao nhiêu “nốt nhạc”?

Từ Henrique Calisto, đến Arihan, rồi Petrovic và gần nhất là các HLV người nước ngoài khác của 2 đội bóng Sài thành, các ông thầy của HAGL…, có thể thấy, thành hay bại thì việc thay người, làm mới cabin BHL cũng chỉ là vấn đề thời gian. Nó như một quy trình vậy và việc dọn đường cho người mới, giúp cho đồng tiền động và từ đó mới mong ra “sản phẩm”. Các ông thầy ngoại, với triết lý huấn luyện cấp tiến, đã đem đến dãi dất hình chữ S bao tinh hoa, cuối cùng cũng phải chịu chung cái kết.

Ghế HLV có mấy chân? Đương nhiên là 4, trong đó, cầu thủ nắm hết 3, chân còn lại thuộc về ông bầu hoặc những cánh tay nối dài của ông bầu. "Thuận thì sống, chống thì ra đường", mà thành tích của đội bóng, đôi khi chỉ là cái cớ. Có một điều chắc chắn rằng, ông bầu không bỏ một đống tiền ra để thuê những ông thầy ngoại chỉ để sắp “mắc-cơ” hay làm đẹp cabin BHL. Họ cần những tấm huy chương hay những chiếc Cúp, ngay lập tức.
 

Bóng đá Việt vẫn ăn xổi

Một kế hoạch vĩ mô “đi về phía mặt trời” của CLB Sài Gòn được vẽ ra, vài tuần trước khi mùa giải 2021 khởi tranh. Đó là các chiến lược hợp tác toàn diện với FC Tokyo, cùng một số đối tác Nhật Bản, từ khâu đào tạo trẻ, đến phát triển một đội bóng chuyên nghiệp. Và nó phải bắt đầu từ vấn đề con người, với “ê-kíp” HLV người Nhật Bản được mời về, thay thế cựu HLV kiêm chủ tịch Vũ Tiến Thành, rồi các cầu thủ Nhật như tiền đạo 40 tuổi Takasaki.

“Sẽ có khoảng 4 - 5 cầu thủ Nhật Bản đến với CLB Sài Gòn, đủ chất lượng để chinh chiến các đấu trường quốc nội và AFC Cup 2021”, đại diện của CLB Sài Gòn từng phát biểu chắc như đinh đóng cột như thế.

Vào thời điểm đó, HLV Masahiro Shimoda – một chuyên gia có uy tín của bóng đá Nhật Bản, cũng chia sẻ rằng, thành tích của CLB Sài Gòn trong 5 năm đầu tiên của chương trình hợp tác, không phải là mối bận tâm lớn. “Chúng tôi có những chiến lược dài hơi và sẽ đi cùng nhau cho sự phát triển của CLB nói riêng, và bóng đá Việt Nam nói chung”, ông Masahiro Shimoda nói. Thực tế, đã có một vài trao đổi – ký gửi cầu thủ diễn ra, như trường hợp của Cao Văn Triền.

Việc Masahiro Shimoda nửa đường đứt gánh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến “chiến lược hợp tác dài hơi”, vì bóng đá suy cho cùng là môn thể thao vị thành tích. Mà người Việt thường làm bóng đá lại rất ít kiên nhẫn. Họ muốn thành công ngay lập tức, bằng mọi giá, như cái cách của các ông bầu Đỗ Quang Hiển hay Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng…, từng làm. Bản thân bầu Trường ở V.Ninh Bình hay bầu Thụy của Xuân Thành Sài Gòn, bầu Thọ ở N.Sài Gòn, cũng gần như ngay lập tức có được thành công ở năm đầu.

Nhưng, bây giờ thì các ông bầu này đang ở đâu, đội bóng của họ đang ở đâu? Tất cả đều đã xóa sổ, sau chỉ một đêm, bởi hết đam mê rồi thì chia tay.

Một giai đoạn dài, bóng đá như một thứ bánh vẽ cho các dự án kinh tế. Và cầu thủ, bao gồm cả các ngoại binh và ngoại binh nhập tịch, cũng như HLV, được xem như các món đồ trang sức của ông bầu, để lấy le với thiên hạ, với địa phương vậy. Giai đoạn 2007-2012, chính là cực thịnh của V-League và đồng thời cũng là giai đoạn bão giá trên thị trường chuyển nhượng, nhập tịch thiếu kiểm soát và thiếu căn cơ, dẫn đến hệ lụy sau đó kéo dài hơn nửa thập niên (2012-2018), bóng đá Việt Nam thất bại toàn diện và bị bỏ lại.

Trở lại với cơ chế sử dụng chất xám ngoại lực, rõ ràng là từ cấp CLB đến các cấp độ ĐTQG, chúng ta không sẵn bất cứ cơ chế nào cho các HLV hay chuyên gia người nước ngoài. Thử hỏi, nếu không có thành công bất ngờ cùng U23 Việt Nam tại Thường Châu 2018, giải đấu tạo nên nguồn cảm hứng bất tận, và sau đó là AFF Suzuki Cup 2018…, HLV Park Hang Seo có được gia hạn hợp đồng không?!Chắc chắn là không, với bản hợp đồng thời vụ 1,5 năm.

Nếu các HLV nội vốn dĩ đã quá hiểu thuộc tính của bóng đá Việt Nam, tính cách của từng cầu thủ và của cả ông bầu, thì thầy ngoại, họ cần nhiều hơn thời gian. Vấn đề là không ai cho họ thêm thời gian cả. Những kế hoạch vĩ mô ở ngày “rước dâu” cũng chỉ là một loại bánh vẽ, với cách làm bóng đá kiểu ăn xổi ở thì. Nhưng, nói như HLV Phan Thanh Hùng, bóng đá là thế, nghề HLV là thế, làm được thì tiếp tục, không được thì chia tay, sao phải nặng nề.

Trong số 3 thầy ngoại còn lại, thì ghế của Kiatisuk Senamuang ở phố núi Pleiku là chắc nhất. “Zico Thái” cũng là người có kinh nghiệm hơn một lần… thôi việc từ hơn chục năm trước. Với Ljupko Petrovic (Đông Á Thanh Hóa) và Alexandre Polking (TP.HCM), chúng ta có thể đếm ngược từ bây giờ.

“Tôi có gặp một vài vấn đề với Liên đoàn, trong cách làm việc của họ. Đó là lý do tôi không thể gia hạn hợp đồng, sau khi trở về từ AFF Suzuki Cup 2010. Không có chuyện học trò phản tôi, không có chuyện họ bán độ. Tôi luôn tin tưởng tuyệt đối các cầu thủ của mình”, chia sẻ của HLV Henrique Calisto với Thể thao & Văn hóa, khi ông quay lại Việt Nam, tham gia một talk show truyền hình.

Tuy nhiên, giới thạo tin cũng chỉ tin… một nửa những gì ông “Tô” nói. Làm việc trong môi trường bóng đá Việt Nam, đôi khi người sa thải HLV không phải là ông chủ, mà chính là đội ngũ cầu thủ. Họ không chịu đá đã là dở rồi, mà còn phá. Thế mới có câu nói nổi tiếng: “Các anh bán trận này bao nhiêu?!”


(Theo https://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet-nam/vleague-hay-cai-lo-xay-thay-ngoai-n20210402001328156.htm)

.
.
.