.

Sân vận động ở cơ sở: Làm gì để hoạt động hiệu quả?

Cập nhật: 09:17, 29/05/2021 (GMT+7)

Thời gian qua, nhiều sân vận động (SVĐ) ở các xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa từ nguồn kinh phí của tỉnh, nhưng do nhiều nguyên nhân chưa được khai thác hiệu quả.

NHIỀU SÂN ĐƯỢC ĐẦU TƯ

Tính từ năm 2008 đến cuối năm 2010, toàn tỉnh Tiền Giang có 33 xã được đầu tư xây dựng sân bãi tập luyện thể dục thể thao (TDTT) theo Nghị quyết 140/2007 của HĐND tỉnh; trong đó xây dựng mới 16 SVĐ, nâng cấp, sửa chữa 17 SVĐ. Toàn tỉnh có 68/169 xã, phường, thị trấn có SVĐ để tập luyện TDTT. Từ nguồn kinh phí của tỉnh, mỗi năm hầu hết các huyện đều có kế hoạch đầu tư xây dựng SVĐ hoặc nâng cấp, sửa chữa sân bãi tập luyện TDTT ở các xã đã có từ trước từ nguồn kinh phí sự nghiệp TDTT của huyện, xã.

Cụ thể, huyện Cai Lậy xây mới 3 sân, nâng cấp, sửa chữa 3 sân; huyện Tân Phước xây mới 3 sân; huyện Gò Công Đông xây mới 2 sân, nâng cấp, sửa chữa 1 sân; huyện Chợ Gạo xây mới 4 sân; huyện Cái Bè xây mới 1 sân, nâng cấp, sửa chữa 4 sân; huyện Châu Thành nâng cấp, sửa chữa 4 sân; huyện Tân Phú Đông xây mới 2 sân, nâng cấp, sửa chữa 2 sân; huyện Gò Công Tây nâng cấp, sửa chữa 3 sân; TX. Gò Công xây mới 1 sân.

Trong năm 2012 và 2013, huyện Tân Phú Đông, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây xây mới thêm mỗi huyện 1 SVĐ cấp xã. Một số xã, phường không có SVĐ khai thác chung sân bãi trên địa bàn để tổ chức các giải và làm nơi tập luyện cho nhân dân.

SVĐ xã Song Thuận gần như bỏ hoang, cỏ mọc um tùm do ít hoạt động.
SVĐ xã Song Thuận gần như bỏ hoang, cỏ mọc um tùm do ít hoạt động.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Thị Kim Chi, thời gian qua, công tác đầu tư cơ sở vật chất được tập trung thực hiện đạt kết quả tốt. Từ nguồn kinh phí của tỉnh đã giúp cho địa phương xây dựng được nhiều SVĐ đạt chuẩn, tạo được nhiều sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên, học sinh, nhân dân sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện, nâng cao sức khỏe, phục vụ học tập, lao động sản xuất.

Đồng thời, các SVĐ là nơi để tổ chức các hoạt động thi đấu, biểu diễn các môn thể thao: Bóng đá, bóng chuyền, võ thuật, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian… gắn với các ngày lễ, ngày tết, ngày truyền thống của địa phương, tạo được mối giao lưu học tập, đoàn kết giữa các huyện, xã trong và ngoài tỉnh.

KHAI THÁC CHƯA HIỆU QUẢ

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là từ sau năm 2014 đến nay, hoạt động của các SVĐ ở cơ sở có nhiều hạn chế. Theo Sở VH-TT&DL, trong 68 SVĐ cơ sở trên toàn tỉnh, hiện có 5 SVĐ bị chuyển sang mục đích sử dụng khác; 8 SVĐ bị công trình xây dựng, đường giao thông công cộng sử dụng và người dân lấn chiếm một phần; 14 SVĐ chính quyền địa phương không tổ chức hoạt động và người dân ít đến tập luyện; có 21 SVĐ chính quyền địa phương tổ chức hoạt động theo kế hoạch hằng năm; 20 SVĐ chính quyền địa phương tổ chức hoạt động rất tốt, người dân thường xuyên đến tập luyện.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ thống kê thực trạng các SVĐ ở các nơi bị lấn chiếm, thay đổi mục đích sử dụng và đề xuất hướng xử lý; đánh giá công tác quản lý, khai thác, sử dụng các SVĐ trên địa bàn để có kế hoạch đề xuất xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất TDTT, bổ sung kinh phí hoạt động để các SVĐ ở cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều SVĐ ở cơ sở ít được khai thác sử dụng dẫn đến “bỏ hoang” cỏ mọc um tùm. Đơn cử là SVĐ xã Song Thuận (huyện Châu Thành) có diện tích 5.000 m2 ở ấp Đông Hòa, hiện cây, cỏ mọc um tùm khắp sân.

Theo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh (VH-TT&TT) huyện Châu Thành, SVĐ xã Song Thuận cùng với SVĐ ở các xã Nhị Bình, Tân Lý Đông là 3/8 SVĐ không hoạt động, đang bị lấn chiếm. Trong đó, SVĐ Song Thuận là 1 trong 4 sân (cùng với các SVĐ các xã Tân Lý Tây, Tam Hiệp và thị trấn Tân Hiệp) được nâng cấp, sửa chữa từ nguồn kinh phí của tỉnh.

Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Châu Thành Lê Đình Linh Vũ cho biết: “SVĐ Song Thuận trước đây được đầu tư xây dựng nâng cấp để “đón đầu” nhu cầu tập luyện của công nhân sau giờ làm việc nhưng không hiệu quả do công nhân ít tập luyện. Mặt khác, kinh phí sự nghiệp thể thao ở xã hằng năm không đủ để chi cho công tác bảo dưỡng sân”.

Tương tự, huyện Tân Phú Đông có 5/6 xã có SVĐ; trong đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng mới SVĐ ở các xã  Phú Tân, Tân Thạnh và sửa chữa SVĐ ở các xã Tân Phú, Phú Đông. Song đến nay, chỉ có SVĐ Phú Đông hoạt động hiệu quả,  thường xuyên được chọn để tổ chức các hoạt động TDTT cấp huyện. Các SVĐ còn lại chủ yếu hoạt động “theo mùa” khi diễn ra các hội thao, đại hội TDTT các cấp. Riêng SVĐ Tân Thạnh có nền hạ thấp thường xuyên bị ngập nước do đó ít hoạt động.

Theo Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Phú Đông Nguyễn Hoàng Nhựt, các SVĐ ở cơ sở đa phần có sân bãi đơn giản, nền hạ không bằng phẳng, hệ thống khung thành, lưới… khi tổ chức hoạt động mới được trang bị. Cùng với đó, huyện có 3 SVĐ cơ sở không đủ diện tích là Phú Thạnh, Tân Phú, Phú Tân sẽ được chuyển làm Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã.

ĐỂ KHÔNG BỊ LÃNG PHÍ

SVĐ ở cơ sở do Nhà nước đầu tư đang phải “cạnh tranh” với các SVĐ do tư nhân đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở kinh doanh đầu tư sân bãi cho hoạt động thể thao, nhất là sân cỏ nhân tạo bóng đá mini, với hơn 110 sân nên người dân có thêm lựa chọn sân bãi trong tập luyện TDTT. Do đó, các SVĐ ở cơ sở giảm số lượng người đến tập luyện. Mặt khác, SVĐ ở cơ sở bị xuống cấp, cần kinh phí đầu tư bảo dưỡng lớn, trong khi nhu cầu người dân không nhiều.

Trước tình hình trên, nhiều địa phương đã linh hoạt đẩy mạnh công tác xã hội hóa qua việc cho tư nhân đầu tư khai thác như ở SVĐ thị trấn Tân Hiệp (huyện Châu Thành). Sân được cho tư nhân quản lý và đầu tư kinh phí cải tạo, bảo dưỡng mặt cỏ, tổ chức các hoạt động huấn luyện, tổ chức thi đấu.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm VH-TT&TT các địa phương, công tác xã hội hóa ở các SVĐ hoặc cơ sở vật chất thể thao do Nhà nước đầu tư còn nhiều khó khăn do vướng mắc cơ chế thu chi tài chính dẫn đến gây khó khăn cho các đơn vị quản lý về kinh phí bảo dưỡng, nâng cấp, duy trì hoạt động của các sân.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, Sở VH-TT&DL sẽ kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế khuyến khích phát huy tính tự chủ trong quản lý, khai thác, sử dụng các SVĐ ở cấp huyện, cấp xã tránh lãng phí; có quy chế quản lý chung đối với các SVĐ ở cơ sở, tránh tình trạng thiếu thống nhất như hiện nay; tăng cường đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa mặt sân và làm tường rào quanh sân, tránh các trường hợp lấn chiếm.

Cùng với đó, UBND cấp huyện có trách nhiệm xây dựng lại các sân đã chuyển sang sử dụng mục đích khác; thu hồi lại diện tích đất ở các sân bị lấn chiếm; chuyển đổi các sân không hoạt động sang vị trí khác thuận lợi hơn hoặc mời gọi xã hội hóa thuộc lĩnh vực thể thao theo Nghị quyết 101/2014 ngày 12-12-2014 của HĐND tỉnh.

CAO THẮNG

.
.
.