.
BÓNG ĐÁ VIỆT NAM:

Cần nâng cao nền tảng từ các câu lạc bộ

Cập nhật: 10:07, 16/07/2021 (GMT+7)

Câu lạc bộ (CLB) Viettel đã không thể tạo bất ngờ khi dừng bước ở vòng bảng AFC Champions League. Thất bại của các CLB bóng đá Việt Nam trong những năm qua đặt ra một dấu hỏi về việc phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam.

Có thể nói, AFC Champions League là một thước đo chính xác nhất về trình độ và tham vọng của nền bóng đá các quốc gia châu Á. Bởi giải đấu là nơi hội tụ các ngôi sao hàng đầu các quốc gia. Ở đó, các đội bóng mang đến giải đấu nhiều nội binh chất lượng, trong đó phần lớn là trụ cột của đội tuyển quốc gia.

CLB Viettel (áo trắng) đã không thể  tạo nên bất ngờ ở AFC Champions League. Ảnh: Vietnamnet.vn
CLB Viettel (áo trắng) đã không thể tạo nên bất ngờ ở AFC Champions League. Ảnh: Vietnamnet.vn

Do đó, sự thành công của CLB bóng đá tại AFC Champions League phần nào cho thấy khả năng của các cầu thủ và phản ánh được sức mạnh của đội tuyển quốc gia mà CLB đó trực thuộc. Ngoài ra, AFC Champions League còn là thước đo khá chính xác cho sự chênh lệch trình độ của các giải bóng đá chuyên nghiệp của các quốc gia.

Bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB vẫn chưa thể “làm nên chuyện” tại AFC Champions League, khi các đại diện của Việt Nam vẫn còn “mang danh” lót đường. Các ông lớn của bóng đá Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng, Becamex Bình Dương, Đồng Tâm Long An… đều phải dừng bước ở vòng bảng “C1 châu Á”; trong đó, có đội đã nhận đến 15 bàn thua trong một trận đấu.

CLB Viettel là đại diện tham dự AFC Champions League 2021 và đã rơi vào bảng đấu rất khó, với sự tham dự của các đội bóng rất mạnh. Trong đó, “ông lớn” của bóng đá châu Á Ulsan Hyundai là đương kim vô địch giải đấu. Cùng với đó, Viettel còn phải đối mặt với đại gia mới nổi, là đương kim vô địch của Thai League CLB Pathum.

Chỉ có CLB Kaya đến từ Philippines là được đánh giá thấp hơn Viettel. Dù vậy, CLB Viettel vẫn nhận được sự kỳ vọng lớn từ người hâm mộ tại giải đấu hàng đầu châu lục dành cho CLB. Song, CLB Viettel đã không thể tạo nên bất ngờ khi lần lượt thất bại trước Ulsan Hyundai và Pathum. CLB Viettel chỉ giành được điểm nhờ 2 trận thắng trước Kaya vốn được xem là yếu hơn. Chung cuộc, đại diện của Việt Nam đã rời giải với 4 trận thua và 2 trận thắng đứng vị trí thứ 3.

Thất bại của CLB Viettel đã chỉ ra bóng đá Việt Nam dường như đang bỏ quên việc bồi dưỡng các CLB quốc nội để đủ sức cạnh tranh ở đấu trường quốc tế. Dù Đội tuyển Việt Nam đang có thành tích tốt ở các giải đấu lớn gần đây, nhưng muốn phát triển bền vững thì bóng đá Việt Nam cần có những CLB thuộc tầm cỡ châu lục.

Các CLB bóng đá của Việt Nam hiện tại đang bị tụt lại khá xa với các CLB ở các quốc gia khác. Điều đáng nói là các cầu thủ Việt Nam có rất ít cơ hội thi đấu ở các CLB nước ngoài nên các đấu trường như AFC Champions League là một cơ hội rất quý để trui rèn bản lĩnh thi đấu quốc tế khi tập trung ở đội tuyển quốc gia.

Mặt khác, nếu có nhiều CLB bóng đá thi đấu tốt ở đấu trường châu lục sẽ là nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng cho Đội tuyển Việt Nam. Nên nhớ rằng, cả 4 đội dự World Cup 2018 của châu Á điều là các quốc gia có CLB đoạt chức vô địch AFC Champions League nhiều nhất.

Nếu gọi đội tuyển quốc gia là bộ mặt thì chất lượng hệ thống thi đấu quốc nội và các CLB trong nước chính là nền tảng sức mạnh của một nền bóng đá. Trình độ bóng đá của các quốc gia châu Á hiện tại cho thấy rằng, một đội tuyển quốc gia mạnh sẽ có các CLB thuộc tốp mạnh của châu lục. Thành tích của đội tuyển quốc gia sẽ khó bền vững nếu không có nền tảng từ các CLB đủ sức cạnh tranh ở các giải đấu châu lục.

CAO THẮNG

.
.
.