Bóng đá ngày càng trở nên "lạnh lẽo" và thực dụng
(ABO) Bóng đá hiện đại đã không còn “lãng mạn” khi mà những tượng đài của các đội bóng lớn không thể kết thúc sự nghiệp của mình ở nơi mà họ xem là ngôi nhà thứ hai. Bóng đá đang dần trở nên thực dụng và “lạnh lẽo” hơn những gì mà bộ môn này đã có để thu hút đông đảo cổ động viên.
Đối với các fan bóng đá lâu năm sẽ không khó khi trả lời câu hỏi về đâu là những cầu thủ trung thành nhất thì sẽ rất dễ để kể ra những cái tên như: Totti (AS Roma), Maldini (AC Milan), Paul Scholes, Ryan Giggs (Manchester United), Gerrard, Carragher (Liverpool), Puyol (Barcelona)… Những cầu thủ đã gắn bó trọn cuộc đời cầu thủ của mình với câu lạc bộ mà họ yêu quý.
Nhiều câu chuyện đáng ngưỡng mộ về tình yêu của các cầu thủ dành cho đội bóng của mình vượt lên trên cả giá trị kim tiền. Đối với các cầu thủ thời điểm ấy tình yêu dành cho câu lạc bộ là cao hơn tất cả.
Chắc ai cũng biết câu chuyện về Paul Scholes gần như không quan tâm đến mức lương của mình ở mỗi lần gia hạn hợp đồng cũng như không cần thương thuyết. Manchester United soạn sẵn hợp đồng thì tiền vệ tài hoa người Anh sẽ đặt bút ký. Trong giai đoạn 2013, Manchester United gặp khó khăn về nhân sự thì Paul Scholes lập tức trở lại thi đấu dù trước đó đã tuyên bố giải nghệ. Qua đó, anh có mùa giải cuối của sự nghiệp đầy vinh quang bằng chức vô địch Premier League với Quỷ đỏ.
Một "tượng đài" lớn của bóng đá đương đại như Messi cũng không thể lớn hơn lợi ích của câu lạc bộ. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Còn ở Serie A, Maldini của AC Milan và Totti của AS Roma là hai tượng đài bóng đá của đất nước hình chiếc ủng. Cả hai đều gắn bó với đội bóng mình trên 20 năm và không hề có bất cứ thái độ nào về việc chuyển câu lạc bộ. Ngược lại, câu lạc bộ của hai cầu thủ này đều rất tôn trọng những “huyền thoại” của mình khi luôn tạo điều kiện cho các “tượng đài” tiếp tục thi đấu trong màu áo thân quen. Đơn cử như việc sau Maldini giải nghệ, chiếc áo số 3 của anh được AC Milan treo vĩnh viễn để ghi nhớ những đóng góp của cầu thủ này cho sự thành công của đội bóng thành Milan.
Những câu chuyện kể trên là những gì có thể nói là “còn sót lại” về sự “lãng mạn” mà bóng đá mang lại. Sự lãng mạn ở đây không phải là vấn đề tình cảm đơn thuần mà là tình yêu và sự tôn trọng của câu lạc bộ đối với các “huyền thoại” của mình và ngược lại. Tuy nhiên, những năm gần đây những câu chuyện đầy “màu hồng” như thế đã không còn xuất hiện. Nhiều tượng đài lớn của các câu lạc bộ danh giá đã phải rời đi trong nước mắt hoặc do không thể vượt qua rào cản của kim tiền.
Ở La Liga, Iker Casillas không chỉ là tượng đài của Real Madrid mà còn là một trong những cái tên góp phần tăng độ nhận diện của giải đấu. Sau 16 năm thi đấu ở đội một, Casillas đã đồng hành cùng Real Madrid trên mọi khung bậc vinh quang và thất bại nhưng đổi lại là sự “hất hủi” khi anh vào chặng cuối của sự nghiệp. Casillas trở thành người thừa trong kế hoạch cải tổ của Real Madrid và phải chấp nhận ra đi trong nước mắt dù rất muốn giải nghệ trong màu áo của “kền kền trắng”.
Hay gần đây nhất, Lionel Messi người mà khi nhắc tên người ta sẽ nhớ ngay đến Barcelona và cả La Liga. Một biểu tượng “vĩ đại” nhất mà Barcelona từng sở hữu đã phải “khăn gói” rời “ngôi nhà” mà anh đã gắn bó từ khi còn là thiếu niên. Và còn nhiều những tượng đài khác đã không thể kết thúc sự nghiệp của mình trong màu áo câu lạc bộ yêu quý.
Có rất nhiều lý do để bóng đá những năm gần đây không còn “tình cảm” như ngày xưa. Nhưng giá trị kinh tế vẫn là lý do lớn nhất khiến cho mọi “cuộc tình” giữa các câu lạc bộ và cầu thủ hiện nay dù lớn đến đâu cũng bị đổ vỡ. Không giống như thời gian trước, tình yêu của cầu thủ dành cho các câu lạc bộ và ngược lại không còn lớn hơn giá trị kinh tế. Các câu lạc bộ lớn dù muốn giữ chân các trụ cột của mình nhưng lý do tài chính vẫn được xem là quan trọng hơn như vụ việc của Lionel Messi vừa qua dù cầu thủ này đã đồng ý giảm 50% lương.
Mặt khác, các cầu thủ cũng ưu tiên chọn mức lương tốt hơn là tình yêu và sự gắn bó với câu lạc bộ đã làm nên tên tuổi của mình. Cá biệt có những truòng hợp cầu thủ còn để việc đàm phán lương thưởng ảnh hưởng đến thái độ thi đấu như những lùm xùm của Pogba trong màu áo Manchester United.
Bóng đá ngày nay đang dần trở nên thực dụng hơn và những câu chuyện “lãng mạn” trong bóng đá cũng dần ít đi. Vấn đề giá trị kinh tế hiện nay gần như được đặt lên trên tất cả, do đó bóng đá ngày nay sẽ không có nhiều “cầu thủ” mang tính biểu tượng cho một câu lạc bộ như trước đây.
CAO THẮNG