.

Cần rút ngắn khoảng cách của chính mình

Cập nhật: 09:22, 07/08/2021 (GMT+7)

Đoàn Thể thao Việt Nam đã có kỳ Olympic không thành công khi trắng tay rời đấu trường thể thao danh giá nhất thế giới. Việc các vận động viên (VĐV) Việt Nam trắng tay không chỉ cho thấy khoảng cách về trình độ so với thế giới còn lớn, mà khoảng cách của thế hệ tiếp nối vẫn còn quá xa.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2021 với 18 VĐV, trong đó có nhiều VĐV tham dự giải thể thao danh giá nhất hành tinh thuộc dạng chuẩn B Olympic. Cùng với đó, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng không có quá nhiều thế mạnh khi niềm hy vọng huy chương chủ yếu tập trung ở 3 bộ môn Bắn súng, Cử tạ và Taekwondo.

Tay vợt Thùy Linh là một trong những điểm sáng hiếm hoi của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2021. 	Ảnh: Vietnamnet.vn.
Tay vợt Thùy Linh là một trong những điểm sáng hiếm hoi của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2021. Ảnh: Vietnamnet.vn.

Tuy nhiên, các VĐV của Đoàn Thể thao Việt Nam đều lần lượt nhận thất bại tại các nội dung thi đấu. Nếu theo dõi các trận đấu có sự góp mặt của các VĐV Việt Nam, chúng ta sẽ thấy chênh lệch trình độ của các VĐV Việt Nam so với các VĐV đẳng cấp thế giới rất lớn. Khoảng cách về phong độ và kỹ năng thi đấu của các VĐV hàng đầu thế giới gần như áp đảo hoàn toàn các VĐV của Việt Nam, nhất là ở các bộ môn như Bắn cung, Bơi lội nữ, Điền kinh…

Nếu nhìn về thành tích của kỳ SEA Games gần nhất chúng ta sẽ thấy rõ được về đẳng cấp của các VĐV hiện tại so với phần còn lại của thế giới. Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games đã thi đấu rất thành công khi giành nhiều huy chương, nhất là ở các bộ môn Olympic như Bơi lội, Điền kinh, Taekwondo… với những VĐV được xem là “ông lớn” của đấu trường khu vực như: Nguyễn Thị Ánh Viên, Kim Tuyền, Thạch Kim Tuấn…

Qua thành tích của SEA Games, Việt Nam có thể xem là có lực lượng VĐV hàng đầu khu vực nhưng lại khá chật vật trong việc tranh tấm vé chính thức đến với Olympic. Khi vào các nội dung chính thức, nhiều VĐV của Việt Nam bị các đối thủ bỏ rất xa và không thể giành được quyền thi đấu ở lượt trận chung kết. Những kết quả trên cho thấy, thể thao Việt Nam vẫn chưa thực sự “vươn tầm”.

Dù vậy, ở Olympic vừa qua, các VĐV Việt Nam vẫn cho thấy những điểm sáng rất đáng chú ý ở một số bộ môn. Ở bộ môn Bơi lội, kình ngư Huy Hoàng đã tạo được nhiều ấn tượng với thành tích rất đáng ghi nhận và cho thấy tiềm năng của mình.

Ở bộ môn Cầu lông, tay vợt Thùy Linh đã có phong độ khá ấn tượng khi giành 2 chiến thắng và chỉ để thua 1 trận duy nhất trước tay vợt số 1 thế giới của Đài Bắc - Trung Quốc. VĐV Quách Thị Lan cũng đã tạo nên bất ngờ khi là VĐV Việt Nam đầu tiên vào đến vòng Bán kết của nội dung chạy vượt rào.

Việc thi đấu không thành công của Đoàn Thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhiều lý do. Trong đó, lý do lớn nhất và ảnh hưởng nhất chính là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong gần 2 năm qua. Các giải đấu thể thao đều phải chịu biến động về lịch thi đấu khiến cho cơ hội cọ xát của các VĐV Việt Nam gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị cũng như tích lũy kinh nghiệm thi đấu.

Tuy nhiên, khó khăn kể trên cũng là khó chung của tất cả các đoàn thể thao tham dự Olympic lần này. Nếu chỉ xét ở Đông Nam Á, các quốc gia trong khu vực đang có thành tích khá tốt ở Olympic Tokyo 2021 dù gặp nhiều khó khăn khi Indonesia giành 1 Huy chương Vàng (HCV), 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng (HCĐ); Thái Lan 1 HCV; Phillipines 1 HCV; Malaysia có 1 HCĐ…

Có thể nói, Đông Nam Á đã có một kỳ Olympic thành công khi các đoàn thể thao trong khu vực giành được nhiều huy chương. Nhưng trong đó, Đoàn thể thao Việt Nam vẫn để lại nhiều đáng tiếc khi không thể giành được huy chương.

Ở đấu trường Olympic, Đoàn Thể thao Việt Nam không chỉ hụt hơi so với thế giới hay các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á, mà còn hụt hơi đối với chính mình. Nhìn dàn VĐV trẻ tài năng của các nước trong khu vực tranh chấp huy chương với các đối thủ hàng đầu thế giới mới thấy khoảng trống của thể thao Việt Nam là lớn đến thế nào.

Nhìn vào những cái tên đã quá đỗi quen thuộc như Xuân Vinh, Tiến Minh, Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn… dễ thấy rằng thể thao Việt Nam vẫn chưa thể rút ngắn được khoảng cách giữa thế hệ kế cận với thế hệ hiện tại. Nhiều bộ môn đã nhiều năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa tìm được gương mặt mới để tranh tài ở đấu trường thế giới như ở bộ môn Bắn súng, Cầu lông.

VĐV Hoàng Xuân Vinh đã 47 tuổi, còn tay vợt Tiến Minh đã 38 tuổi, những độ tuổi gần như đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp nhưng vẫn đang “miệt mài” trong màu áo Đội tuyển Quốc gia thi đấu ở Olympic. Do đó, phong độ và thành tích của các bộ môn thế mạnh bị ảnh hưởng lớn và chưa đáp ứng được kỳ vọng là điều dễ hiểu.

Thể thao Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để “vươn tầm” và rút ngắn khoảng cách so với các quốc gia hàng đầu hiện nay. Nhưng trên hết, thể thao Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách của chính mình.

CAO THẮNG

.
.
.