Hàng thủ không còn là bệ đỡ vững chắc cho lối chơi
(ABO) Dưới thời của HLV Park Hang-seo, hàng thủ của Đội tuyển Việt Nam trở thành một “chiến tuyến” quan trọng cho mọi trận đấu. HLV người Hàn Quốc với triết lý của mình đã thồi vào lối chơi của Đội tuyển Việt Nam phần nào đó hình ảnh phòng thủ của Đội tuyển Hàn Quốc cách đây 19 năm ở World Cup 2002.
Cách chơi phòng ngự nhưng vẫn chủ động trong việc chuyển đổi trạng thái chứ không phải chịu trận đã giúp bóng đá Việt Nam gặt hái những thành công nhất định. Các cấp độ đội tuyển Việt Nam đều cho thấy sự khó chịu của mình trước các đối thủ lớn.
Trong lối chơi phòng thủ phản công của “thầy Park”, phòng thủ là vấn đề tiên quyết và mang tính nền tảng cho mọi hướng phát triển đấu pháp trong trận đấu. Sự vững chãi nơi hàng thủ giúp cho HLV Park Hang-seo và các học trò có thể an tâm tìm cách tiếp cận khung thành của đối thủ.
Tuy nhiên, những trận đấu gần đây “đoàn quân” của HLV Park Hang-seo đã không còn giữ vững “chiến tuyến” mang tính nền tảng cho lối chơi này. Hàng thủ của Đội tuyển Việt Nam đang mắc quá nhiều sai số ở 4 trận đấu đầu tiên của Vòng loại World Cup 2022. Gọi là sai số bởi cách chơi mà HLV Park Hang-seo chỉ đạo cho các cầu thủ vẫn không có quá nhiều thay đổi nhưng gặp nhiều sự cố khi vận hành.
Các cầu thủ phòng ngự của Đội tuyển Việt Nam (áo trắng) đã mắc quá nhiều sai số trong những trận đấu vừa qua. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Trong 4 trận đấu, Đội tuyển Việt Nam đã phải nhận tới 2 quả penalty và hàng thủ đã phải nhận một thẻ đỏ. Những tình huống kể trên đã góp phần trực tiếp vào 2 trận thua của Đội tuyển Việt Nam trước Saudi Arabia và Oman với cùng tỷ số 1-3.
Sự “vụng về” của các cầu thủ Việt Nam trước những công nghệ hiện đại như VAR đã được cảnh báo khi V-League vẫn chưa thể đồng bộ về công nghệ như nhiều giải đấu khác ở châu Á. Việc làm quen với VAR ở cấp độ cao như vòng loại cuối của World Cup có lẽ như đang là thử thách lớn nhất của các cầu thủ Việt Nam. Các hậu vệ đã có nhiều động tác thừa để dẫn đến các lỗi đáng tiếc.
Cùng với đó, việc thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng đã khiến cho HLV Park Hang-seo gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay tua. Ngọc Hải là cầu thủ duy nhất có thể góp mặt ở đủ cả 4 trận đấu vừa qua. Những cầu thủ còn lại của hàng phòng thủ Việt Nam thì người chấn thương như Đình Trọng, Thành Chung, Trọng Hoàng, Tiến Dũng…, người thì treo giò do thẻ đỏ như Duy Mạnh.
HLV Park Hang-seo dù có tài năng đến đâu cũng rất khó để cân bằng hàng thủ thiếu quân như thế. Có thể nói, việc thiếu người do chấn thương chính là những vết thủng lớn mà HLV Park Hang-seo không thể tìm được mảnh vá hoàn chỉnh.
Bởi, những cầu thủ trẻ khi được trao cơ hội thì lại tỏ ra quá non nớt không thể đáp ứng ngay được yêu cầu chiến thuật. Thanh Bình có lẽ là “nạn nhân” hơn là tội đồ trong trận thua Trung Quốc 2-3. Cầu thủ trẻ này là “nạn nhân” khi hàng thủ của Đội tuyển Việt Nam không còn người thay thế do Tiến Dũng gặp chấn thương. Sự non nớt của Thanh Bình đã bị đối thủ khai thác một cách triệt để để liên tục ghi hai bàn thắng và giành chiến thắng chung cuộc.
Lực lượng bổ sung không thể đảm bảo ngay yêu cầu về chuyên môn chính là nguyên nhân lớn nhất để HLV Park Hang-seo chưa thể điều chỉnh hàng thủ của Đội tuyển Việt Nam. Có thể nói rằng, hàng thủ của Đội tuyển Việt Nam đang rất “dễ bị tổn thương” bằng ngay ở những tình huống đơn giản nhất.
Các sai số liên tiếp xảy ra đã khiến cho hàng phòng thủ không còn là bệ đỡ vững chắc cho lối chơi của Đội tuyển Việt Nam. Dù HLV Park Hang-seo đã có những sự tăng cường nhân lực từ U23 nhưng sẽ rất khó để các cầu thủ trẻ này có thể bắt nhịp ngay với Đội tuyển.
Đặc biệt, đối thủ sắp tới là Đội tuyển Nhật Bản với nhiều cầu thủ hàng đầu đang thi đấu tại châu Âu thì việc thử nghiệm những nhân tố mới là quá mạo hiểm. Lợi thế duy nhất của Đội tuyển Việt Nam hiện tại trước đối thủ hiện tại chỉ là việc di chuyển ít và thi đấu trên sân nhà. Hy vọng rằng, HLV Park Hang-seo có thể tìm ra được lời giải tối ưu nhất giúp cho hàng thủ và lối chơi của Đội tuyển Việt Nam chặt chẽ hơn.
GIAI NGHI