Hướng đến Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2021: Nước mắt cho ngày vui lớn
Một ngày vui với đầy... nước mắt hạnh phúc trong ngày đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023; từ nhà cầm quân lão làng như ông Mai Đức Chung (72 tuổi) cho đến toàn bộ những cầu thủ đáng tuổi cháu của ông, đều khóc rất nhiều vì hạnh phúc và khóc vì những thiệt thòi của bóng đá nữ suốt hơn 20 năm qua cho ngày lịch sử.
Kể ra những thiệt thòi của bóng đá nữ thì nhiều lắm và ngay cả khi các cô gái của chúng ta có làm nên lịch sử dự World Cup thì có lẽ mọi thứ cũng sẽ chẳng thay đổi nhiều. Khán đài ở những nơi họ thi đấu cũng sẽ trống vắng, dòng tiền tài trợ vẫn chẳng thấm vào đâu so với bóng đá nam và số lượng CLB khó mà tăng lên trong các năm tới.
Có những khó khăn thuộc về khách quan, nên không thể ngày một, ngày hai mà chuyển biến. Cách thực tế nhất để giảm bớt những thiệt thòi của bóng đá nữ không phải là mơ mộng về một ngày bóng đá nữ sẽ “bằng anh, bằng em” với bóng đá nam, mà là cần có những hành động thiết thực, nhanh chóng để hỗ trợ cho cầu thủ nữ, ít nhất là ở khía cạnh tinh thần.
Giải vô địch bóng đá nữ đầu tiên chỉ mới bắt đầu từ năm 1998, nhưng đến năm 2001, những nhà tổ chức Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đã quyết định “kết nạp” bóng đá nữ vào ngôi nhà chung với việc tiền đạo Lưu Ngọc Mai đoạt danh hiệu Quả bóng đồng. Một năm sau, hạng mục dành riêng cho bóng đá nữ ra đời. Cũng cần biết rằng, ngay ở bình diện thế giới, thì năm 2001 cũng chỉ mới là lần đầu tiên FIFA tổ chức vinh danh cầu thủ nữ xuất sắc nhất năm cho dù World Cup dành cho nữ đã có tận năm 1991.
Một danh hiệu dành cho bóng đá nữ không phải là chuyện gì to lớn, điều quan trọng nằm ở sự cổ vũ mà Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam muốn gửi đến những người làm bóng đá nước nhà. Gần tròn 3 thập niên tính từ ngày một CLB bóng đá nữ được hình thành tại quận 1, TPHCM, đến nay thì số lượng CLB dự giải vô địch quốc gia cũng chỉ 8 đội.
Phong trào bóng đá nữ không phát triển nhiều, nên điều khiến cho các cô gái hy sinh tuổi thanh xuân để chơi bóng chắc chắn nằm ở khía cạnh tinh thần, những lời động viên. Một trong số đó, chính là danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam, một kỷ niệm của cuộc đời họ.
Như ở lần trao giải năm 2008, cả khán phòng Opera House ở TPHCM đã ngạc nhiên khi chứng kiến một Đỗ Thị Ngọc Châm xinh đẹp bước trên sân khấu không khác gì một minh tinh làng giải trí. Ngôi sao của bóng đá nữ Hà Nội khi ấy đã phải từ giã sự nghiệp ở tuổi 26 vì chấn thương, trải qua 3 kỳ SEA Games không thể góp mặt vì lý do tương tự.
Bất chấp những mất mát rất lớn ở tuổi thanh xuân của mình, bây giờ Ngọc Châm vẫn đang theo nghiệp huấn luyện bóng đá. Tình yêu với bóng đá của họ thật lớn lao. Sự hy sinh của họ không dễ được đền đáp. Nên điều thật quý giá với bóng đá nữ, đó chính là sự ghi nhận, tôn vinh. Từ điều hạnh phúc tưởng là nhỏ nhoi ấy, mới có niềm vui lớn như ngày lịch sử vừa qua.
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam năm 2021 do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tiếp tục nhận được sự đồng hành hỗ trợ về mặt chuyên môn của LĐBĐ Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF); nhận được sự tài trợ chính của Công ty TNHH Thái Sơn Nam, cùng các nhà đồng tài trợ: Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FE Credit, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, VIVA LIFE, Vietnam Airlines, Công ty TNHH Kiến trúc xây dựng Đức Long, khách sạn Rex, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM UMT, SEA Holdings, Sonkim Land, Him Lam Land, Number 1 Active, Café Ông Bầu...
(Theo sggp.org.vn)