Thứ Sáu, 03/06/2022, 09:32 (GMT+7)
.

Vẫn còn khoảng cách lớn giữa SEA Games và Olympic

SEA Games 31 đã khép lại với thành tích vượt bậc của Đoàn Thể thao Việt Nam khi giành ngôi Nhất toàn đoàn với 205 Huy chương Vàng (HCV). Nhưng SEA Games cũng đã chỉ ra nhiều điều mà thể thao Việt Nam cần phải làm để phát triển mạnh mẽ hơn.

SEA Games từ lâu đã bị gọi với cái tên không hay là “giải đấu ao làng” khi cách tổ chức các môn thi đấu có phần khác biệt so với các đại hội thể thao châu lục và thế giới. Các bộ môn thi đấu sẽ được thay đổi, thêm bớt theo từng kỳ đại hội với nhiều môn thể thao mang tính dân tộc của các quốc gia chủ nhà. Tất nhiên, việc chọn các môn thể thao thi đấu đều được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thống nhất thông qua tại các cuộc họp trưởng đoàn và đại hội của liên đoàn.

Dù vậy, việc không tổ chức thi đấu các môn cố định gồm những bộ môn đạt chuẩn Olympic vô hình trung đã khiến cho SEA Games trở thành sân chơi của nước chủ nhà. Nếu chỉ tính từ SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam vào năm 2003 thì chỉ có Lào, Myanmar và Singapore là không thể giành ngôi Nhất toàn đoàn. Trong đó, Myanmar hay Singapore thường không lọt vào tốp 3 đội dẫn đầu khi phải thi đấu SEA Games trên sân khách.

 VĐV Việt Nam có thành tích dẫn đầu ở bộ môn Điền kinh - SEA Games 31 nhưng vẫn còn kém xa thành tích Olympic.
VĐV Việt Nam có thành tích dẫn đầu ở bộ môn Điền kinh - SEA Games 31 nhưng vẫn còn kém xa thành tích Olympic.

TỪ SEA GAMES 31

Ở SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam đã tổ chức 40 môn thi đấu với phần lớn đều là các môn thể thao theo chuẩn Olympic như Điền kinh, Judo, Rowing, Canoeing, Cử tạ… Bên cạnh đó, các môn còn lại cũng thuộc dạng là bộ môn được tập luyện và tổ chức thi đấu thường xuyên trong khu vực và châu lục như Wushu, Pencak Silat, Kurash.

Bộ môn duy nhất được xem là thế mạnh và đặc thù của Việt Nam chỉ có Bi sắt và Vovinam. Qua đó, nước chủ nhà Việt Nam đã cho thấy sự nỗ lực tổ chức một kỳ SEA Games công bằng và có tính cạnh tranh cao cho tất cả các đoàn thể thao tham dự. Các VĐV Việt Nam đã cho thấy sự xuất sắc ở các bộ môn Olympic khi luôn dẫn đầu hoặc đứng trong tốp 3 toàn đoàn các bộ môn như: Điền kinh, Cử tạ, Canoeing, Bơi lội, Judo, Vật… để giúp Đoàn Thể thao Việt Nam giành ngôi đầu tổng sắp huy chương với số HCV kỷ lục là 205 (nhiều hơn đoàn xếp thứ 2 là Thái Lan 100 HCV).

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo trước Lễ bế mạc SEA Games 31: Trước SEA Games, khi bộ phận chuyên môn rà soát lại toàn bộ các môn Olympic và ASIAD, nếu thi đấu một cách sòng phẳng, Đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến đoạt từ 145 - 185 HCV.

Nhưng khi phát biểu tôi chỉ nói 140 HCV trở lên vì xác suất an toàn của chúng ta khi so sánh tương quan lực lượng thì 140 HCV là đã ở số 1 hoặc thứ 2. Điều bất ngờ là một số VĐV trước đây ít khi cạnh tranh được huy chương thì nay đạt thành tích tốt. Chúng tôi nhận định SEA Games lần này sẽ có tính cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia đứng đầu; trong đó, có Thái Lan, Indonesia, Singapore.

Nhưng trong thực tế thi đấu, các đội tuyển của Việt Nam vượt trội so với các đoàn thể thao xếp sau. “Nhiều người hỏi tôi sao lấy nhiều huy chương thì ai chơi với mình nữa. Tôi nói thành tích là của VĐV, nên VĐV thi đấu phải hết mình, lấy được huy chương nào là lấy huy chương đấy. Năm nay chúng ta vượt trội nhưng thi đấu sòng phẳng, các môn Olympic, ASIAD đều thi đấu hết. Hoàn toàn không có chuyện đưa thế mạnh của mình, gạt thế mạnh của họ” - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn chia sẻ.

HƯỚNG ĐẾN OLYMPIC

Dù đạt thành tích cao khi thi đấu sòng phẳng ở các môn Olympic và ASIAD trước các đối thủ mạnh trong khu vực, nhưng thành tích của các VĐV Việt Nam vẫn còn kém xa chuẩn Olympic. Đây là một điểm đáng chú ý của Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games vừa qua. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các quốc gia tham dự SEA Games đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên quá trình chuẩn bị không được thuận lợi, xuyên suốt.

Trong khi đó, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn khi đầu tư cho VĐV suốt 2 năm qua dù không được tập huấn nước ngoài. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta không ghi nhận tinh thần thi đấu, ý chí của các VĐV Việt Nam. Sau 2 năm khó khăn của dịch bệnh, các VĐV nước chủ nhà đã cho thấy thành quả của sự khổ luyện qua biết bao hy sinh để tỏa sáng ở ngày hội thể thao lớn nhất khu vực. Mỗi tấm HCV là đúc kết của cả tuổi thanh xuân, những mưu cầu cá nhân mà các VĐV đã phải bỏ lại để hướng đến mục tiêu chính là mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Dù thế, thể thao Việt Nam vẫn đang cần nhiều thời gian để hướng tới việc nâng cao thành tích ở Olympic như chia sẻ của Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn rằng: Trong 20 năm tới, chúng ta nghĩ tới HCV các môn Điền kinh, Bơi lội là không khả thi. Hướng đầu tư của chúng ta là tới Olympic nhưng cũng phải tập trung cho các môn ASIAD. Về SEA Games, chúng ta muốn giải bài toán đầu tư, hướng tới đầu tư xã hội hóa và đã đạt được thành công, còn nguồn lực dành tập trung cho ASIAD. Hiện nay, nguồn lực đầu tư của chúng ta vẫn chưa thực sự tốt.

“Các nước trong khu vực như Singapore, số lượng VĐV tham dự SEA Games của họ luôn ít so với 5 nước khác tốp đầu, nhưng thành tích Olympic của họ lại rất tốt. Ở đấu trường ASIAD và Olympic, chúng ta luôn ít huy chương hơn so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore. SEA Games chúng ta hoành tráng thế nhưng đến ASIAD và Olympic thì chúng ta thua họ. Nếu không thay đổi cách đầu tư thì cạnh tranh với họ rất khó” - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn nhận định.

CAO THẮNG

.
.
.