.

"Hai cực" của cuộc đua bóng đá ở Đông Nam Á

Cập nhật: 21:52, 13/09/2022 (GMT+7)

(ABO) Bóng đá Đông Nam Á những năm gần đây đã không còn là cuộc đua về chuyên môn thuần túy nữa. Giữa sự hiệu quả đến từ các cầu thủ nhập tịch và việc giữ gìn bản sắc đang dần trở thành cuộc đua chính của bóng đá khu vực Đông Nam Á.

Sẽ không quá nếu nói cuộc đua của bóng đá Đông Nam Á những năm qua chỉ gói gọn ở việc các đội nhập tịch và cố gìn giữ bản sắc. Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore… là những đội bóng thường xuyên sử dụng đội hình nhập tịch trong những năm qua kể cả AFF Cup hay SEA Games.

Trong đó, Indonesia và Malaysia là những đội có thành tích đáng chú ý so với những đội còn lại khi giành quyền vào chơi đến bán kết, chung kết AFF Cup hay SEA Games.

Hiện tại, Indonesia đang ở những bước cuối cùng để hoàn tất thủ tục nhập tịch cho hai cầu thủ Jordi Amat (gốc Tây Ban Nha) chơi ở vị trí trung vệ và Sandy Walsh (gốc Bỉ) chơi tốt ở vị trí trung vệ và hậu vệ cánh phải.

“Triết lý” về việc mang lại hiệu quả tức thì với việc nhập tịch các cầu thủ tiếp tục được Indonesia áp dụng ở AFF Cup 2022 sắp tới. Điều đáng nói là Indonesia đang sở hữu dàn cầu thủ trẻ rất đáng chú ý với các lứa U17, U19, U22 có lối chơi rất khó chịu đối với các đối thủ còn lại ở Đông Nam Á tại các giải đấu vừa qua.

Bóng đá Việt Nam vẫn gặt hái được nhiêu thành công ở khu vực Đông Nam Á dù sử dụng
Bóng đá Việt Nam vẫn gặt hái được nhiều thành công ở khu vực Đông Nam Á dù sử dụng "triết lý cây nhà lá vườn". Ảnh: Vietnamnet.vn

Không chỉ Indonesia, Malaysia cũng đang tích cực chuẩn bị các thủ tục nhập tịch hai cầu thủ gốc Argentina là Lee Tuck và Aguero để chuẩn bị cho AFF Cup 2022 sắp tới. Cũng giống với Indonesia, Malaysia dù có lứa trẻ nhiều triển vọng nhưng “những chú hổ” vẫn chọn công thức nhanh cho kết quả với các cầu thủ nhập tịch khi vốn đã sở hữu danh sách cầu thủ nhập tịch khá đồ sộ.

Những chọn lựa của Indonesia hay Malaysia càng khắc họa rõ ràng hơn hai cực của cuộc đua bóng đá khu vực Đông Nam Á. Cực còn lại là những đội cố gắng giữ bản sắc của mình với những cầu thủ nội địa như Thái Lan và Việt Nam.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều đội bóng trong khu vực sử dụng cầu thủ nhập tịch như cả Đội tuyển Lào cũng đã từng sử dụng cầu thủ gốc Pháp, thì việc Việt Nam hay Thái Lan đang cố gắng giữ bản sắc của mình là điều đáng chú ý.

Trong đó, Thái Lan cũng đã có khoảng thời gian sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch tại AFF Cup 2018 với 4 “ngoại binh” là người gốc Ý, Đức, Thụy Điển. Nhưng việc thất bại đáng quên tại giải đấu năm đó đã đưa người Thái trở về với việc xây dựng bản sắc trong đội hình. Nhờ đó, “voi chiến” đã đoạt chức vô địch AFF Cup 2020 với dàn cầu thủ “nội địa” với những cái tên xuất sắc thi đấu ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Có lẽ Đội tuyển Việt Nam là đội tuyển duy nhất ở Đông Nam Á chưa sử dụng cầu thủ nhập tịch ở giải đấu chính thức. Những "chiến binh sao vàng” vẫn tự hào với bản sắc của mình khi thi đấu ngang ngửa và hơn các cầu thủ vốn sinh ra ở châu lục khác. Dù thành tích tại khu vực Đông Nam Á của Đội tuyển Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn với 2 chức vô địch AFF Cup và 1 tấm Huy chương Vàng SEA Games, nhưng các cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ là đối thủ dễ chơi khi liên tục giành quyền vào chơi bán kết và chung kết.

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể nói được việc sử dụng cầu thủ nhập tịch hay giữ bản sắc sẽ giúp các đội ở khu vực Đông Nam Á chơi tốt hơn. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng cầu thủ nhập tịch bị lạm dụng quá mức sẽ dẫn đến việc mai một bản sắc và cả công tác đào tạo trẻ.

Đó là điều mà bóng đá Việt Nam hiện tại đang tránh dù vẫn gặp rất nhiều khó khăn trước các đội sử dụng cầu thủ nhập tịch. Nhưng khi giành chiến thắng bằng bản sắc và tự lực thì đó là chiến thắng đáng tự hào nhất của những "chiến binh sao vàng".

GIAI NGHI

.
.
.