.

U22 Việt Nam đang thiếu một "đầu tàu"

Cập nhật: 22:33, 09/05/2023 (GMT+7)

(ABO) U22 Việt Nam được đánh giá là có lối chơi ngày càng hoàn thiện hơn ở SEA Games 32. Dù vậy, đoàn quân của HLV Troussier vẫn đang thiếu một “đầu tàu” trong lối chơi chung của toàn đội.

Dù vẫn được xem là ứng viên để giành quyền vào chơi trận chung kết nhưng đội hình của U22 Việt Nam lần này không được đánh giá cao bằng những lứa cầu thủ trước. Nhưng các học trò của HLV Troussier đã có màn trình diễn tốt khi giành chiến thắng 3 trận liên tiếp và cùng U22 Thái Lan giành tấm vé đi tiếp sớm 1 vòng đấu.

Một kết quả thành công đối với U22 Việt Nam nếu so về chất lượng đội hình với những đội còn lại. Việc phải thi đấu cùng với U22 Thái Lan và U22 Malaysia trong cùng một bảng đấu và đoạt vé đi tiếp trước một vòng đấu không phải là chuyện đơn giản.

U22 Việt Nam không chỉ có những khó khăn khách quan, mà cả chủ quan khi đang phải áp dụng một chiến thuật mới. Việc thay đổi triết lý lối chơi khiến cho U22 Việt Nam có những lúng túng nhất định trong trận gặp Lào. Hai trận đấu tiếp theo U22 Việt Nam dù giành chiến thắng trước U22 Singapore và U22 Malaysia nhưng những khuyết điểm trong lối chơi vẫn còn tồn tại.

U22 Việt Nam (áo đỏ) đang thiếu một đầu tàu để tạo sự đột biến trong lối chơi. Ảnh: Vietnamnet.vn
U22 Việt Nam (áo đỏ) đang thiếu một đầu tàu để tạo sự đột biến trong lối chơi. Ảnh: Vietnamnet.vn

Một điều dễ nhận thấy trong lối chơi của U22 Việt Nam hiện tại là đang thiếu một nhân tố đóng vai đầu tàu để kéo lối chơi của toàn đội. Nếu nhìn vào hành trình của các cầu thủ Việt Nam ở các giải đấu lớn trước đây thì Việt Nam luôn có những đầu tàu như Công Vinh, Thành Lương, Công Phượng, Quang Hải, Hùng Dũng… Những cầu thủ đóng vai trò hạt nhân sẽ giúp cho sơ đồ chiến thuật của HLV trở nên có trọng tâm và sắc sảo.

Cầu thủ đóng vai trò đầu tàu phải là nhân tố có thể tạo nên đột biến trong lối chơi, sẵn sàng lên tiếng mỗi khi đội bóng gặp khó khăn. Khi có những cầu thủ như thế trong đội hình, các cầu thủ đối phương buộc phải tập trung để truy cản mở ra một số khoảng trống để các cầu thủ có thể tận dụng. Hiện tại, U22 Việt Nam đang thiếu đi một cầu thủ có thể tạo nên sự đột biến. Các cầu thủ như Văn Tùng, Văn Trường, Văn Đô… đều đang chơi khá an toàn ở mức hoàn thành nhiệm vụ mà HLV trưởng giao phó.

Sự đột biến và những quyết định táo bạo gây bất ngờ cho đối thủ là những gì mà U22 Việt Nam còn thiếu. Tình huống mà Minh Trọng ngoặt vào trong để dứt điểm để mang về quả penalty cho U22 Việt Nam trong trận gặp U22 Malaysia là một trong những lần hiếm hoi mà các cầu thủ U22 Việt Nam tạo nên nét chấm phá.

Một cầu thủ khác được đánh giá rất cao là Khuất Văn Khang cũng chỉ được HLV Troussier sử dụng như quân bài tẩy. Nhưng cầu thủ trẻ này cũng không tạo nên sự khác biệt khi vào sân như kỳ vọng của HLV trưởng. Việc các cầu thủ U22 Việt Nam chọn chơi an toàn là điều dễ hiểu khi vẫn đang nỗ lực “thuộc” giáo án huấn luyện mới. Nhưng đây đã tạo ra một điểm yếu cho U22 Việt Nam khi việc quá tuân thủ bài bản tấn công sẽ khiến cho các cầu thủ bị bắt bài. Trận đấu gặp U22 Malaysia các cầu thủ U22 Việt Nam đã bị đối thủ phong tỏa tương đối chặt cho đến khi đối phương phải nhận 2 thẻ đỏ.

U22 Việt Nam hiện tại đang thực sự cần một đầu tàu để kéo lối chơi của đội trở nên đột biến hơn. Đôi khi đầu tàu không chỉ là các cầu thủ trên sân mà còn đến từ những thay đổi đột phá trong lối chơi của HLV để giúp cho đội bóng tạo nên sự khác biệt.

GIAI NGHI

 

.
.
.