Messi và "thương vụ Miami" đem đến gì cho nghành công nghiệp bóng đá
Cho đến lúc này, người ta vẫn chưa hình dung được hết lý do Lionel Messi chọn MLS thay vì miền Tây Á giàu có để chơi các trận cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, nhìn “Hiệu ứng Messi” đang được triển khai ở Mỹ, ngay cả trước khi Messi đặt chân ra sân chơi bóng, thì bản hợp đồng với Miami càng gợi trí tò mò của tất cả. Có gì trong đó vậy?
Lionel Messi chọn MLS thay vì miền Tây Á giàu có. |
Thật ra câu hỏi chính xác phải là: Liệu chỉ có tiền là đủ để Messi đến MLS trong khi anh là cầu thủ xếp thứ hai trong danh sách những vận động viên được trả lương cao nhất thế giới năm 2023 của Forbes với 130 triệu đô la? Vì vậy, thỏa thuận trong hợp đồng của Messi có thể là cánh cửa mới cho nền công nghiệp của bóng đá thế giới.
Theo Sportico, hợp đồng 2 năm rưỡi của Messi với Inter Miami "có giá trị tổng cộng lên tới 150 triệu đô la từ tiền lương, tiền thưởng khi ký hợp đồng và vốn chủ sở hữu trong đội". Nhưng đó không phải là tất cả. Ngoài ra, các thỏa thuận chia sẻ doanh thu với Adidas, Apple và những bên thứ 3 khác đang được đàm phán.
Trong khi số tiền lương trị giá hàng triệu đô la đã quen thuộc trong các hợp đồng bóng đá, thì thỏa thuận chia sẻ doanh thu với các đối tác mang đến một điều gì đó mới mẻ. Một chuyên gia trong ngành gọi phần thỏa thuận của Messi với Apple là "chưa từng có". Những người tin vào thuyết âm mưi thì gọi nó là "bất thường". Irwin Kishner, đồng chủ tịch của Sports Law Group cho biết: “Thỏa thuận đó chưa bao giờ được trao cho bất kỳ ai trong môn bóng chày, bóng rổ, bóng đá và vì vậy nó rất độc đáo. Đó là một thứ mang tính cách mạng, và thật khó để bạn tìm thấy thứ gì có thể so sánh".
Ví dụ như việc Messi được chia một phần doanh thu cho các thuê bao mới tại dịch vụ phát trực tuyến MLS Season Pass của Apple TV. John Kosner, chủ tịch của Kosner Media, một công ty tư vấn thể thao và truyền thông kỹ thuật số, cho biết: “Tôi thực sự nghĩ rằng mục đích của thương vụ này là thu hút khách hàng. Đây là vấn đề lớn nhất trong thể thao và truyền thông thể thao ngày nay". Nói theo ngôn ngữ đương đại, user (người dùng) sẽ quyết định mọi thứ, từ chuyện thu tiền đến việc gọi vốn. Và với Messi, con số này chỉ có tăng chứ không giảm, nhất là với cộng đồng Mỹ Latinh và châu Á.
Apple hiện đang nắm giữ quyền độc quyền trên toàn thế giới đối với mọi trận đấu MLS. Gói phát sóng trọn mùa của Apple TV phát sóng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Ed Desser, chủ tịch của Desser Media Inc, cho biết: “Sự xuất hiện của Messi là điều sẽ khiến họ được chú ý và mở rộng phạm vi hoạt động ra quốc tế. Đó là điều đặc biệt thú vị đối với một công ty toàn cầu như Apple".
Một khoản chia lợi nhuận tương tự Nike-Michael Jordan ở môn bóng rỗ được cho là đang thảo luận giữa Messi và Adidas, đối tác lâu năm của siêu sao Argentina. Đây là một thỏa thuận cá nhân, không liên quan đến MLS hay Inter Miami FC. Ernesto Bruce, Giám đốc điều hành của For Soccer và cựu giám đốc cấp cao về bóng đá của Adidas, ví thỏa thuận này giống như một "sự phát triển" của hợp đồng Beckham khi anh này ký với LA Galaxy vào năm 2007.
Tuy nhiên điều thú vị nhất của việc Messi sang MLS đó là sự kết hợp giữa một giải đấu trẻ trung, giàu có và một GOAT cũng nằm trong giới “siêu giàu”. Nó sẽ thúc đẩy các thỏa thuận tương tự không chỉ trong bóng đá mà còn với nhiều môn thể thao khác. Điều này tương tự các bộ phim bom tấn với sự bảo đảm doanh thu từ các ngôi sao, ở đó, những tài tử nổi tiếng không lấy cat-sê mà chia sẻ trực tiếp doanh thu đa nền tảng với nhà sản xuất, hoặc thậm chí chính diễn viên ấy còn là nhà đầu tư.
Nhưng ngay cả với quyền lực của các ngôi sao bóng rỗ tại giải nhà nghề NBA, có lẽ vẫn chưa đủ để sánh với Lionel Messi. “Tôi không nghĩ họ có sức mạnh như Messi” Kishner nói. "Ngôi sao NBA cũng có phạm vi tiếp cận toàn cầu, nhưng gần như không phải là những gì Messi". Về cơ bản, bóng đá vẫn là môn chơi phổ biến nhất thế giới và không chỉ dành cho những người có tiền. Siêu sao Argentina tự hào có lượng người theo dõi cao thứ ba trên Instagram - 478 triệu - chỉ sau chính mạng xã hội này và “đối thủ” Ronaldo, người có 596 triệu theo dõi.
Trong khi đó, Cara Lustik, một chuyên gia về thương hiệu thì nhìn nhận ở góc độ khác: “Cái hay của Messi trong thỏa thuận này là anh đủ giá trị để độc lập từng phần đàm phán cho mỗi đối tác khác nhau mà không ngại xung đột quyền lợi”. Nói dễ hiểu hơn, đối tác nào cũng muốn có Messi nên không thể trói buộc độc quyền anh chỉ ký hợp đồng với một bên.
Đằng sau thỏa thuận của Messi, là một tương lai của thể thao toàn cầu, đó là các nền tảng trực tuyến đang lên ngôi. Amazon, Apple, Youtube, Facebook đều đã lấn sân sang bóng đá, thể thao vốn đlà địa hạt của các đài truyền hình lâu nay. Nghiên cứu của Parks Associates, một công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường, cho thấy "doanh thu đăng ký OTT (ứng dụng cầm tay) về thể thao hàng năm ở Hoa Kỳ là 13,1 tỷ USD vào năm 2022 và sẽ tăng gần gấp đôi lên khoảng 22,6 tỷ USD vào năm 2027". Eric Sorensen, một nhà phân tích tại Parks Associates, cho rằng sự thay đổi này là do đại dịch Covid 19và nhu cầu về trải nghiệm sâu hơn từ người hâm mộ thông qua việc tương tác trên nền tảng OTT.
Câu hỏi cuối cùng: Ai là người chiến thắng thực sự trong thương vụ này? Messi, Inter Miami, MLS và tất cả các đối tác đều có vẻ hưởng lợi. Thậm chí ngay cả Saudi Pro, nơi rất muốn Messi đến chơi bóng cùng Ronaldo, cũng đã kịp ký bản hợp đồng quảng bá du lịch trị giá 25 triệu với Messi. Những người duy nhất cảm thấy thất bại, đó chính là Barcelona, vốn hi vọng sẽ có sự tái hợp với ngôi sao của mình. Hay nói đúng hơn, việc Messi chuyển đến MLS khiến cho một phần đẹp đẽ của bóng đá đỉnh cao mất đi trong trái tim người yêu bóng đá dù Messi vẫn sẽ ra sân chơi bóng bắt đầu từ ngày 24-7 tới ở nước Mỹ hoa lệ nhưng xa xôi.
Theo sggp.org.vn