Trách nhiệm và đạo đức của huấn luyện viên
Những tháng cuối năm 2023, dư luận và ngành thể thao “dậy sóng” với việc vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia tập huấn tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình phản ánh với báo chí việc bữa ăn không bảo đảm theo đúng quy định và tiền lương được nhận phải chuyển một phần cho huấn luyện viên.
Vận động viên Phạm Như Phương từng giành hai huy chương Bạc và hai huy chương Đồng tại SEA Games 31 (Ảnh TIỀN PHONG) |
Khi vụ việc này còn chưa giải quyết thấu đáo, lại xảy ra không ít ồn ào khi vận động viên trẻ Phạm Như Phương (Hà Nội) từng giành nhiều huy chương tại SEA Games và Đại hội thể thao toàn quốc, tuyên bố giải nghệ.
Một trong các lý do được cho là vì Phương không có tên trong danh sách tập huấn của đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia, đồng thời tố cáo việc vận động viên phải chia phần trăm tiền thưởng thành tích cho huấn luyện viên và phải đóng tiền quỹ trong đội tuyển không đúng quy định.
Sự vụ câu chuyện bắt đầu từ việc Phạm Như Phương xin đi nước ngoài thăm người thân và đã có báo cáo, cam kết với các huấn luyện viên quản lý trực tiếp thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội.
Huấn luyện viên lại không báo cáo với lãnh đạo Trung tâm và Bộ môn Thể dục, dẫn tới việc vận động viên này không có tên trong danh sách tập huấn của đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia, do không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm đề xuất danh sách, không bảo đảm về chuyên môn do nghỉ tập luyện nhiều ngày. Việc không đưa Phạm Như Phương vào danh sách đội tuyển quốc gia là đúng với quy trình.
Ngay sau phản ánh của báo chí, chiều qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có cuộc họp với Cục Thể dục-Thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và các bên liên quan để làm rõ vấn đề và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.
Những vụ việc liên tiếp gây xôn xao dư luận, người hâm mộ, tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý vận động viên, huấn luyện viên và những người tâm huyết với thể thao Việt Nam, nhất là trong thời điểm các đội tuyển quốc gia đang cần tập trung tập luyện, thi đấu để giành suất dự Olympic Paris 2024.
Thực tế đó đã tạo một hiệu ứng không tốt, gây bất ổn, nghi kỵ trong quan hệ nội bộ các đội tuyển, có thể làm xấu đi hình ảnh huấn luyện viên, sự thiếu tin tưởng với các cán bộ quản lý và là nỗi đau của số đông các nhà hoạt động thể thao chân chính đang ngày đêm làm việc, cống hiến vì sự phát triển của thể thao nước nhà.
Cũng từ những hiện tượng khuất tất trong tài chính, chia thưởng do vận động viên phản ánh, đã cho thấy một thực trạng như “sóng ngầm” âm ỉ mà vì một lý do nào đó chỉ được rỉ tai giữa các vận động viên về việc trích thưởng, đóng quỹ, cắt xén tiền bồi dưỡng như một kiểu “luật bất thành văn”, đòi hỏi lãnh đạo ngành thể thao cần vào cuộc điều tra nghiêm túc.
Thông tư số 07/2022/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu rõ vai trò và nhiệm vụ của huấn luyện viên trong việc tuyển chọn, quản lý, trực tiếp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, rèn luyện tâm lý, ý chí cho vận động viên.
Bên cạnh đó, họ cũng là người quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, sức khỏe, bảo đảm chế độ dinh dưỡng theo yêu cầu tập luyện, thi đấu của môn thể thao cùng điều kiện nghỉ ngơi, học tập văn hóa và đời sống tinh thần, giáo dục phẩm chất đạo đức cho vận động viên, xây dựng một tập thể đoàn kết trong tập luyện cũng như thi đấu.
Như vậy có thể thấy, trong thể thao, huấn luyện viên chính là người thầy gần gũi, gắn bó với vận động viên, là chỗ dựa đáng tin cậy, là nguồn động viên, dẫn dắt, giúp họ trưởng thành, vượt qua khó khăn.
Báo chí từng phản ánh nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm thầy trò ở không ít bộ môn thể thao như bơi lội, điền kinh, bóng đá...
Đã có những đợt tập huấn nước ngoài hàng tháng trời của “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên, chỉ có người thầy-huấn luyện viên cùng đồng hành, lo lên giáo án để học trò tập luyện phù hợp, lo từ chỗ nghỉ, quan tâm từng bữa ăn sao cho đúng chế độ dinh dưỡng. Nguyên huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang-seo cũng là một thí dụ điển hình trong ứng xử của người thầy với các học trò.
Có thể nói, trong vai trò, trách nhiệm của mình, huấn luyện viên là những chuyên gia tâm lý, biết nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của vận động viên, gợi mở, hóa giải các vấn đề nảy sinh, bảo vệ quyền lợi để họ có được sự thoải mái nhất về tâm lý trong tập luyện thi đấu, yên tâm theo đuổi và cống hiến hết mình.
Chúng ta cũng vẫn thường nói “Tiên học lễ, hậu học văn”, đề cao việc dạy học trò biết lễ nghĩa, biết ứng xử trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội phù hợp, rồi mới đến kiến thức, chuyên môn. Trách nhiệm và đạo đức người thầy-huấn luyện viên là phải làm gương để các học trò noi theo “học lễ”.
Trước hết, họ phải là những tấm gương sáng, hết mình với trò, với sự nghiệp “trồng người” của nền thể thao nước nhà. Có như vậy, họ mới có đủ uy tín, sự tin yêu để đồng hành cùng các vận động viên trong suốt chặng đường dài và để vận động viên nghe theo, làm theo, cống hiến vì màu cờ, sắc áo, mang về vinh quang trên các đấu trường thể thao.
(Theo nhandan.vn)