Thứ Ba, 12/03/2024, 17:19 (GMT+7)
.

Vovinam - Tinh hoa võ Việt lan tỏa thế giới: Kéo cả thế giới đến gần võ Việt

Vovinam - Việt Võ Đạo như mạch nước ngầm cuộn chảy, phát triển bền bỉ sau 85 năm thành lập. Trên hành trình bước ra thế giới, từng môn sinh đóng vai trò như “người truyền lửa”, lan tỏa tinh hoa võ Việt đến bạn bè khắp năm châu.

Các võ sinh ở nước ngoài tham gia lớp huấn luyện trực tuyến. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các võ sinh ở nước ngoài tham gia lớp huấn luyện trực tuyến. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
LTS. Ngày 10-11-2023, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa Vovinam - Việt Võ Đạo vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (mục nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian), dựa trên đề nghị từ Cục Di sản văn hóa, UBND TPHCM. Từ một môn võ truyền thống do người Việt Nam sáng lập, đến nay phong trào tập luyện Vovinam đã phát triển hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành cầu nối văn hóa giữa các dân tộc.

“Người truyền lửa” năm châu

Sắp xếp các dụng cụ một cách cẩn thận, từ màn hình lớn, đèn chiếu sáng đến các thiết bị kết nối đảm bảo đường truyền tốt... là những việc làm đã quen thuộc với võ sĩ Mai Thị Kim Thùy để sẵn sàng trước một buổi huấn luyện trực tuyến (online) cho các môn sinh Vovinam nước ngoài. Trong quá trình quảng bá và đầu tư Vovinam ở các nước, không tránh khỏi những lúc không đủ điều kiện để các huấn luyện viên (HLV), chuyên gia Việt Nam đến tận nơi hướng dẫn do các yếu tố về kinh phí, thời điểm hoặc con người... Lúc này, huấn luyện online được xem là phương án tối ưu.

Võ sĩ Mai Thị Kim Thùy (đội tuyển Vovinam TPHCM, đội tuyển Vovinam quốc gia) cho hay: “Khó khăn trong việc dạy online đôi khi đến từ rào cản ngôn ngữ. Ở một số quốc gia, các võ sinh có trình độ tiếng Anh giao tiếp cơ bản, nên đôi khi không thể hiểu hết những từ ngữ chuyên ngành. Chưa kể, chất lượng đường truyền internet có lúc cũng khá chập chờn. Thông qua màn hình, có những động tác chuyên môn sẽ không nhìn rõ được điểm sai, vì vậy phía HLV nước ngoài phải quay clip và gửi sang cho chuyên gia Việt Nam. Tiếp theo, các chuyên gia sẽ làm việc trực tuyến chỉnh sửa và chỉ ra lỗi sai thông qua chỉnh sửa lại clip. Do đó, nếu bình thường vận động viên (VĐV) tập khoảng 3 giờ/buổi thì tập luyện trực tuyến cần 4-5 giờ/buổi để hoàn thành giáo án và giải đáp thắc mắc”.


Đây cũng là một trong những cách làm điển hình mà Vovinam Việt Nam đang thực hiện để truyền bá bộ môn ra thế giới. Tiếp bước thế hệ đi trước, những môn sinh của Vovinam luôn phấn đấu phát triển môn võ truyền thống của dân tộc, nói ví von là “kéo thế giới đến gần võ Việt”. Không ít môn sinh nước ngoài đã về đất tổ Việt Nam tập huấn hay một số HLV Vovinam cũng được mời sang châu Âu, châu Á và tận châu Phi xa xôi để quảng bá nét văn hóa của đất nước, con người Việt Nam. Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã mở các buổi hướng dẫn trực tuyến cho các nhóm, câu lạc bộ ở nước ngoài hoặc cử võ sư xuất ngoại “truyền lửa”, chia sẻ kỹ thuật, hỗ trợ môn sinh tiếp thu tinh hoa võ Việt. Nguyễn Hồng Quỳ, Nguyễn Tấn Thịnh, Huỳnh Khắc Nguyên, Mai Thị Kim Thùy… là những HLV, VĐV tiêu biểu tham gia phổ biến các đòn thế võ đến với bạn bè quốc tế.

Từ khi gia nhập đơn vị TPHCM vào năm 2011, Mai Thị Kim Thùy được cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu (chánh chưởng quản môn phái lúc bấy giờ) cho phụ việc và học hỏi chuyên môn trong công tác huấn luyện môn sinh nước ngoài. Đến nay, song song với việc thi đấu và biểu diễn quảng bá, Kim Thùy cũng được cử huấn luyện hỗ trợ ở nhiều đội tuyển quốc gia: Nhật Bản, Romania, Pháp, Italy, Ấn Độ... hoặc sang Myanmar, Indonesia, Lào, Thái Lan, Singapore… hỗ trợ trong một thời gian.

Để trở thành “người truyền lửa”, yêu cầu võ sư phải trang bị ngoại ngữ, nắm chắc các kỹ thuật, cũng như biết kỹ năng tổ chức và quản lý lớp học, giao tiếp... “Đối với tôi, người được chọn cho công tác quảng bá cần nhất vẫn là tình yêu với Vovinam, phải đủ lớn để vượt qua mọi thử thách. Ngoài những kỹ năng chuyên môn thuần thục, họ còn phải có một số kỹ năng sống nhất định về việc sinh sống và làm việc tại một quốc gia khác”, võ sĩ Mai Thị Kim Thùy nói.

Võ Việt ngày càng lan tỏa

Vovinam là niềm tự hào của võ thuật Việt Nam khi được thế giới công nhận, qua đó đưa vào thi đấu ở một số đấu trường, thậm chí có riêng giải Vovinam thế giới. Đó là một hành trình dài sau 85 năm phát triển với biết bao thăng trầm cùng lịch sử.

Liên đoàn Vovinam Việt Nam và Hội đồng chưởng quản môn phái đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể từ Bộ VH-TT-DL. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Liên đoàn Vovinam Việt Nam và Hội đồng chưởng quản môn phái đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể từ Bộ VH-TT-DL. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Minh chứng rõ nhất chính là sự nghiệp lẫy lừng của cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Chánh chưởng quản môn phái Vovinam, người đã dành cả cuộc đời phát triển và đưa bộ môn ra thế giới. Đó còn là sự tri ân đến những người có vai trò to lớn trong sự phát triển trong nước và quốc tế của môn võ là: ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam 2 nhiệm kỳ đầu (giai đoạn 2007-2016), Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Vovinam thế giới giai đoạn 2008-2016; ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới. Theo dòng thời gian, môn võ này lan tỏa theo dấu chân của các bậc tiền bối khắp năm châu và được bạn bè quốc tế tập luyện. Những thế hệ đi trước đã đúc kết những cái hay, cái đẹp ở các kỹ thuật, tạo nên môn võ Vovinam có tính thực dụng cao trong chiến đấu. Không chỉ các nước trong khu vực Đông Nam Á, phong trào luyện tập còn nở rộ ở các quốc gia châu Âu, châu Phi như Pháp, Italy, Đức, Thụy Sĩ, Algeria…

Hiện tại, nhiều quốc gia có phong trào Vovinam rất mạnh và hoàn toàn có thể cạnh tranh với Việt Nam như Algeria, Campuchia. Năm 2023, Vovinam vinh dự trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo tiền đề để tiến tới trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Tờ trình của Sở VH-TT TPHCM về việc lập hồ sơ để công nhận Vovinam là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nêu rõ, Vovinam là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội. Vovinam là kết tinh của tinh thần và kỹ thuật tự vệ, chiến đấu để giữ nước, dựng nước và mở nước của dân tộc Việt Nam, đóng góp to lớn vào nền võ thuật Việt Nam và thế giới.

Theo ông Nguyễn Bình Định, Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam, tại nhiều sự kiện chính trị - văn hóa của đất nước, các võ sinh Vovinam được lựa chọn biểu diễn, quảng bá tinh hoa của dân tộc. Đội tuyển Vovinam còn được biểu diễn trong Quốc yến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Canada vào năm 2017 và Thủ tướng Campuchia năm 2018; đại diện cho võ thuật Việt Nam biểu diễn cho ông Kim Jong-un thưởng ngoạn tại CHDCND Triều Tiên...

(Theo thethao.sggp.org.vn)

.
.
.