.

Xây nền cho mục tiêu SEA Games, ASIAD

Cập nhật: 20:28, 01/11/2024 (GMT+7)

Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Thể thao thành tích cao nước ta cần duy trì thứ hạng trong top 3 tại các kỳ SEA Games và top 20 tại các kỳ ASIAD. Muốn hoàn thành trọn vẹn cả hai mục tiêu ấy, những người làm thể thao cần nhanh chóng bắt tay vào quá trình chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Đội tuyển điền kinh Việt Nam nỗ lực tập luyện hướng tới thành tích cao tại SEA Games 33.
Đội tuyển điền kinh Việt Nam nỗ lực tập luyện hướng tới thành tích cao tại SEA Games 33.

Mới đây, đại diện các quốc gia trong khu vực đã họp để thảo luận một số vấn đề quan trọng. Theo đó, kỳ SEA Games 33 năm 2025 sẽ được tổ chức tại các thành phố Bangkok, Chonburi và Songkhla của Thái Lan. Khác với hai kỳ Đại hội gần nhất, nước chủ nhà đã lựa chọn thời điểm tổ chức sự kiện từ ngày 9 đến 20/12.

Các vận động viên sẽ tranh tài 567 nội dung ở 44 môn thể thao. Trong đó, Ban tổ chức đã tập trung hơn vào các môn thuộc nhóm ASIAD và Olympic. Điều này cho thấy nỗ lực của nước chủ nhà Thái Lan và quyết tâm làm mới hơn nữa nội dung thi đấu tại Đại hội thể thao khu vực, đưa thể thao Đông Nam Á hòa mình cùng sự phát triển chung của thể thao quốc tế.

Riêng với câu chuyện tổ chức ở mỗi kỳ SEA Games, mỗi quốc gia giữ vai trò chủ nhà đều hiểu rõ đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước và con người. Dẫu vậy, chú trọng thúc đẩy các môn thể thao Olympic cũng là xu hướng phát triển tất yếu. Mỗi kỳ SEA Games giờ đây sẽ góp phần tạo dựng nền móng vững chắc, để bồi dưỡng và nâng tầm các vận động viên thể thao thành tích cao trong khu vực.

Nhìn lại kỳ SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia, thể thao Việt Nam lần đầu đứng số một toàn đoàn ở một kỳ Đại hội được tổ chức bên ngoài lãnh thổ nước ta. Nếu tính riêng các bộ môn thi đấu tại Olympic, chúng ta cũng dẫn đầu với 69 huy chương vàng.

Như Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng từng nhấn mạnh: Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam rất đáng khích lệ, nhưng chúng ta cũng sẽ không ngủ quên trên vòng nguyệt quế.

Bên cạnh thành tựu, cũng cần nhấn mạnh: Bơi và điền kinh là hai bộ môn thể thao Olympic mà đoàn thể thao Việt Nam chưa hoàn thành chỉ tiêu. Các chân chạy nước ta chỉ có thể mang về 12 huy chương vàng tại SEA Games 32, kém hơn nhiều con số 22 huy chương vàng tại kỳ Đại hội trước đó.

Với môn bơi, chúng ta cũng còn kém một tấm huy chương vàng so chỉ tiêu đề ra. Ngay sau khi kết thúc kỳ Đại hội tại Campuchia, ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia cũng đã bắt tay vào công việc tìm kiếm những nhân tố mới, thay vì chỉ trông đợi vào những mũi nhọn chủ lực quen thuộc như Huy Hoàng, Hưng Nguyên hay Thanh Bảo.

Thực tế, đại diện các bộ môn và các liên đoàn cũng không ngừng nỗ lực, tìm kiếm các vận động viên trẻ để đưa vào các nhóm nội dung thi đấu quan trọng. Việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng cho những cá nhân nổi bật không phải quá trình dễ dàng, đòi hỏi thời gian và sự đầu tư tương xứng. Và kỳ SEA Games tới sẽ là thời điểm thích hợp để kiểm tra hiệu quả.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, dù SEA Games luôn được xem là một trong những sự kiện thể thao có tính chất vô cùng quan trọng, những người làm thể thao và đặc biệt là các vận động viên cũng cần có sự tính toán và xác định mục tiêu thành tích rõ ràng. Cần lấy sân chơi SEA Games làm bệ phóng để kiểm tra trình độ bản thân, nhằm chuẩn bị kỹ càng cho đấu trường lớn hơn như ASIAD và Olympic.

Đại diện ngành thể thao cũng cần làm việc cụ thể với từng bộ môn để lên kế hoạch xây dựng mục tiêu, lực lượng và xác định đối tượng tuyển thủ nào sẽ được tạo điều kiện tham dự đấu trường này. Chúng ta nên ưu tiên và tạo điều kiện cho các vận động viên trẻ cọ xát nâng cao trình độ, thay vì quá chú trọng vào số huy chương.

Cuối tháng 10, Cục Thể dục-Thể thao cũng đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi sâu rộng với các thành viên danh dự của Ủy ban Olympic Hungary. Buổi làm việc mới đây tại Hà Nội đã mở ra hướng đi mới trong việc xây dựng nền thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là việc hỗ trợ từ phía Hungary, nhằm giúp Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games, ASIAD và tiến tới hy vọng giành huy chương Olympic.

Hungary rất sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam trong việc tập huấn cho các vận động viên ở một số môn thể thao tiềm năng, đồng thời cam kết cử các chuyên gia giỏi nhất giúp chúng ta trong quá trình huấn luyện. Đây là chương trình đồng hành dài và bền vững, nhằm chuẩn bị cho các thế hệ vận động viên nối tiếp.

Gần đây nhất, xạ thủ Trịnh Thu Vinh là một trong những vận động viên nổi bật của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể tại Olympic Paris 2024, sau quá trình tham gia tập huấn hai tuần tại Hungary. Ngoài ra, có thể kể tới nhiều bộ môn khác như bóng đá, bơi lội, bóng bàn hay cử tạ... đã từng cử vận động viên đi tập huấn tại quốc gia này.

Cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh: Hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc nâng cao thành tích và phát triển nền thể thao nước nhà. Việt Nam và Hungary cần sớm xây dựng bản kế hoạch hợp tác chặt chẽ và chi tiết, nhằm tích cực chuẩn bị cho những sự kiện thể thao lớn, như SEA Games 33, ASIAD năm 2026 và Olympic Los Angeles 2028.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.