Thứ Sáu, 03/05/2013, 11:11 (GMT+7)
.

Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp: “Vẽ” Trường Sa bằng gam màu ấm nóng

Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp là người Hà Nội, cựu ca sĩ - nhạc sĩ của Đoàn Nghệ thuật Binh chủng Thông tin liên lạc, Đoàn Nghệ thuật Không quân. Năm 1994, chị xuất ngũ (hàm đại úy) là biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho đến nay.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp bắt đầu sáng tác từ đầu thập niên 1980 với hàng trăm ca khúc về nhiều địa danh trên cả nước, về tuổi mới lớn, về thiếu nhi và đặc biệt là về người lính. Trái tim chị vẫn đầy nhiệt huyết của một người lính và nồng nàn tình yêu của người lính.

Chị đã ra mắt nhiều album viết về lực lượng vũ trang như: Lửa hội Điện Biên, Cảm xúc tháng Tư, Khúc trầm, Ngã ba huyền thoại, Em là chiến sĩ Thông tin, Vang mãi nhịp quân hành. Và đặc biệt chị có 4 album về Trường Sa và biển, đảo Tổ Quốc - đó là 3 album chung với đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn là Trường Sa giữa trùng khơi sóng, Tổ quốc nhìn từ biển, Nơi ta viết tình ca và gần đây nhất là album Nghe em hát ở Trường Sa vừa phát hành tháng 3-2013 nhân dịp kỷ niệm 25 năm trận Hải chiến Trường Sa lịch sử bi thương và oanh liệt (14-3-1988 – 14-3-2013).

- Chị đã có rất nhiều bài hát về người lính, biển đảo. Chị tâm đắc nhất là bài nào, tại sao?

Mỗi bài có một cảm xúc, một hoàn cảnh riêng khi sáng tác nên rất khó chọn ra bài nào là tâm đắc nhất. Bài hát “Nghe em hát ở Trường Sa” có lẽ là ca khúc có nhiều kỷ niệm với tôi. Đó là “tình yêu đầu” của tôi với bộ đội Hải quân (lúc đó tôi đang là ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật Không Quân đang theo học sáng tác tại Nhạc viện Hà nội).

Bài hát đã được viết ngay sau trận Hải chiến Trường Sa oanh liệt của các chiến sĩ Hải quân đã xả thân hy sinh bảo vệ đảo ngày 14-3-1988. Những câu hát ngọt ngào âm hưởng quan họ nhắn gửi tin yêu tới những người lính đảo xa. Bài hát do chính tôi thể hiện, nhanh chóng có sức lan tỏa rộng, nhiều đài truyền hình, phát thanh đã thu âm phát sóng: “Ở hội Lim anh nghe em hát/câu hát trao duyên người ơi người ở/ Nay ở Trường Sa, nghe tiếng hát em/Câu hát ‘người ơi, người ở đừng về”…

25 năm qua, hình ảnh những người Hải quân kiên định mà lãng mạn, vững vàng nơi khơi xa là nguồn cảm xúc dào dạt để tôi cho ra đời nhiều bài ca về những người lính biển.

- Lần đầu tiên đến Trường Sa, nhịp đập trái tim của chị như thế nào?

Tôi mới ra Trường Sa 1 lần duy nhất vào tháng 5-2011. Trước khi ra thì háo hức. Ra rồi thì thương yêu và cảm phục sự hy sinh của những người lính đảo và người dân trên các đảo tiền tiêu… Tôi thấy trong lòng dâng lên những cảm xúc vừa tự hào vừa yêu mến dải đất hình chữ S. Tình cảm đó đã được cụ thể hơn, sinh động hơn qua những ca khúc mang hơi thở, sức sống mới về bộ đội Hải quân.

- Nhờ vậy, chị đã viết “một hơi”: Tổ quốc nhìn từ biển, Đảo bão, Đảo chìm, Ra khơi, Kỷ niệm Trường Sa, Tạm biệt Trường Sa, Với Trường Sa, Tình ca sau đêm bão, Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình…

- Vâng. Đó là những ca khúc mang tình yêu thương từ đất liền ra đảo, để đồng bào và nhân dân cả nước tin vào sự thanh bình, cuộc sống đầy đủ của chiến sĩ ở đảo xa là có thật với những “hiện đại” của quạt gió, pin năng lượng mặt trời “biến đêm ra ngày, biến hạ thành thu”. Và “sự gắn kết của quân - dân trên đảo đang là những bia chủ quyền bằng tinh thần vững chắc nhất” - như lời Chính ủy Quân khu 7 - Trung tướng Phạm Văn Dỹ phát biểu tại đảo Sinh Tồn (tháng 5-2011).

- Có nhiều người mong muốn nhưng chưa có dịp đến Trường Sa. Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm về biển, đảo?

- Kỷ niệm thì nhiều và đã được thể hiện trong các ca khúc như: Giữa trùng khơi sóng (thơ Đoàn Vũ Vinh), Mùa xuân nơi Trường Sa (thơ Nguyễn Hữu Quý), Tình ca sau đêm bão (thơ Trúc Chi), Ra khơi…Đặc biệt, được thể hiện khá đầy đủ trong ca khúc “Kỷ niệm Trường Sa” - thơ Dương Tự Trọng.

Nếu bạn đã một lần ra Trường Sa thì không thể cầm lòng “thoáng nhìn thôi cũng đủ khóc rồi”. Thương lắm, nhớ lắm. Đó là những cảm xúc tươi mới, chân thực và sống động về những người lính biển và Trường Sa. Trong đó thể hiện tấm lòng của người lính biển với Tổ quốc và hình ảnh trung kiên của người lính biển trước tình hình mới đầy biến động ở biển Đông.

- Là một nhạc sĩ có khá nhiều chương trình giới thiệu ca khúc về người lính và biển, đảo. Những ca khúc của chị đã mang đến cho khán giả một bức tranh Trường Sa đa diện. Chị đã “vẽ” một Trường Sa đầy nắng gió, bão giông và hình ảnh những người lính biển kiên cường dâng tràn sức sống - phản ánh chân thực cuộc sống, tinh thần cũng như tấm lòng của những người lính biển trong giai đoạn mới. Cảm xúc của chị trong những lần này ra sao?

Mỗi bài hát là một góc nhìn, một cảm nhận về người lính biển và là tình yêu, sự ngưỡng mộ của mình với người lính nơi đảo xa kia. Từ “Ba em là bộ đội Hải quân” cho các bé mẫu giáo, đến “Đảo chìm” cho lứa tuổi teen, rồi đến các ca khúc trẻ trung sôi nổi tràn đầy sức sức như: “Đảo chân mây”, “Nhớ đêm Trường Sa”; cả những ca khúc trữ tình – hào sảng như: Tình ca sau đêm bão (thơ Trúc Chi), Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình (thơ Nguyễn Phan Quế Mai), Tổ quốc nhìn từ biển (thơ Nguyễn Việt Chiến)…

Mỗi lần những giai điệu ấy vang lên, trong tôi dâng tràn cảm xúc… “Đêm Trường Sa tình ai miền gió nắng/nơi này biển hát/ sóng dắt tôi về phía những đảo xa…”. Và lại muốn được đến với Trường Sa lần nữa.

- Chắc chắn những anh lính Hải quân sẽ mời nhạc sĩ Quỳnh Hợp đi thăm Trường Sa thêm nhiều lần nữa. Những thông điệp mà chị muốn gửi đến người nghe qua những ca khúc biển đảo ấy?

Trước hết là tình yêu thương, mong muốn được sẻ chia, gửi gắm niềm tin, tình yêu với những người lính đảo nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Sau nữa, để mang Trường Sa đến gần hơn với đồng bào trong và ngoài nước, để Trường Sa ngày càng ấm áp hơn, đầy đủ hơn với sự chung tay chăm lo của nhân dân cả nước; khơi gợi tình yêu biển, đảo tới đông đảo khán giả, nhất là các bạn trẻ, góp phần nhân lên tinh thần yêu nước để chúng ta thấy rõ giá trị của cuộc sống bình yên nơi đất liền, để sống có trách nhiệm hơn, cống hiến nhiều hơn và cùng chung tay góp sức để những người lính đảo thêm vững tâm giữa đảo xa sóng gió.

Và qua những tác phẩm ấy, giới thiệu đến người nghe hình ảnh những người lính Hải quân thời đại mới: trẻ trung, hiện đại, vững vàng, tràn đầy lạc quan nơi đầu sóng ngọn gió và góp sức khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tố quốc ta.

- Cảm ơn chị, chúc chị mãi tươi trẻ, vui khỏe để tiếp tục truyền đi ngọn lửa yêu thương và đầy trách nhiệm qua những ca khúc mới.

MI THỨ

.
.
.