Những nét mới trong phong trào "TDĐKXDĐSVH"
Năm 2013, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh nhà có nhiều nét mới. Cụ thể, là năm đầu tiên danh hiệu văn hóa cấp xã (phường, thị trấn) được Bộ VHTT&DL quy định cụ thể bằng các tên gọi “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị” với các tiêu chuẩn mang tính toàn quốc và được UBND tỉnh ra quyết định ban hành, trên cơ sở có kế thừa các tiêu chí trước đây của tỉnh.
Nhìn chung, nội dung các tiêu chuẩn do Bộ VH-TT&DL ban hành không có nhiều khác lạ so với các tiêu chí trước đây của tỉnh, tuy nhiên có một số tiêu chí cao hơn và đi sâu vào các đặc điểm của khu vực đô thị hoặc nông thôn như “Quản lý, xây dựng đô thị theo quy hoạch”, “Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị” (đối với phường hoặc thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị) hoặc “Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn” (đối với xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới)…
Lãnh đạo tỉnh trao danh hiệu Xã văn hóa Tân Thành, huyện Gò Công Đông. |
Để đạt được danh hiệu văn hóa mới, đòi hỏi các xã (phường, thị trấn) trong tỉnh phấn đấu rất nhiều. Cuối năm 2012, toàn tỉnh có 64 xã (phường, thị trấn) văn hóa, đã được tiến hành rà soát lại các tiêu chuẩn xã (phường, thị trấn) văn hóa và thực hiện nâng chất các tiêu chuẩn theo quy định mới để chuyển đổi danh hiệu.
Theo chỉ tiêu được giao, trong năm 2013, tỉnh ta chuyển đổi 30% (17 đơn vị) xã (phường, thị trấn) văn hóa hiện có sang “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và “Phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị”. Để thực hiện việc chuyển đổi này đạt chất lượng, hiệu quả, Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các huyện (thành, thị) và các xã (phường, thị trấn) văn hóa trong tỉnh tổ chức lễ phát động chuyển đổi danh hiệu, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng, nâng chất các mô hình văn hóa và xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng. Đã có 9/10 huyện (thị, thành) tổ chức lễ phát động trang trọng (huyện Tân Phú Đông không tổ chức vì chưa có xã văn hóa).
Nếu trước đây, thời gian đăng ký và xét công nhận danh hiệu xã (phường, thị trấn) văn hóa là 1 năm, thì nay là 2 năm. Mặt khác, trước đây do Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận danh hiệu văn hóa, thì nay do Ban Chỉ đạo phong trào cấp huyện đề nghị UBND cùng cấp ban hành quyết định công nhận. Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn để các xã (phường, thị trấn) văn hóa trong diện chuyển đổi đạt chất lượng tốt.
Qua 1 năm thực hiện với những nét mới nêu trên, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi cả về số lượng lẫn chất lượng. Cụ thể, trong năm 2013, đã có 24 xã (phường, thị trấn) văn hóa trong tỉnh đăng ký chuyển đổi danh hiệu. Qua kiểm tra cuối năm, đã có 24 xã (phường, thị trấn) văn hóa đủ điều kiện chuyển đổi sang danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và “Phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Đặc biệt, đơn vị TX. Gò Công là đơn vị duy nhất của tỉnh đã được Bộ VH-TT&DL đồng ý và được UBND tỉnh phê duyệt “Đề án xây dựng TX. Gò Công đạt chuẩn văn minh đô thị” vào năm 2015. TX. Gò Công cũng đã tổ chức lễ phát động và ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể và đại diện chính quyền, nhân dân các xã, phường.
Bên cạnh đó, các mô hình khác trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong năm 2013 cũng đã phát triển mạnh mẽ, cụ thể: Toàn tỉnh đã xây dựng mới 17 ấp (khu phố), 50 cơ sở thờ tự, 53 con đường, 3 chợ và 2 công viên đạt danh hiệu văn hóa; nâng đến nay toàn tỉnh có 421.083/421.246 hộ đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 99,94%, trong đó đã có 400.582 hộ đạt danh hiệu này, chiếm tỷ lệ 95,13%; 940/1.019 ấp (khu phố) văn hóa, đạt tỷ lệ 92,24%; 267 cơ sở thờ tự văn hóa; 170 con đường, 23 chợ và 9 công viên đạt danh hiệu văn hóa.
Việc xây dựng các mô hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tác động tích cực trên nhiều mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thúc đẩy đời sống kinh tế và văn hóa - tinh thần nhân dân không ngừng được nâng cao, môi trường cảnh quan được cải thiện tốt, góp phần thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh của tỉnh…
Tuy nhiên, hiện nay phong trào cũng còn một số mặt hạn chế như: Ở một số ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa trong tỉnh tình hình vệ sinh môi trường, cảnh quan chưa được cải thiện tốt; một số tuyến đường giao thông chậm sửa chữa, nâng cấp; có hiện tượng nhân dân tái sử dụng cầu tiêu ao cá; còn xảy ra trọng án, trộm cắp vặt, nhậu say gây rối…, làm mất trật tự công cộng.
HƯỚNG THU HƯƠNG