Thứ Tư, 15/01/2014, 09:11 (GMT+7)
.

Đờn ca tài tử mãi là "hơi thở" của nhân dân

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT&DL cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh có 121 câu lạc bộ (CLB), nhóm đờn ca tài tử (ĐCTT), thu hút 1.201 người tham gia thường xuyên ở các xã (phường, thị trấn). Con số này cho thấy, phong trào hiện nay đang phát triển…”.

Ngoài các CLB, nhóm ĐCTT, còn có khá nhiều quán cà phê tài tử như: Thu Hiền (Mười Phong, ở phường 9, TP. Mỹ Tho), Đúng Hẹn (QL 50), Trúc Lệ (Long Định - Châu Thành)…

ĐCTT LÀ MÓN ĂN TINH THẦN

Chị Ngọc Tuyết, thành viên CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Ngoài lịch sinh hoạt cố định của CLB, chị còn tham gia giao lưu với rất nhiều CLB, nhóm ĐCTT bạn trong và ngoài tỉnh. Mỗi nhóm, CLB có ấn định ngày sinh hoạt định kỳ trong tháng như: CLB Trung tâm Văn hóa tỉnh mỗi tháng sinh hoạt 2 lần vào tối thứ 2 đầu tháng và thứ hai giữa tháng; CLB xã Tân Hòa Thành (Tân Phước) sinh hoạt ngày 12 âl; CLB Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo) ngày 15 âl; CLB huyện Châu Thành ngày 16 âl; CLB Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo) ngày 17 âl hàng tháng…”. Theo đó, “đến hẹn lại lên”, các thành viên vẫn nhớ ngày giờ mà đến tham gia sinh hoạt”.

Ngoài các điểm sinh hoạt ở Nhà Văn hóa, nhiều thành viên còn luân phiên tổ chức tại nhà mình. Không ít người đã tự sắm âm thanh, micro “xịn” để chơi cho chất lượng. Ngoài “rượu, thịt” chủ nhà chuẩn bị, ai có gì góp nấy cho cuộc vui thêm rôm rả.

Anh Giang Ngọc Hải, Chủ nhiệm CLB ĐCTT của Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ: “Cứ mỗi buổi sinh hoạt, dù ở CLB hay nhóm ĐCTT, lúc đầu người đờn, người hát không hay; thế nhưng càng về sau tiếng đờn càng mùi mẩn và giọng ca càng tha thiết.

Có lẽ lúc ấy, cái tình và “máu mê” đã thấm đậm, được hòa quyện với nhau”. Anh cho biết thêm, CLB của anh hiện có 16 thành viên và 3 nhạc công; nòng cốt là anh Thế Châu (người thường xuyên đứng lớp dạy ca tài tử) và các nhạc công: Tám Danh, Tư Hồ, Thanh Bình, Hiền Mai, Ngọc Tuyết…

Không phải chỉ đợi đến ngày quy định họ mới sinh hoạt đờn ca, mà khi nhà ai có đám giỗ, tiệc cưới… thì anh em cũng mời mọc, hú hí đem đờn đến chơi; thậm chí anh em tài tử gặp nhau sau ly cà phê, hay chén trà hoặc có chút rượu… là điện thoại gọi nhau xúm lại đờn ca ở một chỗ nào đó. Cứ xoay vòng mà hát, ai biết gì ca nấy, miễn sao vui vẻ, chân tình.

Trong một lần đi theo mấy anh em tài tử và được sinh hoạt “ngẫu hứng” cùng các anh chị: Ngọc Hải, Ngọc Tuyết, Cẩm Hường (TP. Mỹ Tho); anh Hồng Son, Ngọc Sơn (Chợ Gạo)… Sau khi sương sương vài ly rượu, họ gọi một tay đờn có tên là Ba Râu. Ngoài cây ghi-ta phím lõm, Ba Râu còn mang theo micro, 1 loa 4 tấc và ampli.

Hỏi ra mới biết, đây là nhạc công chuyên đánh đàn thuê, cứ tính nguyên show (đánh đờn và bộ âm thanh mini) 30 ngàn đồng/giờ. Cẩm Hường cho biết: “Chị cũng như anh Ba Râu, không là thành viên ở CLB nào cả, thích nhóm nào thì đến hát chơi. Còn ai gọi đến hát phục vụ thì bồi dưỡng cho tôi 300.000 đồng…”.

Nói về phong trào ĐCTT, ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo bộc bạch: “Tuy bận bịu khá nhiều công việc, nhưng mỗi lần sinh hoạt là tôi cùng một số anh em trong Đảng ủy và UBND xã đều có mặt. Ngoài 2 tay đờn chủ lực của CLB là anh Đoàn Văn Vững và Lâm Quốc Khanh, các nhóm đến giao lưu có mang đờn đến thì thay phiên nhau đờn ca.

Mỗi lần sinh hoạt có từ 40 - 70 người dự. Hướng tới, mỗi tháng chúng tôi sẽ tổ chức tập luyện trước với đờn, để có sự hòa quyện, nhịp nhàng giữa đờn và ca; đồng thời chương trình giao lưu có thêm bài bản mới. Ngoài CLB ở xã, mỗi ấp đều có nhóm ĐCTT, thường xuyên sinh hoạt và giao lưu các nhóm với nhau”. ĐCTT bây giờ không phải chỉ có người làm nghề nông mà có cả cán bộ về hưu, giáo viên, bác sĩ, doanh nghiệp… tham gia và tài trợ kinh phí hoạt động.

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Tiền Giang đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015”, đã tổ chức nhiều lớp ĐCTT ở Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật.

Sở VH-TT&DL còn phối hợp Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức 2 lớp ĐCTT căn bản và 2 lớp nâng cao; củng cố và phát triển các CLB và nhóm ĐCTT; tổ chức thi sáng tác lời mới và các cuộc liên hoan ĐCTT; in ấn, phát hành các tập bài hát. Hàng tháng, Sở VH-TT&DL phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức biểu diễn đờn ca giao lưu ở rạp hát Tiền Giang (rạp hát Thầy Năm Tú), thu hút khá đông người xem.

ĐCTT là một loại âm nhạc vừa tinh tế vừa phóng khoáng, không kén người tham gia, nhưng để đạt đến đỉnh cao thì phải có sự khổ luyện cả cuộc đời. Nó sẽ mãi tồn tại song hành với đời sống và là “hơi thở” của người dân Nam bộ nói chung, Tiền Giang nói riêng; là một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Hy vọng sẽ có một cuộc liên hoan mở rộng về ĐCTT cho cả những nhóm ĐCTT hoạt động tự do của tư nhân, tạo luồng gió mới thổi mạnh phong trào, qua đó phát hiện và tiếp tục bồi dưỡng lực lượng kế thừa.

ÁI QUỲNH

.
.
.