Thứ Ba, 21/01/2014, 05:39 (GMT+7)
.

TS-PCT UBND tỉnh Trần Thanh Đức:Tiền Giang là cái nôi nghệ thuật cải lương

Với tinh thần trách nhiệm cao với lịch sử, với khoa học, với nghệ thuật sân khấu cải lương và với quê hương Tiền Giang của các học giả, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, các vị đại biểu, cuộc Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tiền Giang - cái nôi của  nghệ thuật sân khấu cải lương” được khép lại.

Cuộc tọa đàm đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó nổi bật lên những vấn đề chính sau đây: Về sự ra đời của sân khấu cải lương; về việc xác định Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương; về vai trò của Thầy Năm Tú trong việc ra đời và quảng bá nghệ thuật sân khấu cải lương; về sự đóng góp của Tiền Giang đối với đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương trong hơn một thế kỷ qua; về thực trạng và việc phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương trong thời kỳ hội nhập kinh tế
quốc tế.

Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương.
Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương.

Trước hết, vấn đề ra đời của sân khấu cải lương, xác định Tiền Giang là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương (nói tắt là cái nôi cải lương) được nhiều tham luận và ý kiến quan tâm đề cập. Với tư liệu phong phú và đáng tin cậy, các tác giả đã chứng minh: Rạp cải lương Thầy Năm Tú là rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam; vở cải lương “Kim Vân Kiều” và đĩa cải lương Thầy Năm Tú là vở cải lương đầu tiên và đĩa cải lương đầu tiên của nghệ thuật sân khấu cải lương. Những “cái” đầu tiên ấy đều ở Tiền Giang.

Không những thế, nhiều gánh hát liên tiếp ra đời và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cả nước có quê Tiền Giang suốt 95 năm qua đã khẳng định thêm danh tiếng “cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương”. Chủ điểm này đã được làm rõ, không có vấn đề gì phải bàn thêm.

Vấn đề thứ hai: Về vai trò của Thầy Năm Tú trong việc ra đời sân khấu cải lương, trong việc quảng bá nghệ thuật sân khấu cải lương. Đây là vấn đề có liên quan tới sự kiện ra đời sân khấu cải lương và hoạt động của gánh hát Thầy Năm Tú.

Trong nhiều tư liệu và các tham luận được trình bày tại tọa đàm, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đã đề cập và khẳng định Thầy Năm Tú - một người giàu có nổi tiếng Mỹ Tho, người sắm xe hơi đầu tiên của Việt Nam từ năm 1907, người say mê sân khấu đã dốc tiền của để xây dựng rạp cải lương đầu tiên của cả nước với quy mô lớn, cho công diễn vở cải lương đầu tiên để nghệ thuật sân khấu cải lương được sinh thành; đồng thời, Thầy Năm Tú còn cho ra đời đĩa cải lương đầu tiên để quảng bá loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Sự đóng góp của Thầy Năm Tú cho sự ra đời của nghệ thuật sân khấu cải lương là to lớn, gắn liền với lịch sử sân khấu cải lương của nước ta. 

Vấn đề thứ ba: Về sự đóng góp của Tiền Giang đối với đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương trong hơn một thế kỷ qua, các tham luận và các phát biểu tại cuộc tọa đàm, ở những mức độ khác nhau đã đề cập về vấn đề này.

Bằng nhiều tư liệu thành văn, tư liệu thực địa tin cậy và nhân chứng sống, cuộc tọa đàm đã có tiếng nói chung: Tiền Giang là nơi có nhiều nhạc sư truyền dạy nhạc lễ và nhạc lễ cải biên - một trong những yếu tố hình thành nhạc tài tử Nam bộ; Tiền Giang không chỉ là nơi ra đời sân khấu cải lương, là cái nôi của cải lương, mà còn là quê hương của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cả nước, những nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu cải lương trong hơn một thế kỷ qua. Các nghệ sĩ của Tiền Giang đã làm rạng danh quê hương - cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương.

Vấn đề thứ tư: Về thực trạng và việc phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương trong thời kỳ hội nhập. Đây là vấn đề mà nhiều nhà quản lý sân khấu, nhiều nhà nghiên cứu và giới nghệ sĩ cải lương quan tâm, trăn trở. Sân khấu cải lương Tiền Giang cũng như cả nước đã đi qua 95 năm, với những bước thăng trầm, đã có những đóng góp to lớn cho sân khấu cải lương Việt Nam.

Cùng trong tình trạng chung của cả nước, sân khấu cải lương Tiền Giang trong những năm gần đây buộc phải thu nhỏ để “tác chiến” cơ động hơn, phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, vấn đề lâu dài thì cần phải tạo ra những yếu tố mới, phù hợp với tính cách, tình cảm, quan niệm nghệ thuật của công chúng trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, vượt ra khỏi tầm một cuộc tọa đàm. 

Tóm lại: Cuộc tọa đàm đã nêu bật được nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề vượt ra khỏi tầm của một cuộc tọa đàm khoa học, như việc phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương trong thời kỳ hội nhập, một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn.

Theo chúng tôi, sự thành công đã vượt ngoài dự định. Xin cảm ơn tất cả các nhà khoa học, các nghệ sĩ, các đại biểu đã nhiệt tình đóng góp để đem lại sự thành công này.

 

.
.
.